logo
vi jp

CHUYỂN MÌNH TỪ MỘT GIÁO VIÊN NGHIÊM KHẮC: BẰNG SỰ VUI VẺ, HOÀ ĐỒNG VÀ SỰ KẾT NỐI NGOÀI GIỜ HỌC

Cô Hoàng Thị Lan Nhi – Giảng viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản –

Trường Đại học Ngoại ngữ,  Đại học Huế

 

Cô Nhi bắt đầu học tiếng Nhật từ khi còn đang là học sinh cấp Hai, trải qua quãng thời gian du học và hiện đang là giảng viên tiếng Nhật tại Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Huế. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, cô đã chia sẻ về những khó khăn khi mới bắt đầu công việc, hành trình trưởng thành trong vai trò giáo viên, cùng những nghiên cứu hiện tại và ước mơ cho tương lai.

 

 

Gặp gỡ tiếng Nhật và con đường trở thành giáo viên

– Vì sao cô lại lựa chọn trở thành giảng viên đại học?

Khi đang là học sinh trung học, tôi bắt đầu học tiếng Nhật theo lời khuyên của bố mẹ. Dù lúc đầu còn nhiều bỡ ngỡ nhưng sau bảy năm học, tôi đã quyết tâm bước tiếp và nhập học Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản tại Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Huế. Đến năm thứ ba đại học, tôi may mắn được đi du học tại Đại học Yamanashi Gakuin, trải nghiệm đó đã giúp tôi mở rộng hiểu biết và cảm nhận sâu sắc hơn về tiếng Nhật cùng văn hóa của đất nước này.

Nhờ có trải nghiệm du học, tôi bắt đầu suy nghĩ thật nghiêm túc về tương lai của mình. Trong suốt thời gian sống ở Nhật Bản, tôi cảm thấy rất yêu thích và bị cuốn hút bởi công việc giảng dạy tiếng Nhật. Vì vậy, sau khi trở về nước, tôi đã quyết định ứng tuyển vào vị trí giảng viên tại Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Huế và thật may mắn khi được nhận.

 

Chặng đường gian nan và hành trình trưởng thành của cô giáo trẻ

– Khi mới bắt đầu công tác giảng dạy, cô gặp những khó khăn gì? Cô đã vượt qua những thử thách đó ra sao?

Khi mới bắt đầu công việc giảng dạy, tôi đã phải đối mặt với những ngày tháng bận rộn hơn cả tưởng tượng. Từ chuẩn bị bài giảng, họp hành, nghiên cứu, tư vấn cho sinh viên đến việc theo học chương trình thạc sĩ 1, công việc của tôi rất đa dạng. Điều khó khăn nhất với tôi chính là việc giao tiếp và kết nối với sinh viên.

 

Rào cản trong việc kết nối với sinh viên

Dù tôi được tự do quyết định nội dung bài giảng và soạn giáo án, nhưng phản ứng của sinh viên lại luôn nằm ngoài dự đoán của tôi. Mỗi buổi học đều mang theo nỗi lo lắng thường trực trong lòng: “Liệu nội dung này các em sẽ cảm nhận thế nào?”, “Phản ứng của các em sẽ ra sao đây?” Những suy nghĩ đó khiến tôi không chỉ áp lực mà còn cảm thấy bất an giống như mang một gánh nặng tinh thần vô cùng lớn.

Tôi từng nghĩ rằng, “Nếu giáo viên quá nghiêm khắc, sinh viên sẽ nản không muốn học, nhưng nếu quá nhẹ nhàng, các em có thể không làm bài tập hoặc đi trễ.” Vì vậy, tôi có xu hướng nghiêm khắc với sinh viên hơn, có lẽ chính điều đó đã vô tình tạo nên khoảng cách giữa tôi và các em.

 

Những ngày tháng thử và sai

Tôi bắt đầu thử nhiều cách khác nhau để cải thiện giao tiếp với sinh viên.

Chẳng hạn, sau mỗi buổi học, tôi đã tiến hành khảo sát ý kiến của sinh viên để thu thập cảm nhận và phản hồi từ các em. Việc để các em điền khảo sát ẩn danh giúp tôi có thể lắng nghe được những suy nghĩ thật lòng của sinh viên.

Với lớp mà tôi được phân công làm cố vấn, tôi đã chủ động tạo ra nhiều cơ hội để trò chuyện, đối thoại với từng sinh viên. Tôi cũng luôn lắng nghe những tâm sự, thắc mắc riêng của từng em, cố gắng đối diện và xây dựng mối quan hệ tin cậy với mỗi người.

Bên cạnh đó, tôi thường xuyên tham khảo ý kiến của các giáo viên kỳ cựu, học hỏi cách tiếp cận sinh viên cũng như những bí quyết để quản lý lớp học hiệu quả hơn.

 

Chuyển mình từ hình ảnh giáo viên nghiêm khắc

Thông qua những lời khuyên từ các thầy cô đi trước và phản hồi từ sinh viên, tôi đã nhìn nhận lại phương pháp giảng dạy của mình. Từ đó, tôi hướng tới việc xây dựng các tiết học không chỉ nghiêm khắc mà còn kết hợp với sự hoà đồng và hài hước, để tạo nên không khí học tập vui vẻ, gần gũi hơn.

