logo
vi jp

MONG MUỐN PHÁT TRIỂN HƠN NỮA GIÁO DỤC TIẾNG NHẬT TẠI TỈNH NGHỆ AN

Cô Hoàng Thị Quỳnh Trang – Giáo viên tiếng Nhật tại trường THPT chuyên Phan Bội Châu

 

Cô Quỳnh Trang là giáo viên dạy tiếng Nhật đầu tiên tại trường THPT chuyên Phan Bội Châu tỉnh Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội, cô Trang làm việc tại một doanh nghiệp Nhật Bản và sau đó trở thành giáo viên tiếng Nhật tại trường cấp 3 mình từng theo học. Khi mới bắt đầu học tiếng Nhật, cô Trang chưa nghe hiểu được nên cảm thấy việc học tiếng Nhật rất nhàm chán, tuy nhiên nhờ sự việc tình cờ mà năng lực tiếng Nhật của cô được nâng cao và từ đó cô bắt đầu có hứng thú đối với tiếng Nhật. Lần này, Ban Biên tập xin gửi tới bạn đọc câu chuyện của cô Trang về kinh nghiệm học tiếng Nhật cũng như công việc giáo viên của cô.

 

 

Hành trình nghe hiểu tiếng Nhật!

– Lý do cô Trang lựa chọn học tiếng Nhật là gì?
Khi còn là học sinh cấp 3 tôi học chuyên Tiếng Anh đồng thời cũng rất thích việc học ngoại ngữ. Với mong muốn học thêm một ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh, tôi đã bắt đầu học tiếng Nhật. Ngoài ra, một trong số những lý do tôi lựa chọn tiếng Nhật thay vì các thứ tiếng khác là do mối quan Việt Nam Nhật Bản luôn rất tốt đẹp, nếu biết tiếng Nhật cơ hội nghề nghiệp sau này sẽ rất rộng mở.

 

– Cô cảm thấy việc học tiếng Nhật như thế nào? 
Ban đầu, mọi thứ thực sự khá khó khăn đối với tôi. Tuy nhiên, do đã lựa chọn chuyên ngành là tiếng Nhật nên tôi không thể bỏ dở giữa chừng. Nếu như tôi học một chuyên ngành khác tại đại học và chỉ học thêm tiếng Nhật ở ngoài trung tâm thì có lẽ tôi đã từ bỏ tiếng Nhật từ lâu rồi. Việc học tại trường đại học có ảnh hưởng rất lớn đến công việc trong tương lai nên tôi đã không thể dễ dàng từ bỏ.

 

– Việc học tiếng Nhật trong hình dung của cô có khác nhiều so với thực tế không? 
Trước khi bắt đầu học tiếng Nhật, tôi đã nghe mọi người nói học tiếng Nhật rất khó, nhưng vì đã có kinh nghiệm học tiếng Anh nên tôi tự tin sẽ chinh phục được tiếng Nhật. Tuy nhiên, khi mới bước chân vào đại học, bắt đầu cuộc sống một mình xa nhà, việc học tiếng Nhật thực sự đã rất khó khăn.

 

– Có điều gì khiến cô đặc biệt ấn tượng không? 
Khi là sinh viên năm hai đại học, tôi nghe rất kém vì vậy việc học tiếng Nhật đối với tôi mà nói vô cùng nhàm chán. Hồi đó, tôi rất thích xem hoạt hình NARUTO nên đã trốn tiết một tuần từ sáng đến tối chỉ để xem phim, tôi vừa nghe bằng tiếng Nhật vừa nhìn phụ đề tiếng Việt. Và thật bất ngờ, trong bài kiểm tra nghe hiểu tôi đã không gặp quá nhiều khó khăn để có thể nghe hiểu nội dung. Đây quả thực là một điều khiến tôi ngạc nhiên vì tôi hoàn toàn không chủ đích xem phim để luyện nghe hay học tiếng Nhật.

