logo
vi jp

MONG MUỐN LÀ NGƯỜI GIÁO VIÊN NUÔI DƯỠNG TINH THẦN TỰ HỌC

Chia sẻ từ cô Trần Thị Kim Ngân – giáo viên Công ty Sun*Inc.

 

Cô Trần Thị Kim Ngân hiện đang công tác tại Công ty Sun*(Asterisk) Inc. chi nhánh Đà Nẵng và giảng dạy tiếng Nhật cho sinh viên ngành Công nghệ Thông tin tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Cô cũng tham gia khoá học online “Marugoto Sensei Ơi!” do Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức từ tháng 9 đến tháng 11 năm 2020 dành cho các giáo viên tiếng Nhật. Sau khi khóa học kết thúc, Ban Biên tập đã phỏng vấn cô Ngân. Sau đây là những chia sẻ của cô.

 

 

Giáo dục tiếng Nhật – nền tảng hỗ trợ cho ngành Công nghệ Thông tin

‐ Sun*(Asterisk) Inc. là công ty như thế nào?

“Đây là một công ty chuyên về lĩnh vực Công nghệ Thông tin. Tôi làm việc tại bộ phận Đào tạo tiếng Nhật. Cứ đều đặn từ Thứ Hai đến Thứ Sáu hàng tuần, tôi đến trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng dạy tiếng Nhật cho sinh viên. Các em vừa học Công nghệ Thông tin vừa học tiếng Nhật. Bộ phận Đào tạo của Sun* hiện đang dạy tiếng Nhật cho các trường: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghệ-ĐHQGHN, Đại học Công nghệ Thông tin – ĐHQG TPHCM, Đại học Bách khoa Đà Nẵng.

Sun*Inc. được thành lập vào năm 2012 bởi giám đốc người Nhật. Kể từ đó, công ty được vận hành dưới tên Framgia đến tháng 3/2019, sau đó đổi thành tên như hiện nay. Hệ thống văn phòng rộng khắp các thành phố, điển hình như Tokyo, Hà Nội… Như đã đăng tải trên trang web của công ty, Sun* hiện đang vận hành 2 mảng dịch vụ: hỗ trợ phát triển dự án về công nghệ, thiết kế, kinh doanh với đội ngũ chuyên môn theo yêu cầu của khách hàng; và tìm kiếm, đào tạo, giới thiệu nhân tài cho ngành Công nghệ Thông tin trong và ngoài nước.

   Không biết bạn đọc đã nghe về chương trình HEDSPI (Higher Education Fevelopment Support Project on ICT) tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội từ năm 2006 dưới sự hỗ trợ ODA từ Nhật Bản chưa? Đó là chương trình đào tạo ngành IT ứng dụng dựa trên bộ quy chuẩn kỹ năng Công nghệ Thông tin của Nhật Bản, trong đó chương trình đào tạo tiếng Nhật được tổ chức dành cho sinh viên thuộc ngành này. Chương trình đào tạo ra các kỹ sư IT có thể sử dụng tiếng Nhật. Tuy nhiên, dự án này đã hết hạn vào năm 2014. Sau đó, Framgia – giờ là Sun* đã cử kỹ sư người Nhật và giáo viên tiếng Nhật đến Đại học Bách khoa Hà Nội, từ năm 2016 triển khai thêm tại trường: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Bách khoa Đà Nẵng.

 

Từ mối nhân duyên với người thầy nhiệt huyết

– Lý do khiến cô trở thành giáo viên tiếng Nhật là gì?

“Tôi bắt đầu học tiếng Nhật sau khi vào đại học. Lúc đó, tôi đi học chỉ vì nghe nói rằng tiếng Nhật sẽ mang lại nhiều cơ hội làm việc hơn. Tuy nhiên, trong 1-2 năm đầu, tôi không quá hứng thú đối với môn này và cũng có nghĩ tới việc theo chuyên ngành tiếng Anh. Thế nhưng, lên năm 3, tôi có cơ hội được gặp một cô giáo trẻ và rất nhiệt huyết, từ đó tiếng Nhật đối với tôi cũng trở nên thú vị hơn. Phương pháp của cô là khuyến khích học sinh nói thay vì giảng giải quá nhiều. Tôi vốn thích nói nên đã rất vui khi được trao đổi nhiều trong giờ.”

