logo
vi jp

NUÔI DƯỠNG TÍNH TỰ LẬP | NIỀM SAY MÊ VỚI NỀN GIÁO DỤC NHẬT BẢN

Cô Phạm Thị Hiếu – Giáo viênTrường Quốc Tế Nhật Bản

 

Cô Hiếu cùng con gái và chồng đến Nhật sinh sống để chồng cô hoàn thành việc học, sau đó cô làm việc tại một công ty du lịch và rồi cô Hiếu đã có cuộc sống trên đất Nhật trong khoảng thời gian 9 năm. Sau khi về nước, cô hiện đang công tác tại Trường Quốc Tế Nhật Bản tại Hà Nội. Sau đây là những chia sẻ về trải nghiệm tại Nhật cũng như những cảm nhận về nền giáo dục Nhật Bản của cô.

 

Ảnh chụp cô Hiếu tại Trường Quốc Tế
Nhật Bản

 

Tới Nhật Bản với vốn tiếng Nhật là con số 0

– Cô bắt đầu học tiếng Nhật từ khi nào và ở đâu?
“Khi ấy, chồng tôi đang theo học tại một trường sau đại học tại Tokyo, vì thế tôi cùng con gái 1 tuổi đã cùng anh ấy đến Nhật. Dù đã sinh sống tại Nhật gần 9 năm nhưng ban đầu tôi không hề biết một chữ tiếng Nhật. Vì không hiểu được tiếng nên tôi không thể làm được gì, khoảng thời gian đó thực sự rất khó khăn với tôi. Tôi không kết giao được bạn bè, chồng tôi thì bận đến mức đến tối khuya vẫn chưa được về nhà. Tôi cũng không xem được tin tức trên TV hay báo đài vì không hiểu được họ nói gì. Tôi phải một mình đảm đương việc nhà và chăm sóc con gái. Dù rất muốn đưa con đến nhà trẻ, nhưng vì cả tôi và chồng đều không có việc làm nên việc đó cũng không thể thực hiện được. Vì không biết tiếng Nhật nên tôi không tìm được việc làm, hơn nữa, bởi không thể đưa con đi nhà trẻ nên tôi cũng không có thời gian đi học tiếng. Có một lần, con tôi bị ốm, nhưng tôi lại không thể trao đổi được với bác sĩ, khi ấy tôi thực sự rất đau khổ. Nếu không biết tiếng Nhật, sẽ rất khó để có thể nuôi dạy con cái tại Nhật. Đúng lúc ấy, tôi biết đến một trung tâm tình nguyện tại khu vực mình đang sinh sống. Ở trung tâm đó có lớp học tiếng Nhật, việc trông nom con gái cũng đã nhờ được người giúp nên tôi đã bắt đầu học tiếng Nhật tại đó. Các cô, các chú tình nguyện viên tại trung tâm đã rất tận tình dạy tôi tiếng Nhật cũng như những kiến thức về đời sống tại Nhật Bản. Tôi thực sự biết ơn họ rất nhiều.”

– Trong hoàn cảnh khó khăn vậy nhưng cô cũng đã bắt đầu học tiếng Nhật nhỉ.
“Đúng vậy, nhưng may mắn là sau đó mẹ tôi đã bay từ Việt Nam qua giúp tôi chăm sóc con gái. Tiếp đó, tôi tìm được việc làm phụ bếp tại một cửa hàng bán đồ ăn nhanh. Khi ấy vì đã nói được những câu tiếng Nhật cơ bản nên tôi đã có thể giao tiếp với đồng nghiệp, trò chuyện với họ rất thú vị. Sau 2 năm kể từ ngày đặt chân đến Nhật Bản, cuối cùng tôi đã có thể cho con đi nhà trẻ. Nhờ đó mà tôi đã có thêm thời gian rảnh, vì thế tôi bắt đầu theo học tại một trường Nhật ngữ. Đa số học sinh tại ngôi trường đó đều là các bạn trẻ có dự định học tiếp lên đại học, thế nên chỉ có mình tôi là người cao tuổi (cười).”
Nghe cô kể, Ban biên tập có cảm giác cô Hiếu đã vượt qua được những gian nan mà bản thân gặp phải sau khi đến Nhật, từ đó từng bước tiến thêm về phía trước.

