Cô Đỗ Thị Thu Oanh – Giáo viên dạy tiếng Nhật Công ty Cổ phần Nhân lực VNJ
Khi cô Oanh học cấp Ba, cô đã được nghe về nền kinh tế phát triển của Nhật Bản từ một giáo viên người Nhật. Những câu chuyện này đã khơi dậy hứng thú tìm hiểu của cô đối với đất nước hoa anh đào này và đó cũng là lý do, cô chọn học tiếng Nhật khi vào đại học. Mùa hè năm 2023, cô đã tham gia chương trình “Tập huấn toàn diện về phương pháp giảng dạy cho giáo viên dạy tiếng Nhật ở nước ngoài” (sau đây gọi tắt là “Tập huấn tại Nhật”) do Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản tổ chức. Hãy cùng nghe những chia sẻ của cô về trải nghiệm trong chuyến tập huấn và câu chuyện sau đó của cô Oanh.
Những điều học được qua kỳ tập huấn
Tại chương trình tập huấn, cô đã rút ra cho mình những kinh nghiệm như thế nào?
Trong khóa tập huấn, đầu tiên chúng tôi có phần suy nghĩ về cách giảng dạy tiếng Nhật. Chẳng hạn chúng tôi được chia nhóm và cùng thảo luận về cách xây dựng giờ học, sau đó tiến hành dạy thử rồi chia sẻ với nhau về những điểm tốt cũng như những điểm cần được cải thiện. Chúng tôi cũng có dịp trải nghiệm văn hóa và đến thăm quan các trường cấp Ba của Nhật. Mặc dù chỉ có thể quan sát hoạt động của các câu lạc bộ do đến vào kỳ nghỉ hè, thế nhưng chúng tôi đã được xem rất nhiều hoạt động đội nhóm như câu lạc bộ tiếng Anh, nhóm nhảy, đội bóng chuyền và ban nhạc cụ truyền thống,v.v. Tôi đã có cơ hội phỏng vấn các học sinh trung học và giáo viên, dịp này đã giúp tôi suy ngẫm về những điểm khác biệt giữa trường THPT của Việt Nam và Nhật Bản.
Hoạt động nào đã để lại ấn tượng đặc biệt sâu sắc với cô?
Chắc chắn phải kể đến trải nghiệm văn hóa rồi. Tôi đã được xem trực tiếp màn biểu diễn Shamisen (một loại đàn ba dây truyền thống của Nhật) và sau đó tự mình đánh thử đàn. Đây là lần đầu tôi được trải nghiệm loại hình nhạc cụ truyền thống của Nhật nên tôi cảm thấy rất vui và hứng thú.
Cô cảm nhận mình đã đạt được gì thông qua khóa tập huấn này?
Qua khóa tập huấn, tôi đã có thể lý giải sâu sắc hơn về giáo dục hiểu biết đa văn hóa, đồng thời có thể áp dụng cho bản thân. Trước đó tôi không biết nhiều về cuộc sống cũng như đất nước Nhật Bản lắm nên cảm thấy chưa tự tin ở phần này khi đứng lớp dạy tiếng Nhật cho các thực tập sinh. Bây giờ tôi luôn tiếp tục không ngừng mày mò tìm hiểu làm sao để áp dụng cách làm mới, hướng suy nghĩ mới vào phương pháp giảng dạy của bản thân.
Áp dụng thực tiễn khi về lại Việt Nam
Sau kì tập huấn, lớp học của cô có những thay đổi như thế nào?
Trước đây trong giờ học chỉ có tôi đứng giảng trước lớp về cuộc sống tại Nhật. Nhưng từ kinh nghiệm của khóa tập huấn, bây giờ tôi luôn cố gắng để học viên tự khám phá những khác biệt văn hóa và thảo luận với nhau. Thay vì chỉ nghe giảng một cách mơ hồ và thụ động, tôi khuyến khích họ thử suy nghĩ để nhận ra điều gì đó mới. Và điều cốt yếu tôi muốn chú trọng là học viên có thể trao đổi, trò chuyện với bạn cùng lớp về những phát hiện của bản thân.
