logo
vi jp

KHÔNG BAO GIỜ THỎA MÃN VỚI HIỆN TẠI, LUÔN NỖ LỰC VÀ HỌC HỎI MỖI NGÀY

Cô Bùi Thị Hoàng Dung – Toyota Nankai Hải Phòng

 

Trong số tạp chí tháng này, Ban Biên tập xin gửi tới bạn đọc bài phỏng vấn cô Bùi Thị Hoàng Dung đến từ công ty Toyota Nankai Hải Phòng. Sau một thời gian làm phiên dịch viên tại một công ty Nhật Bản và giáo viên tại trung tâm tiếng Nhật, cô Dung hiện đang phụ trách đào tạo tiếng Nhật cho các kỹ sư sang Nhật Bản làm việc. Ban Biên tập đã lắng nghe những chia sẻ của cô Dung về những khó khăn và ý nghĩa trong công việc, cũng như tầm quan trọng của việc trau dồi năng lực của bản thân với tư cách là một giáo viên.

 

 

Trở nên tự tin hơn nhờ có sự động viên của thầy cô

― Cơ duyên nào khiến cô bắt đầu học tiếng Nhật?

Tôi đã học tiếng Pháp ở trường cấp 2 và cấp 3, nhưng sau đó tôi muốn học một ngôn ngữ châu Á. Lí do mà tôi lựa chọn tiếng Nhật là tại thời điểm đó, tôi đã xem trên tivi hai bộ phim của Nhật mang tên “Chuyện nữ tiếp viên hàng không” và “Oshin”. Nội dung của hai bộ phim hoàn toàn khác nhau tuy nhiên cả hai đều khắc họa hình ảnh các nhân vật chính nỗ lực vượt qua những khó khăn, thử thách. Mặc dù lúc đó tôi chưa biết tiếng Nhật, nhưng khi nghe những nhân vật trong phim, tôi cảm thấy tiếng Nhật vô cùng đẹp và giúp cho mình trở nên thư thái, bình tĩnh. Chính vì vậy, khi lên đại học tôi đã quyết định lựa chọn khoa tiếng Nhật.

 

― Việc học tiếng Nhật của cô như thế nào?

Khi còn là sinh viên đại học, tất cả các bạn trong lớp đều rất giỏi tiếng Nhật, nhưng tôi không giỏi lắm và thiếu tự tin. Vào học kì 2 của năm thứ 3, tôi đã có một bài kiểm tra nói về chủ đề đơn giản là giới thiệu về bản thân nhưng tôi không thể nói được và đã bị điểm thấp. Cô giáo đã nghiêm khắc phê bình: “Tại sao một chủ đề dễ như vậy mà em cũng không thể nói được? Thậm chí các em năm nhất cũng có thể nói tốt hơn em.” Sau khi nhắc nhở tôi, cô giáo cũng đã động viên rằng: “Nếu em chăm chỉ làm mọi việc ngay bây giờ, mọi thứ vẫn chưa muộn. Bắt đầu lại từ con số 0 cũng không sao”. Nhờ sự động viên đó mà tôi đã cố gắng quyết tâm không từ bỏ.  

 

― Điều gì đã thay đổi cô sau khi nghe những lời động viên từ cô giáo?

Tôi bắt đầu học chăm chỉ cả ngày lẫn đêm. Cách suy nghĩ của tôi cũng đã thay đổi, tôi chủ động giơ tay, tích cực phát biểu xây dựng bài trong giờ học. Khi học tiếng Nhật, tôi nhận ra tầm quan trọng của sự tự tin, nhờ vậy cho đến khi tốt nghiệp, tiếng Nhật của tôi đã tiến bộ rất nhiều.    

 

 

 

 

Trở thành cô giáo dạy tiếng Nhật

― Cơ duyên khiến cô trở thành một giáo viên tiếng Nhật là gì?