 

Điểm đến du lịch tại Nhật Bản dưới cái nhìn của một Tour Operator*(Tour Operator: Công ty kinh doanh lữ hành)

– Cô theo học tại trường tiếng trong khoảng thời gian bao lâu?
“Tôi theo học tại đó trong khoảng 1 năm. Mỗi ngày chúng tôi đều có bài kiểm tra, trình độ tiếng Nhật của tôi sau đó tương đương với cấp độ N2 của kỳ thi Năng lực tiếng Nhật. Sau đó tôi làm việc tại một công ty du lịch tại Shinagawa. Công ty đó chuyên cung cấp tour du
lịch tới nhiều quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia và các nước khác tại Đông Nam Á, ngoài tôi ra còn có nhân viên người Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia. Tại công ty có 2 mảng là inbound (phục vụ đối tượng khách người Việt đến Nhật Bản du lịch) và
outbound (phục vụ đối tượng khách người Nhật đến Việt Nam du lịch). Tôi công tác tại vị trí tour operator, công việc của tôi là cung cấp các gói land tour (du lịch trọn gói) cho các công ty lữ hành đối tác như Yomiuri, Sankei hay Saigontourist.”

– Cô có thể giải thích thêm về vị trí công việc Tour operator chuyên cung cấp các gói Land tour được không?
“Land tour là thuật ngữ chỉ việc cung cấp dịch vụ du lịch trong một địa phương cụ thể. Phía công ty lữ hành sẽ quyết định lộ trình, đặt trước khách sạn, lên lịch trình tham quan cũng như phương tiện di chuyển như xe buýt, vv… để khách hàng có thể tận hưởng chuyến du lịch của
mình. Người đảm nhiệm vị trí tour operator sẽ tiếp nhận những yêu cầu về điểm đến, số ngày đi, mức chi tiêu… từ khách hàng, sau đó đưa ra những phương án chọn lựa phù hợp với nhu cầu của khách hàng đồng thời lên kế hoạch cho chuyến du lịch. Tour operator cũng là người sẽ tiếp nhận và hỗ trợ giải quyết những vấn đề gặp phải trong chuyến đi như tai nạn, bệnh tật, lỡ chuyến bay hay làm mất hộ chiếu… thông qua điện thoại tại văn phòng. Tiếp đó là công việc “tour inspector” (người khảo sát thực địa) chỉ công việc trực tiếp trải nghiệm du lịch và tìm hiểu về các yếu tố như khách sạn, nhà hàng, các địa điểm tham quan nhằm mục đích xây dựng kế hoạch phù hợp cho các tour du lịch. Nếu không tự mình trải nghiệm thì sẽ không có đủ kiến thức để có thể đưa ra đề xuất phù hợp với yêu cầu khách hàng, bởi những yếu tố như kích cỡ phòng khách sạn hay đồ ăn đều là những thứ nếu không tận mắt nhìn, tự nếm thử thì sẽ không thể đưa ra nhận định chính xác. Bởi vậy, tôi đã có cơ hội đi đến rất nhiều nơi. Nhật Bản không chỉ được ưu ái với cảnh sắc thiên nhiên đẹp đẽ, mà người Nhật còn thành công trong việc đưa du lịch lên một tầm cao mới với những ý tưởng độc đáo hay tinh thần Omotenashi (tạm dịch: tinh thần phục vụ bằng cả tấm lòng) chuyên nghiệp. Nhờ đó mà Nhật Bản đã tạo nên những điểm đến nổi tiếng mà bất kì ai cũng muốn ghé thăm. Ấn tượng nhất đối với tôi là Công viên hoa Ashikaga tại tỉnh Tochigi và Công viên Hitachi tại tỉnh Ibaraki. Hoa là thứ hoàn toàn có thể trồng được ở Việt Nam, tuy nhiên vẻ đẹp của những công viên ấy thực sự mang đậm dấu ấn Nhật Bản.” 

 

Ảnh chụp cô Hiếu tại công viên Ashikaga

 

Nền giáo dục nuôi dưỡng tính tự lập của Nhật Bản

– Có phải con gái cô đã từng theo học tại trường học của Nhật đúng không?
“Đúng vậy, con gái tôi đã học đến năm 3 Tiểu học tại Nhật. Tuy có thể nói tiếng Nhật trôi chảy nhưng bé không nói được nhiều tiếng Việt. Bé rất giống người Nhật, rất thích các món ăn của Nhật. Bản thân tôi cũng thường xuyên tham gia vào các hoạt động của hội phụ huynh hay các sự kiện tại trường học, có thể kể đến như lễ hội giã bánh dày Mochitsuki, đại hội thể thao, hoạt động giáo dục an toàn khi đi đến trường… Thông qua việc tham gia hoạt động tại trường cũng như việc theo dõi tình hình của con gái, tôi đã biết thêm nhiều khía cạnh tư duy về nền giáo dục của Nhật Bản. Con gái tôi có một thói quen được hình thành từ khi học tại nhà trẻ, đó là tự mình làm mọi việc của bản thân. Đó là hành động thể hiện tinh thần trách nhiệm của cá nhân. Ví dụ như từ khi con gái tôi 6 tuổi và bắt đầu vào Tiểu học, bé đã có thể tự mình ăn sáng, thay đồ và đi đến trường mà không cần tôi phải nhắc nhở. Bé còn biết tự mình đặt đồng hồ báo thức. Dù chỉ là những việc đơn giản nhưng nếu được nuôi dạy ở Việt Nam, tôi không chắc bécó thể hình thành được thói quen đó. Để khi trưởng thành, tính tự lập đó cũng sẽ rèn được cho ta thói quen suy nghĩ trước khi làm. Nhìn chung, tôi nhận thấy rằng nền giáo dục Nhật Bản đã nuôi dưỡng cho con gái tôi tính tự lập. Vì vậy, sau khi trở về Việt Nam, tôi muốn truyền tải tới mọi người về phương pháp giáo dục này của Nhật Bản.”

