Thầy Nguyễn Ngọc Minh – Giáo viên tại Trường Đại học Kinh tế – Tài chính thành phố Hồ Chí Minh (UEF)
Thầy Nguyễn Ngọc Minh đã có 14 năm kinh nghiệm giảng dạy tiếng Nhật tại nhiều cơ sở khác nhau như trường Nhật ngữ tư nhân, công ty phái cử lao động hay các trường đại học. Sau đây là những chia sẻ của thầy về những trải nghiệm tại những nơi mà thầy đã công tác.
Doraemon – tác phẩm chứa đựng những bài học dành cho cả người lớn
– Thầy bắt đầu học tiếng Nhật từ khi nào?
“Tôi học tiếng Nhật như một ngoại ngữ thứ 2 khi còn là sinh viên, lý do tôi chọn tiếng Nhật là bởi Doraemon – bộ truyện tranh cũng như phim hoạt hình nổi tiếng nhất Việt Nam lúc bấy giờ. Sau khi xem Doraemon, tôi đã đem lòng yêu mến đất nước Nhật Bản. Vì vậy, sau khi vào đại học, nhớ đến những kỷ niệm thời thơ ấu, tôi đã quyết định lựa chọn học tiếng Nhật. Điều mang lại sức hút cho Doraemon không chỉ là hình tượng chú mèo máy vui nhộn, mà còn nằm ở yếu tố con người. Thông qua tác phẩm này, ta có thể hiểu thêm về tâm lý con người, ví dụ như biết được rằng con người ta sẽ làm gì khi thất bại. Các gia đình thường quây quần bên nhau khi xem TV, vì thế Doraemon không chỉ có sức hút đối với trẻ nhỏ mà còn cả với người lớn trong nhà, hơn nữa, các bậc phụ huynh còn có thể mua thêm cả bản truyện tranh. Thực chất, tôi thấy rằng không chỉ trẻ em mà người lớn cũng có thể đem lòng yêu thích cũng như học được rất nhiều điều từ Doraemon.”
Đó không chỉ là một khóa học, đó là một khóa huấn luyện!
– Vì nguyên do nào mà thầy quyết định theo đuổi nghề giáo?
“Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đã làm việc trong khoảng 2 năm tại một công ty du lịch. Công việc của tôi là dẫn tour cho khách du lịch nước ngoài bằng tiếng Anh, trong đó có cả người Nhật. Vì khách du lịch người Nhật không hiểu tiếng Anh nên tôi đã trao đổi với họ bằng những câu tiếng Nhật đơn giản. Từ đó tôi có thêm hứng thú và mong muốn được trau dồi thêm về ngôn ngữ này. Đúng lúc ấy, tôi chợt bắt gặp quảng cáo của một trường Nhật ngữ. Trên đó ghi rằng, ứng viên có thể vừa làm việc, vừa tham gia khóa đào tạo giáo viên tiếng Nhật trong vòng 1 năm với mức lương 800 ngàn đồng mỗi tháng. Do đó tôi đã ngay lập tức ứng tuyển, cùng với tôi còn có rất nhiều sinh viên đại học. Có đến 48 người trúng tuyển, nhưng sau 1 tháng thì chỉ còn lại 24 người. Quá trình thực sự rất khó khăn, có thể nói đó không phải một khóa học mà là một khóa huấn luyện. Mỗi ngày chúng tôi đều phải học thuộc chữ Hán, sau đó dùng những từ vựng có chứa những chữ Hán đó để đặt câu. Hơn nữa, mỗi tháng đều có một bài thi lớn bao gồm các phần chữ Hán, ngữ pháp, nghe hiểu, làm văn và hội thoại, sau khi đỗ bài thi đó học viên sẽ học lên cấp độ kế tiếp. Với mục tiêu đọc hiểu báo tiếng Nhật sau 1 năm, việc trượt bài thi này đồng nghĩa với việc nói lời “vĩnh biệt”. Tuy nhiên, với niềm đam mê tiếng Nhật, tôi đã nỗ lực hết sức mình. Sau 1 năm, số người còn trụ lại chỉ còn 3 người.”
– Vậy là sau đó thầy đã chính thức trở thành giáo viên tiếng Nhật nhỉ.
