logo
vi jp

Từ dạy học sang khơi gợi tư duy – Nuôi dưỡng kỹ năng cho học sinh trong thế kỷ 21

Cô Phạm Thị Huyền, giáo viên tiếng Nhật trường THPT Chuyên Trần Phú
Cô Trần Thị Trung Anh, giáo viên tiếng Nhật trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong

 

Trong số báo này, chúng ta sẽ cùng trò chuyện với hai cô giáo đã đại diện Việt Nam tham gia Diễn đàn những người nói tiếng Nhật 2024, được tổ chức tại Nhật Bản vào tháng 8 vừa qua, để lắng nghe chia sẻ về những kinh nghiệm mà các cô đã học hỏi được từ chương trình và dự định cho các giờ học trong tương lai.

Diễn đàn được tổ chức với mục tiêu tạo cơ hội để các thầy cô suy nghĩ về việc xây dựng kế hoạch bài học và hoạt động tiếng Nhật nhằm phát triển những năng lực cần thiết cho thế hệ trẻ trong tương lai. Vào cuối khóa tập huấn, các giáo viên được chia nhóm theo quốc gia và cùng nhau thảo luận về cách triển khai những phương án này tại đất nước mình.

                                                         Cô Huyền                                     Cô Trung Anh

Điều hai cô chú trọng trong giờ dạy là gì?
– Đầu tiên, xin hãy chia sẻ về điều cô học được nhiều nhất khi tham gia khóa tập huấn này.
Cô Huyền: Tôi nghĩ rằng đó là cơ hội nhìn lại và suy ngẫm về những kỹ năng được chú trọng trong nền giáo dục tại Việt Nam. Theo tôi, kỹ năng giao tiếp và hợp tác là hai yếu tố cần được đặc biệt coi trọng , qua khóa tập huấn, tôi đã học được cách xây dựng các hoạt động để rèn luyện hai kỹ năng này cũng như từng bước để triển khai.

Cô Anh : Tôi cũng tin rằng kỹ năng giao tiếp, khả năng hợp tác và tư duy sáng tạo sẽ rất quan trọng đối với học sinh trong tương lai. Điều tôi nhận ra từ khóa tập huấn này là giáo dục không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức, mà quan trọng là tạo cơ hội cho học sinh tự suy nghĩ và khám phá.

 

– Có thể nói rằng quan điểm của cô về việc giảng dạy có thay đổi trước và sau khi tham gia khóa đào tạo không?
Cô Huyền: Vâng. Trước đây, tôi thường cố gắng giải thích và nói rất nhiều trong tiết học, nhưng sau khóa tập huấn, tôi cố gắng giảm thời lượng nói của mình và dành nhiều thời gian hơn cho học sinh suy nghĩ.

Cô Anh: Tôi nghĩ điều quan trọng là học sinh có thể quan tâm đến những chủ đề xung quanh mình và bày tỏ ý kiến của bản thân. Mặc dù đối với học sinh trung học yêu cầu này còn khá khó, thế nhưng thực tế khi thấy các em học hỏi lẫn nhau trong buổi tập huấn, tôi càng tin rằng việc hợp tác giữa học sinh với nhau mới đóng vai trò then chốt. Tôi cũng nhận thấy nhiệm vụ quan trọng của giáo viên là tạo điều kiện để mỗi học sinh khám phá thế mạnh của mình và đóng góp vào tập thể, đồng thời giúp các em có thể tự do bày tỏ nhiều quan điểm khác nhau.

 

Kế hoạch bài học: Bảo vệ các di sản thế giới của Việt Nam
– Xin hãy cho chúng tôi biết về ý tưởng hoạt động mà hai cô đã cùng thực hiện trong khóa tập huấn: “Đề xuất bảo vệ các di sản thế giới của Việt Nam”.
Cô Huyền và cô Anh: Song song với chương trình tập huấn dành cho giáo viên mà chúng tôi tham gia, còn có một chương trình dành cho học sinh, trong đó có bốn học sinh đến từ Việt Nam. Chủ đề của chương trình dành cho học sinh là “Thành phố của chúng ta có đang phát triển bền vững không?”. Vào cuối chương trình, các em được chia thành các nhóm từ năm quốc gia khác nhau để thực hiện và trình bày một đoạn phim dài ba phút nhằm truyền tải thông điệp về tính bền vững.