 Sự xuất hiện của người giáo viên ấy đã đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời của cô giáo Ngân. Cô bé sinh viên năm nào, nuôi dưỡng niềm đam mê to lớn dành cho tiếng Nhật, đã tốt nghiệp Đại học chuyên ngành tiếng Nhật và vào làm trong một công ty Nhật. Công ty đầu tiên cô làm việc thuộc lĩnh vực sản xuất, sau đó là một công ty tư vấn doanh nghiệp. Trong gần 2 năm làm việc, cô Ngân phải sử dụng tiếng Nhật thường xuyên với người Nhật trong công ty. Cô chia sẻ, thời gian đó quả thực rất khó khăn do vốn tiếng Nhật còn hạn chế và chưa nắm rõ tác phong ứng xử trong công việc. Với mong muốn dạy lại những điều bản thân đã học được cho người khác, cô bắt đầu đi dạy thêm tiếng Nhật tại trung tâm vào các buổi tối. Mỗi khi dạy, cô đều cảm thấy “Thật vui khi tôi có thể nói tiếng Nhật và học viên cũng sử dụng được vốn tiếng Nhật của bản thân để giao tiếp”. Nhận thấy sức hấp dẫn của nghề này nên cô đã quyết định trở thành giáo viên tiếng Nhật.

 

 

Đi dạo đêm trên bờ biển?

– Cô cảm thấy như thế nào về nghề giáo?

“Dù mới dạy tiếng Nhật chỉ 3 năm rưỡi, nhưng mỗi ngày tôi đều rất vui. Vui nhất là khi tổ chức hoạt động trong giờ học và thấy các học viên tự mình nói được tiếng Nhật. Ngoài giờ học tôi cũng hay nói chuyện với đồng nghiệp, không chỉ về việc giảng dạy mà nói ra được cả về những chuyện khác, tôi thấy rất dễ chịu. Ngoài ra, những buổi giao lưu với học viên cũng khiến tôi thực sự hào hứng”- cô Ngân kể. Cô Ngân với hơn 3 năm trong nghề chia sẻ mỗi ngày của bản thân đều ngập tràn niềm vui. Đặc biệt hơn, cô cũng noi gương người giáo viên năm xưa tạo cơ hội cho học viên nói thật nhiều. Khi được hỏi tại sao lại thấy vui với công việc dạy học đến vậy, cô trả lời: “Có rất nhiều kiểu học viên, tôi muốn hiểu được cảm xúc của từng người một. Hơn nữa, cách nghĩ của mỗi học viên đều rất phong phú, nên trong quá trình dạy cũng hiểu được lối nghĩ của từng người. Ví dụ như khi nói về sở thích, có học viên nói rằng sở thích của mình là đi dạo, đặc biệt là dạo đêm trên bờ biển. Dạo đêm trên bờ biển ư?! Bản thân tôi chưa từng có suy nghĩ đó nên đã rất ngạc nhiên.”

 

“Marugoto Sensei Ơi”!

– Cô đã học phương pháp dạy tiếng Nhật ở đâu?

“Tôi học được một chút từ hồi đi làm thêm. Sau khi vào công ty này, đầu tiên tôi xin dự giờ buổi học của các giáo viên khác để học hỏi, sau đó tham gia vào giờ học với tư cách trợ giảng, rồi cuối cùng tự mình đứng lớp. Công ty tôi còn có hình thức dạy hỗ trợ giáo viên chính hoặc dạy theo nhóm (team teaching). Ngoài giờ lên lớp, tôi cũng hay chia sẻ với đồng nghiệp về cách dạy của mình và phản ứng của học viên. Tôi rất mừng khi thấy được những quan điểm đa chiều của các giáo viên khác. Tôi cũng đọc thêm sách về phương pháp giảng dạy và tham gia buổi chia sẻ nội bộ công ty hoặc workshop của Hội Nghiên cứu Giáo dục tiếng Nhật. Tôi cũng tham dự các khóa học trực tuyến, một trong số đó là khóa học “Marugoto Sensei Ơi!” của Japan Foundation.”

  “Marugoto Sensei Ơi!” là khóa học trực tuyến mới, dành cho giáo viên tiếng Nhật được thiết kế bởi Ban Khóa học tiếng Nhật JFKouza” thuộc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam. Khóa học đầu tiên được tổ chức từ tháng 9 đến tháng 11 năm 2020. Với giáo trình chính là bộ “Marugoto – Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật” (sau đây gọi tắt là “Marugoto”), khóa học đặc biệt này kết hợp 2 phần: “Thời gian dành cho học viên” – giúp người học tăng cường vốn tiếng Nhật của bản thân với vai trò học sinh và “Thời gian dành cho giáo viên” – cung cấp lí thuyết và kĩ năng thực tế với “Marugoto”.

 

Đi ngủ thì trăn trở nào cũng sẽ được giải quyết!

– Cảm nghĩ của cô sau khi tham gia “Marugoto Sensei Ơi!” là gì?