“Sau 1 năm học tập, tôi đã ký hợp đồng giảng dạy 3 năm và chính thức trở thành giáo viên của trường. Tuy nhiên, bởi ban đầu tôi không có đủ kiến thức về kỹ năng giảng dạy, nên trong khoảng 3 tháng tôi đã tham gia vào rất nhiều tiết học của các giáo viên khác nhằm quan sát cách dạy của giáo viên cũng như trạng thái của học viên. Sau đó, tôi tham gia bài thi nghiệp vụ sư phạm. Đề thi là dạy thử dưới sự quan sát của Hiệu trưởng và các giáo viên có kinh nghiệp khác. Tôi đã mất 2 tuần để chuẩn bị cho bài thi, khoảng thời gian đó tôi thường xuyên mất ngủ, ngay cả khi ngủ tôi cũng mơ thấy mình đang dạy. May mắn là tôi đã đỗ ngay từ lần thi đầu tiên. Khi ấy, Hiệu trưởng đã nói với tôi rằng: “Tuy tôi cũng như các đồng chí giáo viên khác đều rất khó tính, nhưng phải công nhận là cậu đã làm chúng tôi phải bật cười. Thực sự là một tiết học rất thú vị.” Và sau đó, cuối cùng tôi cũng đã chính thức trở thành giáo viên.”
Quá trình dẫn dắt từng học viên
– Thầy cảm thấy như thế nào sau khi trở thành giáo viên?
“Học viên của tôi đều là những người đang có kế hoạch đi du học hoặc đi Nhật theo diện thực tập sinh, quá trình dạy học đem lại cho tôi rất nhiều niềm vui, nhưng đi cùng với đó cũng là nhiều điều khó khăn. Việc có thể đem đến những giờ học chất lượng làm tôi rất vui, tuy nhiên tôi cũng có nhiều điều trăn trở, ví dụ như việc năng lực tiếng Nhật của học viên không được cải thiện, việc nhiều học viên thường xuyên đến muộn hay cúp học, hay việc học viên không có tinh thần học cho dù vẫn tham gia tiết học. Khi ấy, tôi đã thảo luận với những tiền bối có kinh nghiệm, cũng như trao đổi thêm nhiều điều với học viên. Ví dụ, có lần tôi đã hỏi, tại sao các bạn lại không đến trường học. Có một học viên đã trả lời rằng, đó là do chữ Hán quá nhiều và khó. Một học viên khác thì nói đó là do ngữ pháp quá khó hiểu. Và tôi đã nghĩ, a, thì ra là vây. Sau đó, tôi đưa ra lời khuyên cho từng học viên, bảo các bạn ấy rằng “Đừng lo, các bạn hãy dành 30 phút mỗi ngày để đến sớm hơn và trao đổi thêm với tôi”, và cố gắng hỗ trợ từng học viên.”
Đảm nhiệm vị trí hiệu trưởng tại công ty phái cử lao động
– Vậy là thầy vẫn luôn dạy ở trường Nhật ngữ đó sao?
“Không phải vậy. Sau 3 năm làm việc tại trường Nhật ngữ, tôi chuyển đến giảng dạy tại một công ty chuyên phái cử thực tập sinh. Tại đó có khoảng 600 học viên, đội ngũ giảng dạy bao gồm 10 giáo viên người Việt và 6 giáo viên người Nhật. Tôi đã học được phương pháp giảng dạy vô cùng đặc biệt từ một giáo viên người Nhật. Khi ấy, giáo viên sẽ không bắt ép người học phải ghi nhớ kiến thức, mà sẽ bất chợt hỏi những câu như “các em nghĩ ở đây cần dùng trợ từ nào?” và để người học tự suy nghĩ. Ban đầu tôi cũng rất ngạc nhiên và không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Nhưng sau nhiều lần tham gia quan sát giờ học của người giáo viên ấy, dần dần tôi đã học được cách dạy đó. Sau 2 năm giảng dạy tại công ty, theo lời đề nghị của giám đốc, tôi đảm nhiệm vị trí giáo viên hiệu trưởng. Tuy vậy nhưng tôi vẫn tiếp tục làm công việc giảng dạy tiếng Nhật như trước. Ngoài ra, trong khoảng thời gian làm việc tại công ty, tôi đã có cơ hội tham gia các hội thảo của Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản cũng như các hội thảo giảng dạy tiếng Nhật tại nước ngoài. Điều đó mang lại cho tôi rất nhiều niềm vui. Từ tháng 1 năm 2014, tôi đến Nhật Bản trong vòng 3 tháng để trải nghiệm văn hóa cũng như trau dồi thêm về kỹ năng giảng dạy. Điều khiến tôi đặc biệt ấn tượng chính là phương pháp dạy phát âm. Những điều học được trong chuyến đi đó đã ảnh hưởng đến cách dạy của tôi sau này, và tôi cũng muốn được chia sẻ những trải nghiệm của mình với những người yêu thích Nhật Bản cũng như văn hóa Nhật.”