Hoạt động này được chia thành năm giai đoạn: Tìm hiểu – Đào sâu – Trải nghiệm – Tổng kết – Truyền đạt. Chúng tôi đã dựa trên những bước này để xây dựng kế hoạch giảng dạy của mình.

 

THÔNG TIN CHƯƠNG TRÌNH

1. Tìm hiểu Học sinh quan sát các bức ảnh về di sản thế giới, chẳng hạn như núi Phú Sĩ (cảnh đẹp, dòng người leo núi đông đúc, rác thải bị vứt bừa bãi,…). Thảo luận về những điều các em nhận thấy và cảm nhận.
2. Đào sâu Suy nghĩ nguyên nhân dẫn đến vấn đề này
3. Trải nghiệm Chia nhóm, tìm hiểu thực trạng và các vấn đề tiềm ẩn của di sản thế giới tại Việt Nam
4. Tổng kết Mỗi nhóm tổng hợp vấn đề và giải pháp bảo vệ di sản
5. Truyền đạt Nhóm thiết kế báo tường tuyên truyền bảo vệ di sản và trình bày trước lớp

 

– Sau khi trở về Việt Nam, hai cô đã áp dụng hoạt động này vào thực tế đúng không?  Các cô hãy chia sẻ cảm nghĩ cũng như những điều cần chú ý.

◆ Ví dụ thực tế 1: Học sinh lớp 12 trường THPT Chuyên Trần Phú (4 nhóm) 5 tiết mỗi tiết 45 phút 

Cô Huyền: Học sinh rất hào hứng tham gia, nhờ đó tiết học diễn ra vô cùng sôi nổi và thú vị. Tôi cũng có điều chỉnh một chút để phù hợp hơn, cụ thể như sau:

1) Bắt đầu bài học, tôi cho các em xem ảnh và đoạn phim về Vịnh Hạ Long – một di sản thế giới nổi tiếng của Việt Nam, rồi đặt câu hỏi: “Hiện tại nơi đây đang đối mặt với vấn đề gì?”, “Có những việc gì đang xảy ra?”. Thay vì giải thích ngay hay cung cấp tài liệu sẵn, tôi dành thời gian cho học sinh suy nghĩ và tự tìm hiểu. Các em tìm được đa dạng tài liệu trên mạng, cũng có nhiều bạn từng đến Vịnh Hạ Long nên cuộc thảo luận diễn ra rất sôi nổi với nhiều góc nhìn khác nhau.

2) Tiếp theo, tôi hướng dẫn các nhóm nghiên cứu về các di sản thế giới khác của Việt Nam để xem liệu  tình trạng tương tự có xảy ra hay không. Đồng thời, cho các bạn đã từng đến những địa điểm đó chia sẻ về trải nghiệm thực tế của mình. Nhờ vậy, học sinh có thể nhìn nhận vấn đề một cách đa chiều hơn. 

3) Hoạt động cuối cùng là thiết kế bản hiệu hoặc áp phích. Tôi lựa chọn hình thức này vì poster (áp phích) có thể dễ dàng được trưng bày ở nhiều nơi, đồng thời giúp học sinh phát triển kỹ năng công nghệ thông tin. Mỗi nhóm đều làm rất tâm huyết và sáng tạo để cho ra sản phẩm của mình.



◆Ví dụ thực tế 2: Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong – Lớp 12 (2 nhóm) – 6 tiết, mỗi tiết 45 phút

Cô Anh: Vì số lượng học sinh ít nên tôi chia lớp thành hai nhóm. Trong quá trình thực hiện hoạt động, các em đã có nhiều khám phá thú vị. Dưới đây là một số điều tôi đã điều chỉnh:

1) Trước hết, tôi muốn khơi dậy hứng thú cho học sinh, nên đã giao cho các em một nhiệm vụ đơn giản: chọn một di sản thế giới ở Việt Nam mà mình yêu thích và giới thiệu về nó. Hai nhóm đã chọn Huế và Hội An. Vì đây là những địa điểm các em tự chọn, nên ai cũng có nhiều điều muốn chia sẻ, khiến không khí buổi thuyết trình trở nên sôi nổi và đầy hào hứng. Tôi cũng có thể cảm nhận được niềm tự hào của các em dành cho đất nước mình.