 

– Sau đó trở đi, việc học tiếng Nhật đối với cô có thay đổi nhiều không?
Từ khi nghe được tiếng Nhật, tôi bắt đầu có hứng thú nhiều hơn với việc học tiếng Nhật. Trước đây tôi rất ngại giao tiếp với giáo viên người Nhật vì không hiểu được những gì thầy cô nói. Nhưng sau đó, tôi bắt đầu thích giao tiếp và tự tin vào khả năng tiếng Nhật của mình nhờ đó cũng có động lực để cố gắng học các phần khác như đọc hiểu,…

 

– Điều đó có nghĩa là nghe được thì cũng sẽ nói được phải không? 
Tôi tìm hiểu trên Internet thì biết rằng Shadowing là một phương pháp luyện tập ngoại ngữ rất tốt nên tôi đã áp dụng vào việc học tiếng Nhật của mình. Tôi vừa xem nhiều bộ phim hoạt hình vừa nói theo các nhân vật trong phim.

 

 

Trở thành giáo viên tiếng Nhật để phát triển bản thân

– Cô đã trở thành giáo viên tiếng Nhật ngay sau khi tốt nghiệp đại học sao?
Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi làm cho một công ty Nhật Bản tại Hà Nội khoảng một năm rưỡi. Hồi đó, tôi có nghe nói ở trường cấp 3 tôi theo học chuyên Phan Bội Châu bắt đầu tổ chức giảng dạy tiếng Nhật. Thời sinh viên tôi cũng đã từng đi dạy thêm cho các bạn tu nghiệp sinh, các em học sinh tiểu học, mầm non và cảm thấy công việc giáo viên tiếng Nhật rất thú vị. Vì vậy tôi đã ứng tuyển vào trường. Từ thứ hai đến thứ sáu tôi đi làm công ty ở Hà Nội, cuối tuần tôi về quê và giảng dạy tại trường vào thứ bảy. Đi từ Hà Nội về Nghệ An mất sáu tiếng đi xe khách rất vất vả, vì vậy một năm sau đó tôi nghỉ việc hẳn ở công ty về quê làm giáo viên.

 

– Kinh nghiệm làm việc tại doanh nghiệp Nhật Bản có giúp ích cho cô nhiều với vai trò là giáo viên không?
Trong các tiết học, tôi thường kể cho các em học sinh nghe về người Nhật, tính cách cũng như những ưu điểm khi làm việc cho doanh nghiệp Nhật Bản để giúp các em có thêm động lực học tập. Làm việc cho doanh nghiệp Nhật tương đối áp lực, yêu cầu công việc cao, bản than mình lúc nào cũng phải chỉn chu cẩn thận, tuy nhiên cấp trên rất hòa đồng, tốt bụng nên đó là một trong những kinh nghiệm quý báu của tôi.

 

– Cô cảm thấy công việc giáo viên như thế nào?
Theo tôi thấy đây là một công việc vừa khó vừa thú vị. Khó ở chỗ làm thế nào để có được tiết học hay, các em học sinh có hứng thú học tập. Các em cũng giống như tôi lựa chọn tiếng Nhật vì muốn học thêm một ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh. Ban đầu, mọi người rất hào hứng, nhưng sau đó động lực giảm dần đều. Học sinh cấp 3 phải học nhiều môn học khác nhau, do đó năm nhất, năm hai các em vẫn chăm chỉ học tiếng Nhật, nhưng sang năm ba vì phải tập trung ôn thi đại học nên các em thường bỏ dở giữa chừng. Đây thực sự là một điều tôi cảm rất đáng tiếc.

 

– Cô cảm thấy điều thú vị trong công việc giáo viên là gì?
Tôi thấy việc suy nghĩ, soạn giáo án làm thế nào để có một tiết học hay là một trong những điểm thú vị của nghề giáo. Không còn gì hạnh phúc hơn khi nghe các em nói “Cô ơi, em thấy tiếng Nhật rất thú vị”hay “Cô ơi, em muốn học thêm nhiều hơn về tiếng Nhật”.
Tôi luôn cố gắng chuẩn bị thật kỹ các slide trình chiếu trong giờ giảng hay các hoạt động khác giúp các em học sinh cảm thấy thú vị, thoải mái. Ngoài ra, tôi cũng tham gia các khóa tập huấn giáo viên của Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, nhờ đó tôi có rất nhiều ý tưởng mới cho các tiết học.