 

Cầu nối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản

– Cô đã làm gì sau khi trở về Việt Nam?
“Ban đầu, với mong muốn hỗ trợ những người có nhu cầu du học tại Nhật Bản, tôi cùng một người bạn đã thành lập ra một trung tâm tiếng Nhật tại Hà Nội. Tuy chỉ là một trung tâm quy mô nhỏ nhưng nhờ sự giới thiệu của người quen, chúng tôi đã có thể hợp tác với các trường học tại Tokyo, Yokohama và Yamaguchi. Hiện tại tôi đang để người khác tiếp quản trung tâm. Thật ra, những người có ý định du học đa số đều ở độ tuổi trưởng thành, tuy nhiên những điều tôi quan sát được tại Nhật lại là việc con người sẽ phát triển ra sao nếu được giáo dục từ nhỏ. Đúng lúc đó, một người quen đã giới thiệu cho tôi về Trường Quốc Tế Nhật Bản – một ngôi trường với hệ thống giáo dục liên cấp từ bậc Mầm non, điều đó khiến tôi mong muốn được làm việc tại ngôi trường ấy. Con gái của tôi cũng đang theo học tại trường.” Theo những thông tin được đăng tải trên trang web chính thức, Trường Quốc Tế Nhật Bản được thành lập vào năm 2016 tại Hà Nội theo mô hình trường học liên cấp từ bậc Mầm non đến hết Trung học phổ thông, với mục đích phổ cập hệ thống giáo dục Nhật Bản tại Việt Nam. Đây đúng là một ngôi trường vô cùng phù hợp với quan điểm của cô Hiếu.

– Công việc của cô tại Trường Quốc Tế Nhật Bản là gì?

“Tôi đảm nhiệm vị trí phó chủ nhiệm khối năm 2 Tiểu học. Chủ nhiệm các lớp là giáo viên người Nhật, họ không chỉ dạy trong các giờ Tiếng Nhật mà còn dạy các môn ngoài môn Tiếng Việt và Tiếng Anh như Toán hay Khoa Học, học sinh trong các tiết học đó cũng sẽ học bằng tiếng Nhật. Vì các em học sinh Tiểu học vẫn chưa thể thành thạo tiếng Nhật nên giáo viên phó chủ nhiệm sẽ phiên dịch, giải thích bằng tiếng Việt trong các tiết học, bổ túc tiếng Nhật cho các em trong tiết học phụ đạo. Ngoài ra, giáo viên phó chủ nhiệm còn là cầu nối liên lạc giữa giáo viên người Nhật và phụ huynh học sinh, là người giải thích cho phụ huynh học sinh về cách nghĩ của người Nhật và cách giáo dục của Nhật Bản. Giống như các trường học tại Nhật, Trường Quốc Tế Nhật Bản giáo dục học sinh theo hướng nuôi dưỡng tính tự lập cho
trẻ. Các bậc phụ huynh có con em theo học tại ngôi trường này đều có lòng yêu thích đối với đất nước Nhật Bản, tuy nhiên cũng có người trong số họ chưa hiểu rõ về phương thức giáo dục của người Nhật. Chiếc cặp sách các em dùng đi học hàng ngày có thể coi là một ví dụ. Có nhiều phụ huynh tại Việt Nam sẵn sàng cầm cặp cho con em của mình vì nghĩ cặp sách rất nặng. Tuy nhiên, chính tâm lý muốn bảo vệ và chăm sóc con trẻ đó có thể dẫn đến tình trạng trẻ em được nuông chiều quá mức. Phụ huynh cần để trẻ tự làm những việc của mình.
Tiếp đó có thể kể đến bài tập về nhà. Trong khoảng thời gian 1, 2 năm đầu Tiểu học, việc ôn tập kiến thức đã học là điều rất quan trọng, tuy nhiên nhà trường không giao nhiều bài tập cho các em. Cũng có nhiều vị phụ huynh muốn chúng tôi tăng thêm số lượng bài tập về nhà. Đối với các giáo viên người Nhật, điều quan trọng nhất là học sinh có thể vui vẻ tận hưởng mỗi ngày đến trường. Việc tìm thấy niềm vui tại trường học sẽ kích thích tâm lý muốn đi học của trẻ, đó chính là phương châm giáo dục “để trẻ tự nhận thức và thực hiện nhiệm vụ học tập của bản thân”. Nếu giao quá nhiều bài tập về nhà, các em sẽ nghĩ rằng bản thân bị bắt ép làm bài, từ đó cảm thấy ghét việc học. Chúng tôi đã giải thích với các bậc phụ huynh như vậy.”