 

 

2) Tiếp theo, để hiểu rõ hơn vấn đề, học sinh quan sát và trải nghiệm thực tế. Tuy nhiên, do Huế và Hội An khá xa, các em không thể trực tiếp đến đó. Thay vào đó tôi hướng dẫn học sinh phỏng vấn những bạn đã đến những địa điểm này, đồng thời thực hiện bản khảo sát rồi tổng hợp kết quả để trình bày trước lớp. Nếu như ở bước đầu, các em chỉ tập trung thảo luận những điều thú vị, thì đến bước này, các em đã tự nhận ra thực trạng vấn đề tại các di sản.

3) Cuối cùng, mỗi nhóm thiết kế một tấm áp phích để đặt tại địa danh mà mình đã chọn. Vì đây là những nơi các em yêu thích nên ai cũng mong muốn góp phần bảo vệ và giữ gìn chúng. Các em còn truyền tải thông điệp bằng nhiều thứ tiếng khác như tiếng Anh, tiếng Trung, đây cũng là cơ hội để các em chú ý đến những ngôn ngữ khác ngoài tiếng Nhật. Tôi nghĩ rằng tính thực tiễn của hoạt động lần này đã khiến học sinh càng tích cực tham gia giờ học. 

 

 

– Cô có thể chia sẻ về những dự định ấp ủ trong tương lai của mình được không?
Cô Huyền: Tại trường THPT Chuyên Trần Phú, chúng tôi thường có nhiều hoạt động thuyết trình nhóm, nhưng trong thời gian tới tôi muốn nghiên cứu thêm các chủ đề và phương pháp để nâng cao hiệu quả học tập.

Cô Anh: Tôi muốn duy trì các dạng hoạt động giải quyết vấn đề như thế này khoảng một lần mỗi tháng. Do học sinh còn ở bậc trung học nên tôi cần chọn lọc chủ đề từ sách giáo khoa và triển khai từng bước một sao cho phù hợp với các em.

 

******************************************
Toàn bộ bài phỏng vấn được thực hiện bằng tiếng Nhật. Bài báo này là bản biên tập từ phần phỏng vấn của nhân vật.
Hình ảnh sử dụng trong bài viết được cung cấp bởi nhân vật.

 

Đơn vị phát hành:  Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam – Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản
Ngày phát hành: Ngày 20 tháng 2 năm 2025
Chấp bút: FUJINAGA Kaoru (Chuyên gia tiếng Nhật cấp cao) 
Biên tập:   FUJII Mai (Chuyên gia tiếng Nhật)  
IKOMA Miho (Giáo viên tiếng Nhật)  
FUJIMURA Haruna (Giáo viên tiếng Nhật)  
TSUCHIYA Risa (Nhân viên phụ trách mảng Tiếng Nhật)  
Biên dịch bài viết:   Nguyễn Phúc An (Trợ lí chương trình)  
Nguyễn Thị Bình (Trợ lí chương trình)

 

Đăng ký email cập nhật

Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam

Văn phòng

Giờ mở cửa: 08:30 - 12:00/13:30-17:30 từ Thứ Hai đến Thứ Sáu
Đóng cửa: Các ngày thứ Bảy, Chủ Nhật và các ngày lễ

Thư Viện

Giờ mở cửa: 09:30 - 12:00/13:00-18:00 từ Thứ Ba đến Thứ Bảy
Đóng cửa: Các ngày Chủ Nhật, thứ Hai và các ngày lễ

Trung tâm Giao Lưu Văn Hóa Nhật Bản tại Việt Nam 2009 - 2025, all rights reserved.