 

– Ngoài việc tham gia tập huấn, cô đã học phương pháp giảng dạy tiếng Nhật khác như thế nào? 
Tôi vừa tự học và hiện tại cũng đang học lên cao học. “Nhờ” có corona nên các tiết học thường được tổ chức online do đó tôi có thể tham gia từ nhà. Tôi học hỏi được rất nhiều từ các tiết học về phương pháp giảng dạy chẳng hạn như cách soạn giáo án, cách tổ chức lớp học, ngữ pháp tiếng Nhật,.. nhờ đó tôi có thể trả lời một cách dễ dàng các câu hỏi đến từ các em học sinh. Ngoài ra, tôi cũng học tập được rất nhiều từ các thầy cô có nhiều kinh nghiệm giảng dạy đến từ các trường đại học.

 

 – Cô có thể chia sẻ về đề tài nghiên cứu cao học của cô không? 
Tôi đang nghiên cứu về phương pháp cải thiện giờ học nói của học sinh cấp 3. Sắp tới, tôi sẽ làm một cuộc khảo sát đối với các em học sinh với các vấn đề như là các em cảm thấy giờ học nói có thú vị không, có điều gì khó khăn với các em khi học nói hay cách giáo viên tổ chức lớp học như thế nào. Sau đó sẽ thu thập câu trả lời, tổng hợp và tìm ra phương hướng cải thiện.

 

 – Mục tiêu sau này của cô là gì?
Tôi muốn phát triển hơn nữa việc học tiếng Nhật tại tỉnh Nghệ An. Tôi mong muốn không chỉ các em học sinh cấp 3 mà ngay cả các em cấp 1, cấp 2 cũng sẽ có cơ hội học tiếng Nhật. Để làm được điều đó, trước tiên tôi sẽ cố gắng mỗi ngày để tạo ra những giờ học hay cho các em học sinh.
Khác với Hà Nội có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, cơ hội tiếp xúc với văn hóa Nhật nhiều, ở Nghệ An để các em học sinh quan tâm và có hứng thú với tiếng Nhật là rất khó. Nhờ có sự nỗ lực của cô Trang mà tiếng Nhật đã trở nên phổ biến hơn với các em học sinh, hy vọng trong tương lai cô sẽ tiếp tục góp phần phát triển hơn nữa nền giáo dục tiếng Nhật tại tỉnh Nghệ An.

 

*********************************************************************************

Nội dung bài viết đã được biên tập lại. Toàn bộ bài phỏng vấn đều được thực hiện bằng tiếng Nhật
Hình ảnh trong bài viết được cung cấp bởi cô Hoàng Thị Quỳnh Trang

Đơn vị phát hành:  Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam – Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản
Ngày phát hành:  Thứ Năm, ngày 20 tháng 10 năm 2022
Chấp bút・Biên tập: Kubo Aki (Giáo viên tiếng Nhật)
Biên tập: FUJINAGA Kaoru (Chuyên gia tiếng Nhật cấp cao)
  YAMAMURA Yoko (Trợ lí Giám đốc Trung tâm)
  TSUCHIYA Risa (Nhân viên phụ trách mảng Tiếng Nhật)
Biên dịch bài viết Phạm Thị Thanh Thùy (Trợ lí chương trình)
  Nguyễn Thị Bình (Trợ lí chương trình)
   

 

 

 

 

Đăng ký email cập nhật

Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam

Văn phòng

Giờ mở cửa: 08:30 - 12:00/13:30-17:30 từ Thứ Hai đến Thứ Sáu
Đóng cửa: Các ngày thứ Bảy, Chủ Nhật và các ngày lễ

Thư Viện

Giờ mở cửa: 09:30 - 12:00/13:00-18:00 từ Thứ Ba đến Thứ Bảy
Đóng cửa: Các ngày Chủ Nhật, thứ Hai và các ngày lễ

Trung tâm Giao Lưu Văn Hóa Nhật Bản tại Việt Nam 2009 - 2024, all rights reserved.