Bên cạnh đó, để rút ngắn khoảng cách với sinh viên, tôi cũng tích cực tạo cơ hội giao lưu ngoài giờ học. Tôi thường mời từng nhóm 5 bạn sinh viên đến trò chuyện riêng mỗi tuần, đồng thời cùng các em tham gia các sự kiện với vai trò cố vấn học tập, từ đó dần xây dựng và củng cố mối quan hệ tin cậy.

 

Trưởng thành

Qua quá trình vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tôi dần cải thiện được khả năng giao tiếp, kết nối với sinh viên và từ đó cũng ngày càng tự tin hơn với vai trò giáo viên. Sự tin tưởng từ phía các em cũng lớn dần trở nên sâu sắc hơn, và tôi bắt đầu có thể đoán trước phản ứng của sinh viên trong lớp, cũng như tìm cách đồng hành với cảm xúc của các em để giúp các em không bị mất động lực học tập.

Quãng thời gian đầu làm nghề tuy nhiều thử thách nhưng đã trở thành một tài sản vô giá đối với tôi. Nhờ những trải nghiệm ấy, tôi không chỉ trưởng thành trong vai trò người thầy, mà còn hoàn thiện bản thân hơn rất nhiều.

 

 

Hành trình chinh phục bậc Tiến sĩ và những ấp ủ cho tương lai

– Hiện tại chắc cô vẫn đang ở Nhật Bản để theo học Tiến sĩ. Cô có thể chia sẻ một chút về đề tài nghiên cứu cũng như những dự định gì sau khi trở về Việt Nam?

Sau bảy năm gắn bó với giảng dạy, tôi đã quyết định bước tiếp con đường học thuật bằng cách theo học chương trình tiến sĩ tại Đại học Yamaguchi 2. Bên cạnh chủ đề về cách diễn đạt thể hiện lòng biết ơn mà tôi từng nghiên cứu ở bậc Thạc sĩ, lần này tôi mở rộng hướng đi của mình sang lĩnh vực đối chiếu cách diễn đạt ngôn ngữ trong nhiều ngữ cảnh khác nhau. Càng đi sâu, tôi càng cảm thấy việc nghiên cứu không chỉ là công việc, mà còn là một hành trình đầy cảm hứng và khám phá.

Sau khi hoàn thành chương trình Tiến sĩ, tôi mong muốn sẽ quay trở về Đại học Ngoại ngữ –  Đại học Huế, chia sẻ những kết quả nghiên cứu, cũng như tổ chức những buổi hội thảo nhằm giới thiệu các phương pháp nghiên cứu. Đồng thời, tôi cũng hy vọng có cơ hội được hợp tác và làm việc cùng các nhà nghiên cứu tại Nhật Bản.

Mục tiêu của tôi là có thể đem những kiến thức, kinh nghiệm mình tích lũy được thông qua quá trình nghiên cứu góp phần cống hiến cho sự phát triển giáo dục tiếng Nhật tại Huế.

 

 

– Hành trình của cô Nhi chỉ vừa mới bắt đầu phía trước vẫn còn rất nhiều khó khăn và thử thách. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng với sự nhiệt huyết và sự chủ động của cô chắc chắn sẽ thổi một làn gió mới vào công tác giảng dạy tiếng Nhật tại Huế.

 

Chú thích 1: Bậc Thạc sĩ: Chuyên ngành Ngôn ngữ học so sánh đối chiếu, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế

Chú thích 2: Bậc Tiến sĩ: Chuyên ngành Ngôn ngữ học, Khoá đào tạo về Phát triển Giáo dục, Khoa Nghiên cứu Đông Á sau đại học, Đại học Yamaguchi

 

**************************************** 

Cuộc phỏng vấn được thực hiện bằng tiếng Nhật. Bài viết này được chỉnh sửa lại từ nội dung tiếng Nhật trong cuộc phỏng vấn. Toàn bộ ảnh do chính nhân vật cung cấp.

Đơn vị phát hành: 

Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam – Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản 

Ngày phát hành: 

Ngày 20 tháng 6 năm 2025

Chấp bút: 

MITSUMOTO Tomoya (Chuyên gia tiếng Nhật) 

Biên tập: 

FUJII Mai (Chuyên gia tiếng Nhật) 

FUJIMURA Haruna (Giáo viên tiếng Nhật) 

MIYAKAWA Yujiro (Giáo viên tiếng Nhật) 

TSUCHIYA Risa (Nhân viên phụ trách mảng Tiếng Nhật) 

Biên dịch bài viết:

Nguyễn Thị Bình (Trợ lí chương trình) 

Vũ Khánh Huyền (Trợ lí chương trình)

 

Đăng ký email cập nhật

Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam

Văn phòng

Giờ mở cửa: 08:30 - 12:00/13:30-17:30 từ Thứ Hai đến Thứ Sáu
Đóng cửa: Các ngày thứ Bảy, Chủ Nhật và các ngày lễ

Thư Viện

Giờ mở cửa: 09:30 - 12:00/13:00-18:00 từ Thứ Ba đến Thứ Bảy
Đóng cửa: Các ngày Chủ Nhật, thứ Hai và các ngày lễ

Trung tâm Giao Lưu Văn Hóa Nhật Bản tại Việt Nam 2009 - 2025, all rights reserved.