Cần có thái độ ôn hòa với sinh viên như đối với khách hàng
– Theo như Ban Biên tập được biết thì sau đó thầy đã chuyển công tác với vị trí giáo viên tại trường đại học. Vậy đâu là nguyên nhân khiến thầy quyết định từ bỏ vị trí hiệu trưởng để trở thành giáo viên đại học?
“Lý do tôi chọn chuyển sang làm giáo viên đại học là bởi bản thân tôi muốn thử sức tại một môi trường mới. Do đã có 10 năm giảng dạy cho thực tập sinh nên tôi muốn thay đổi đối tượng dạy học. Trong số những thực tập sinh có không ít người vẫn chưa tốt nghiệp trung học phổ thông. Vì sinh viên đại học đều đã tốt nghiệp cấp ba nên tôi nghĩ vốn kiến thức cũng như tư duy của họ sẽ khác. Tuy nhiên, thực chất việc dạy học ban đầu khá vất vả. Với những thực tập sinh, việc học tiếng Nhật là điều bắt buộc nếu họ muốn sang Nhật Bản. Điều đó như một nghĩa vụ mà ai cũng phải tuân theo vậy. Do đó họ rất coi trọng giáo viên và luôn nghe theo hướng dẫn của giáo viên. Nhưng sinh viên đại học lại không như vậy. Tôi cảm thấy các em ấy giống như khách hàng của mình vậy (cười). Vì sinh viên chính là khách hàng nên khi dạy giáo viên cần có thái độ ôn hòa, bởi nếu không sẽ không có ai đến lớp cả. Hơn nữa, do thời lượng giờ học khá ít nên động lực học của các em sinh viên cũng chưa cao. Do đó, tôi nhận thấy mình cần phải thay đổi phương thức giảng dạy. Tôi đã soạn lại giáo án mới, khi dạy chỉ tập trung vào những vùng kiến thức quan trọng bởi sẽ không có đủ thời gian để dạy toàn bộ kiến thức có trong giáo trình. Tuy thời gian đầu vẫn còn vướng mắc nhưng sau 1 tháng tôi đã quen được với cách dạy mới. Tôi sử dụng những tranh ảnh minh họa và cố gắng tạo nên một giờ học thú vị. Và cuối cùng thì giờ học của tôi đã được các em sinh viên vui vẻ đón nhận. Để đạt được thành quả ấy thực sự rất vất vả.”
Hoạt động theo nhóm trong giờ học tiếng Nhật – phương pháp học tập từ những thất bại
– Vì sao sau đó thầy lại chuyển công tác về Trường Đại học Kinh tế – Tài chính thành phố Hồ Chí Minh (UEF)?
“Tôi dạy học tại trường đại học đầu tiên với tư cách giáo viên thỉnh giảng, còn ở UEF thì là giáo viên chính thức tại Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa quốc tế. Nhờ vào sự giới thiệu của một người bạn, tôi đã tham gia thi tuyển và may mắn trúng tuyển. Hiện tại, tôi phụ trách các giờ học ngữ pháp – từ vựng, nghe hiểu, và hội thoại. Các em sinh viên ở UEF rất tâm huyết với việc học. Mỗi khi tôi giao bài, các em đều chia nhóm để làm. Ví dụ, khi tôi đưa ra một đề bài về ngữ pháp, sinh viên sẽ suy nghĩ về các ý tưởng để học ngữ pháp, sau đó vẽ thành tranh và lên phát biểu. Những giờ học đầu diễn ra chưa được suôn sẻ do các em sinh viên có thái độ không muốn làm. Khi ấy, tôi đã trò chuyện với các em về tương lai sau này, rằng: “Hiện tại, các em đang học tiếng Nhật, và sau khi tốt nghiệp, các em sẽ làm việc tại các công ty. Khi làm việc, các em sẽ phải phát biểu ý kiến cũng như ý tưởng của bản thân mình. Thêm vào đó, tại công ty các em sẽ phải làm việc theo nhóm. Vì vậy, ý kiến của bạn bè em cũng rất quan trọng, các em cần phải quan sát cách làm của các bạn. Hơn nữa, ai cũng sẽ có lúc thất bại, khi đó, các em hãy hỏi ý kiến từ bạn bè mình. Như vậy các em sẽ rút ra được bài học từ thất bại của bản thân.”
