Giáo viên tiểu học cô Nguyễn Ngọc Bích
Cơ duyên đưa cô Bích đến với việc dạy tiếng Nhật cho các em học sinh tiểu học bắt đầu từ vài năm trước, khi cô được chọn đảm nhiệm lớp tiểu học tại trung tâm tiếng Nhật. Hiện tại cô Bích không chỉ giảng dạy ở trung tâm mà còn là giáo viên tiếng Nhật tại trường tiểu học. Trong số báo lần này, hãy cùng lắng nghe những chia sẻ xoay quanh lớp học cũng như các em học sinh và công việc của cô trong vai trò là một cô giáo tiểu học.
Học sinh luôn hoạt bát, vui vẻ
– Ấn tượng của cô khi lần đầu tiên dạy học sinh tiểu học là gì?
Đầu tiên phải nói là các em học sinh luôn tràn đầy năng lượng và sôi nổi. Các em rất thích trò chuyện và kể với tôi vô vàn những câu chuyện từ lớp học cho đến những chuyện bên ngoài lớp. Nhờ vậy mà mỗi tiết học tôi luôn cảm thấy được các em tiếp thêm năng lượng. Thời gian đầu do chưa quen với lớp đông học sinh như vậy, có nhiều em còn không chịu ngồi yên nữa nên tôi cũng gặp khó khăn trong việc quản lý lớp.
– Vậy cô đã làm thế nào để có thể quản lý lớp học của mình?
Tôi cùng các em đã thảo luận và thống nhất về các quy định trong giờ học. Những việc đơn giản như “Trong giờ học, chúng ta chỉ trao đổi những nội dung liên quan đến học tập” hay “Những chủ đề khác sẽ để dành sau khi hết giờ”. Sau khi chúng tôi thiết lập các quy tắc nhỏ như vậy, các em đã bắt đầu ngoan ngoãn tập trung vào bài giảng. Tất nhiên, có những khía cạnh không phải cứ ép buộc theo quy tắc thì sẽ được. Thế nên để có thể thu hút sự quan tâm và chú ý của học sinh, tôi cũng cố gắng tổ chức nhiều hoạt động khác nhau.
Mày mò xây dựng giờ học phù hợp với lớp đông học sinh
– Cô xây dựng hoạt động lớp như thế nào để thu hút sự chú ý của học sinh?
Tôi cố gắng tích cực sử dụng hình ảnh minh họa, âm thanh, bài hát, v.v. để thu hút sự chú ý của các em. Hơn nữa, tôi cũng chú trọng việc khuyến khích học sinh tham gia đóng góp bài học và hạn chế việc một mình giáo viên đứng nói còn các em nghe thụ động. Tôi cảm thấy đóng kịch và phát biểu là những hoạt động đặc biệt hiệu quả. Đóng kịch đơn giản gồm nhập vai và hội thoại nhưng cũng là cách hay để các em luyện tập kỹ năng nói, qua đó cách nói chuyện đã dần trở nên tự nhiên hơn. Ngoài ra, chúng tôi cũng quay video và sau đó cùng nhau xem lại để các em thấy mình đã tiến bộ như thế nào.
Về hoạt động trình bày, nội dung chính là giới thiệu về văn hóa Nhật Bản. Đầu tiên tôi chiếu slide giới thiệu về các chủ đề liên quan đến văn hóa Nhật chẳng hạn như “hoa anh đào”, “núi Phú Sĩ”,… Học sinh sẽ ghi nhớ những phần bản thân cảm thấy thú vị, sau đó sử dụng slide để trình bày trước lớp. Vì mức độ tiểu học nên nội dung trình bày đơn giản không quá phức tạp, nhưng đây là một hoạt động rất ý nghĩa và bổ ích vì các em ai cũng hăng hái muốn chia sẻ ý kiến của bản thân.
– Để tổ chức hoạt động trong một lớp đông học sinh có vẻ không dễ chút nào, cô có bí quyết nào không?
Tôi chia các em thành các tổ nhỏ và chọn một bạn học sinh làm “giám sát” tổ. Em này sẽ đóng vai trò như trưởng nhóm và tổng hợp lại ý kiến của các bạn khác. Nhờ vậy các em sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành vai trò của mình. Song, cũng có một số học sinh không thể tập trung vào thảo luận nhóm nên việc hướng dẫn riêng từng em cũng quan trọng không kém.
Qua từng hoạt động, tôi đều rút ra được những điểm tốt và điểm cần cải thiện. Để mỗi lần sau, tôi vừa hướng dẫn, quản lý lớp vừa tìm cách xây dựng bài giảng sao cho thu hút các em tham gia hiệu quả hơn.
Với nhiệt huyết và tình yêu thương
– Cuối cùng, cô có thể chia sẻ điều cô chú trọng khi tương tác với học sinh không?
Đối với tôi, điều quan trọng là luôn đối xử với học sinh bằng tình yêu thương và tạo ra một lớp học thật vui vẻ, nơi các em học tiếng Nhật vì bản thân thấy thích và có động lực. Các em còn nhỏ nên có lẽ nhiều em học tiếng Nhật theo sự khuyến khích của bố mẹ. Tuy nhiên, hy vọng rằng các em sẽ yêu thích và gắn bó với tiếng Nhật bởi chính mong muốn của bản thân các em, vì vậy, tôi luôn cố gắng xây dựng một lớp học không áp lực hay ép buộc mà tràn đầy tiếng cười và tình yêu thương, để học sinh cảm nhận được hứng thú với môn học.
**********************
Bài phỏng vấn được thực hiện bằng tiếng Việt và được dịch sang tiếng Nhật. Nội dung bài viết đã được biên tập lại. Hình ảnh sử dụng trong bài viết được cung cấp bởi nhân vật.
Đơn vị phát hành: |
Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam – Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản |
Ngày phát hành: |
Thứ Năm, ngày 20 tháng 6 năm 2024 |
Chấp bút: |
KAKIUCHI Ryota (Chuyên gia tiếng Nhật) |
Biên tập:
|
FUJINAGA Kaoru (Chuyên gia tiếng Nhật cấp cao) IKOMA Miho (Giáo viên tiếng Nhật) FUJIMURA Haruna (Giáo viên tiếng Nhật) Lê Thu Trang (Trợ lý chương trình Tiếng Nhật) |
Biên phiên dịch phỏng vấn và bài viết : |
Nguyễn Phúc An (Trợ lí chương trình) |
Trung tâm Giao Lưu Văn Hóa Nhật Bản tại Việt Nam 2009 - 2024, all rights reserved.