“Đây là một khóa học rất hữu ích, giúp tôi hiểu được đặc trưng, phương pháp dạy và đánh giá của giáo trình “Marugoto”. Điều làm tôi ấn tượng nhất chính là mục “Cùng khám phá”. Đây là phần để người học tự mình tư duy nên sẽ giúp nâng cao tinh thần tự học. Hơn nữa, bình thường học viên là người khám phá, nhưng đôi khi chính giáo viên cũng tìm ra điều gì đó mới mẻ, do biết được những hướng suy nghĩ khác biệt từ học viên. Ngoài ra, khi học tới chủ đề “Nói về những nỗi trăn trở”, mọi người lắng nghe những điều lo lắng, băn khoăn của nhau và đưa ra lời khuyên cho vấn đề đó. Chúng tôi đã chia sẻ cho nhau những trăn trở về mối quan hệ giữa người với người, về công việc, tình yêu và tiền bạc. Mọi người đã thật sự trải lòng và cũng có rất nhiều lời khuyên được đưa ra, điển hình như “Đi ngủ đi, đừng nói gì cả”, hay “Hãy ăn thật nhiều những đồ mình thích”. Giờ học thật thú vị với những lời khuyên như vậy.

 

Mong muốn nuôi dưỡng tinh thần tự học

‐ Với tư cách một giáo viên tiếng Nhật, cô có mong muốn gì trong tương lai?

“Tôi muốn xây dựng được những tiết học thú vị cho học viên. Tuy mỗi người có một quan niệm khác nhau về giờ học thú vị, nhưng đối với tôi đó là giờ học mà học viên có thể nói ra ý kiến của bản thân. Ngoài ra, không chỉ giảng dạy tiếng Nhật, tôi còn muốn giúp người học trau dồi được tính tự giác. Thời của tôi khác với bây giờ rất nhiều. Hồi đó, internet chưa phổ biến nên không có nhiều tài liệu học tập và cơ hội giao lưu. Bây giờ, muốn biết điều gì thì có thể lên mạng tra được ngay. Trên internet có rất nhiều tài liệu và cơ hội học tập. Ai không có tinh thần tự giác thì sẽ không tự mày mò được. Dù việc học trong thời đại này đã dễ dàng hơn rất nhiều những vẫn có những khó khăn mà người học gặp phải. Trong việc tự học, điều quan trọng nhất chính là mục tiêu. Không có mục tiêu, ta sẽ không biết được mình phải đi đâu và đi như thế nào. Vì thế, tôi mong muốn được hỗ trợ học viên về phương diện này”- cô Ngân chia sẻ. Cô Ngân đã học được tư duy này qua những buổi chia sẻ nội bộ công ty và workshop của Hội Nghiên cứu. Như đã chia sẻ ở phần đầu, công ty nơi cô làm việc tập trung vào mảng khai thác, đào tạo và bồi dưỡng nhân lực cho ngành Công nghệ Thông tin. Nếu chỉ học tập một cách thụ động thì sẽ không thể tạo ra những đột phá mới trong lĩnh vực tiên phong này. Khi nghe về mong muốn “Không chỉ đào tạo tiếng Nhật, mà còn nuôi dưỡng tinh thần tự học trong mỗi học viên” của cô Ngân, Ban Biên tập đã cảm nhận được khả năng tạo nên những đổi mới trong công tác đào tạo tiếng Nhật của công ty này.

 

**********************

Hình ảnh được cung cấp bởi cô Ngân.
Nội dung phỏng vấn đã được biên tập.
Buổi phỏng vấn được thực hiện chủ yếu bằng tiếng Nhật.

 

Nguồn tin tham khảo:                            
Sun* Inc:  
https://sun-asterisk.com/
https://edu.sun-asterisk.com/

Chương trình đào tạo HEDSPI (Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông – Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (School of Information and Communication Technology)

https://soict.hust.edu.vn/innovation/en/

Đơn vị phát hành:  Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam – Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản
Ngày phát hành:  Ngày 20 tháng 12 năm 2020
Chỉ đạo:    ANDO Toshiki (Giám đốc)
Chấp bút・Biên tập KATAGIRI Junji (Chuyên gia tiếng Nhật Cấp cao)
Biên tập:    MORICHIKA Mina (Trợ giảng tiếng Nhật)
  OSADA Asami (Điều phối viên)
Biên dịch bài viết:  Phạm Thị Thanh Thùy (Trợ lí chương trình)
  Lê Kim Thanh (Trợ lí chương trình)
  Nguyễn Thị Thùy Linh (Trợ lí chương trình)

 

Đăng ký email cập nhật

Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam

Văn phòng

Giờ mở cửa: 08:30 - 12:00/13:30-17:30 từ Thứ Hai đến Thứ Sáu
Đóng cửa: Các ngày thứ Bảy, Chủ Nhật và các ngày lễ

Thư Viện

Giờ mở cửa: 09:30 - 12:00/13:00-18:00 từ Thứ Ba đến Thứ Bảy
Đóng cửa: Các ngày Chủ Nhật, thứ Hai và các ngày lễ

Trung tâm Giao Lưu Văn Hóa Nhật Bản tại Việt Nam 2009 - 2025, all rights reserved.