– Thầy đã học được phương pháp giảng dạy đó từ đâu vậy?
“Như tôi đã đề cập trước đó, đây là phương pháp dạy tôi học được từ một giáo viên người Nhật tại công ty phái cử lao động mà tôi từng làm việc. Phương pháp đó rất hữu hiệu đối với việc dạy học tại trường đại học. Có thể nói, việc gặp gỡ người giáo viên ấy cũng đã thay đổi chính bản thân tôi. Và ngôi trường với phương pháp dạy tựa như huấn luyện kia hiện giờ cũng không còn áp dụng cách dạy của ngày xưa nữa.”
Trường Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF) nơi thầy Minh đang công tác được thành lập vào năm 2007. Cùng với các khoa như Khoa Quản trị kinh doanh, Khoa Luật, trường còn có Khoa Ngoại ngữ và Văn hóa quốc tế, tại đây, ngoài tiếng Anh, sinh viên còn có thể theo học tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc, tiếng Trung Quốc. Số lượng sinh viên theo học tiếng Nhật tại trường là khoảng 200 người, ngoài sinh viên chuyên ngành Ngôn ngữ Nhật còn có các sinh viên học tiếng Nhật như ngôn ngữ tự chọn từ các khoa như Khoa Quản trị kinh doanh,…
Hướng đến những giờ học lý thú và bổ ích
– Thầy có đang ấp ủ dự định nào trong tương lai không?
“Bản thân tôi rất để ý tới việc làm thế nào để có thể truyền tải niềm vui học tập tới người học. Tôi muốn làm cho người học cảm thấy khoảng thời gian học tiếng Nhật là khoảng thời gian thực sự vui vẻ. Để làm được điều đó thì bản thân người giáo viên cũng cần phải tìm thấy niềm vui trong việc học. Tôi cảm thấy, nếu giáo viên yêu thích việc học, thì người học cũng có thể trở nên yêu thích việc học. Vì vậy, tôi luôn muốn bản thân mình giữ được sự hài hước, từ đó có thể nghĩ ra những điều thú vị để dạy trong tiết học. Trước mặt học sinh, tôi cảm thấy mình có thể trở thành một người khác, thậm chí là một diễn viên. Trong tương lai, tôi muốn thành lập một ngôi trường nơi tôi có thể dạy tiếng Nhật cũng như cách suy nghĩ của người Nhật cho những ai yêu thích tiếng Nhật hay có hứng thú với đất nước Nhật Bản.”
Những chia sẻ của thầy Minh khiến Ban Biên tập nhớ đến những điều chứa đựng trong bộ truyện tranh Doraemon mà thầy đã nhắc đến ở đầu bài viết. Bản thân thầy đã học được về cách nghĩ của người Nhật từ những điều thú vị trong Doraemon, và có lẽ thầy cũng đang áp dụng phương pháp học tập đó trong việc giảng dạy tiếng Nhật.
**********************
Nội dung bài viết đã được biên tập lại. Toàn bộ bài phỏng vấn đều được thực hiện bằng tiếng Nhật. Hình ảnh sử dụng trong bài viết được cung cấp bởi thầy Nguyễn Ngọc Minh.
Nguồn tin tham khảo:
Trường Đại học Kinh tế – Tài chính thành phố Hồ Chí Minh (UEF): https://www.uef.edu.vn/
Đơn vị phát hành: | Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam – Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản |
Ngày phát hành: | Thứ tư, ngày 20 tháng 10 năm 2021 |
Chỉ đạo: | ANDO Toshiki (Giám đốc) |
Chấp bút・Biên tập: | KATAGIRI Junji (Chuyên gia tiếng Nhật Cấp cao) |
Biên tập: | YAMADA Kiyomi (Điều phối viên) |
Kubo Aki (Giáo viên tiếng Nhật) | |
Biên dịch bài viết: | Phạm Thị Thanh Thùy (Trợ lí chương trình) |
Nguyễn Thị Thùy Linh (Trợ lí chương trình) | |
Trung tâm Giao Lưu Văn Hóa Nhật Bản tại Việt Nam 2009 - 2024, all rights reserved.