 

Nuôi dưỡng thế hệ mai sau

– Cô có điều gì muốn thực hiện trong tương lai không?
“Tôi muốn thành lập một trung tâm tiếng Nhật dành cho học sinh Tiểu học, nơi các em không chỉ học tiếng Nhật mà còn được biết thêm nhiều điều về Nhật Bản. Ví dụ như hoạt động đọc sách tranh. Chúng tôi thường sử dụng sách tranh để giảng dạy trong giờ học môn Đạo đức tại Trường Quốc Tế Nhật Bản, trong đó được yêu thích nhất chính là cuốn sách “Bà Phí Quá”. Các em học sinh rất hay nói câu “Phí quá, phí quá” được lặp lại nhiều lần trong cuốn sách. Suy nghĩ tiết kiệm cũng có tại Việt Nam, nhưng việc hình ảnh hóa nó thành một cuốn sách thú vị sẽ dễ để lại ấn tượng cho trẻ hơn. Một điều nữa mà tôi muốn thực hiện là cả gia đình có thể quay lại nơi mình từng sinh sống tại Nhật và gặp lại những người quen ở đó. Khi chồng tôi còn học đại học tại Nhật, dưới sự giới thiệu của trường, dịp Tết hàng năm chúng tôi đều đón năm mới cùng gia đình bác chủ nhà, cho đến giờ tôi vẫn còn nhớ rõ về khoảng thời gian ấy. Gia đình đó sống gần Kamakura, nên chúng tôi đã cùng nhau đi lễ ở đền và đi chùa đầu năm. Bác gái chủ nhà là người vô cũng tốt bụng.” Tuy gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình sinh sống tại Nhật Bản nhưng bằng việc học tiếng Nhật, cô Hiếu đã tạo ra được những kỷ niệm đẹp, nhận thấy được những điểm tốt của hệ thống giáo dục Nhật Bản thông qua quá trình trưởng thành của con gái, và mỗi ngày đều cống hiến hết mình để có thể khiến người dân Việt Nam hiểu thêm về nền giáo dục Nhật Bản. Con gái của cô hiện đang là học sinh cấp hai nhưng vẫn đang gặp khó khăn với tiếng Việt, cô bé thường nói rằng muốn quay lại “quê hương” Nhật Bản. Cô Hiếu cũng nói rằng bản thân muốn cho con gái sang Nhật Bản du học trong tương lai. Một ngày nào dó, con gái cô hẳn cũng sẽ trở thành thế hệ cầu nối tiếp theo cho quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản.

 

**********************
Nội dung bài viết đã được biên tập lại. Toàn bộ bài phỏng vấn đều được thực hiện bằng tiếng Nhật. Hình ảnh sử dụng trong bài viết được cung cấp bởi cô Phạm Thị Hiếu.
Nguồn tin tham khảo:
Trường Quốc Tế Nhật Bản: https://jis.edu.vn/

Đơn vị phát hành:  Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam – Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản
Ngày phát hành:  Thứ sáu, ngày 20 tháng 8 năm 2021
Chỉ đạo:    ANDO Toshiki (Giám đốc)
Chấp bút・Biên tập KATAGIRI Junji (Chuyên gia tiếng Nhật Cấp cao)
Biên tập:    YAMADA Kiyomi (Điều phối viên)
  Kubo Aki (Giáo viên tiếng Nhật)
Biên dịch bài viết:  Phạm Thị Thanh Thùy (Trợ lí chương trình)
  Nguyễn Thị Thùy Linh (Trợ lí chương trình)
   

 

Đăng ký email cập nhật

Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam

Văn phòng

Giờ mở cửa: 08:30 - 12:00/13:30-17:30 từ Thứ Hai đến Thứ Sáu
Đóng cửa: Các ngày thứ Bảy, Chủ Nhật và các ngày lễ

Thư Viện

Giờ mở cửa: 09:30 - 12:00/13:00-18:00 từ Thứ Ba đến Thứ Bảy
Đóng cửa: Các ngày Chủ Nhật, thứ Hai và các ngày lễ

Trung tâm Giao Lưu Văn Hóa Nhật Bản tại Việt Nam 2009 - 2024, all rights reserved.