Bằng cách tạo nhiều cơ hội để học viên suy ngẫm, mọi người sẽ chủ động và hào hứng tham gia lớp học hơn. Ví dụ khi bàn về phương ngữ, tôi sẽ hỏi “Ở Việt Nam thì như thế nào? Bạn nghĩ sao về phương ngữ?”. Trước đây học viên sẽ chỉ im lặng và lắng nghe, thế nhưng bây giờ mọi người có thể chỉ ra điểm khác nhau, sau đó cùng thảo luận và phát biểu. Hơn nữa, tôi cũng thường sử dụng tài liệu “PowerPoint giới thiệu về Cuộc sống tại Nhật – Irodori” do Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (JFVN) biên soạn vì nó cung cấp rất đầy đủ những thông tin bổ ích và cần thiết cho cuộc sống tại Nhật Bản.
Cô có thử áp dụng thêm gì vào giờ dạy tiếng Nhật không?
Tôi đã bắt đầu tích cực sử dụng hình ảnh minh họa trong lớp học của mình. Khi giới thiệu các mẫu câu mới, tôi thường kèm theo hình ảnh và đặt câu hỏi để học sinh đoán những mẫu câu này sẽ được áp dụng trong những tình huống nào. Trong phần luyện tập, tôi đưa ra vài hình minh họa để học viên luyện đặt câu sử dụng từ vựng đã học. Thật ra, tôi đã nghe qua về cách dạy dùng nhiều hình ảnh từ lâu, thế nhưng chỉ sau khi tham gia tập huấn, tôi mới có thể tự tin áp dụng nó một cách thành thạo. Trong khóa tập huấn, tôi đã học hỏi và áp dụng những cách giảng dạy mà các giáo viên khác đã giới thiệu. Ngoài ra, tôi không chỉ sử dụng một hình ảnh minh họa duy nhất mà còn tìm kiếm nhiều hình ảnh khác nhau trên trang “Tài liệu dạy học cho mọi người (みんなの教材サイト)”. Trang web này rất tiện lợi vì có nhiều ảnh minh họa sinh động và mang đậm chất Nhật Bản.
Và cuối cùng, xin hãy chia sẻ về mục tiêu trong tương lai của mình
Bên cạnh việc nâng cao trình độ tiếng Nhật của bản thân, tôi cũng muốn hiểu biết nhiều hơn về văn hóa Nhật Bản và trở thành một giáo viên có thể truyền tải được nét đẹp, nét thú vị của nó đến học sinh. Trong chuyến tập huấn tại Nhật vừa rồi, dù đã có dịp trải nghiệm văn hóa Nhật Bản, nhưng tôi vẫn muốn hiểu nhiều hơn nữa về người Nhật, về văn hóa và cuộc sống của họ.”
**********************
Cuộc phỏng vấn này được thực hiện bằng tiếng Việt và tiếng Nhật. Bài báo này là bản biên tập từ phần phỏng vấn của nhân vật. Toàn bộ hình ảnh trong bài đều do người được phỏng vấn cung cấp.
Đơn vị phát hành: |
Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam – Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản |
Ngày phát hành: |
Thứ Hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024 |
Chấp bút: |
TSUCHIYA Hitomi (Chuyên gia tiếng Nhật) |
Biên tập:
|
FUJINAGA Kaoru (Chuyên gia tiếng Nhật cấp cao) IKOMA Miho (Giáo viên tiếng Nhật) FUJIMURA Haruna (Giáo viên tiếng Nhật) |
Biên dịch bài viết :
|
Nguyễn Phúc An (Trợ lí chương trình) Nguyễn Thị Bình (Trợ lí chương trình) |
Trung tâm Giao Lưu Văn Hóa Nhật Bản tại Việt Nam 2009 - 2024, all rights reserved.