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi làm phiên dịch viên tại một công ty Nhật Bản, nhưng công việc phiên dịch rất khó vì tôi không thể bày tỏ quan điểm riêng của mình và cần kiến ​​thức chuyên môn, do đó thông qua sự giới thiệu của bạn bè tôi quyết định đi dạy ở trung tâm tiếng Nhật. Trung tâm có giáo viên người Nhật giúp tôi nhận xét, đánh giá về những giờ dạy của mình nhờ vậy tôi cũng trở nên tự tin hơn. Thời sinh viên, tôi cũng từng đi làm thêm bằng việc dạy tiếng nhưng chỉ dừng lại ở mức độ giống như một gia sư riêng nên tôi đã làm mọi thứ theo cách của mình. Tuy nhiên, khi bắt đầu làm việc tại Trung tâm và được giảng dạy theo giáo trình và trong môi trường chuẩn kiểu Nhật, tôi thấy mình đã trở nên chuyên nghiệp. Tôi nhận ra rằng mình có thể giúp ích cho mọi người, đồng thời là một giáo viên tôi cũng có cơ hội gặp gỡ nhiều người cũng như thông qua việc dạy tôi có thể hoàn thiện bản thân mình. Vì vậy, tôi quyết định nghiêm túc theo đuổi con đường trở thành một giáo viên. 

 

― Công việc hiện tại của cô là gì?

Hiện tại tôi đang làm việc ở công ty Toyota Nankai Hải Phòng có trụ sở chính tại Osaka chuyên về bảo dưỡng ô tô. Nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực, công ty đã triển khai dự án đào tạo nhân lực tại chi nhánh ở Hải Phòng sau đó phái cử sang Nhật Bản. Dự án đã bắt đầu triển khai, tôi phụ trách đào tạo lớp tiếng Nhật cho các bạn kỹ sư ô tô được lựa chọn để cử sang Nhật Bản làm việc. Khóa học kéo dài 6 tháng với mục tiêu giúp các bạn vượt qua kì thi năng lực tiếng Nhật N3, đồng thời, tôi cũng sẽ giảng dạy cho các bạn về văn hóa Nhật Bản và từ ngữ chuyên ngành. Các lớp học bắt đầu từ 8 giờ sáng đến 17 giờ hàng ngày. Đối với những học viên còn kém, thỉnh thoảng tôi sẽ kèm thêm các bạn vào cả buổi tối. Tuy có đôi chút vất vả nhưng tôi cảm thấy công việc của mình rất có ý nghĩa vì có thể góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực và nâng cao trình độ tiếng Nhật của học viên.

 

― Có phải tất cả những người cô dạy đều đến Nhật Bản không?

Vâng, hiện nay tôi đang dạy học viên khóa thứ 3, nhưng các bạn khóa 1 và 2 đều đã sang Nhật làm việc. Khoảng một nửa học viên của khóa thứ 3 cũng đã thi đỗ phỏng vấn. Công việc của tôi sẽ không dừng lại khi khóa học hoàn thành mà tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ ngay khi học viên sang Nhật Bản. Nếu họ có bất kỳ khó khăn nào về việc học tiếng Nhật hoặc cuộc sống ở Nhật Bản, họ sẽ liên hệ với tôi. 

 

― Cô nhận thấy điểm khác biệt so với trung tâm tiếng Nhật mà cô đã dạy trước đây là gì?

Đầu tiên, địa điểm làm việc và đối tượng hướng đến là khác nhau. Khi làm việc tại trung tâm, tôi thường được phái cử đến dạy tại các trường cấp 2 và cấp 3. Ngoài ra, chương trình dạy ở trung tâm chủ yếu do người Nhật xây dựng. Còn bây giờ học viên là các kỹ sư, khung chương trình và giáo trình là do tự tôi thiết kế.  

 

― Cô học cách xây dựng, thiết kế một chương trình dạy như thế nào?

Tôi đã xem và học cách làm từ giáo viên người Nhật tại trung tâm nơi tôi làm việc trước đây.  Khi lựa chọn giáo trình hay gặp khó khăn, tôi thường thảo luận, trao đổi thông tin với giáo viên tiếng Nhật ở các công ty khác. Tuy nhiên, tôi ước giá mà ở công ty hiện tại có thêm một giáo viên tiếng Nhật nữa thì tốt biết bao. 

 

― Khó khăn và ý nghĩa của việc trở thành một giáo viên là gì?

Thật lòng mà nói, tôi thấy công việc của một giáo viên rất vất vả, ngoài kiến thức chuyên môn về tiếng Nhật thì các yếu tố như kỹ năng giảng dạy, kỹ năng giao tiếp, sự linh hoạt và khả năng giải quyết vấn đề cũng là rất cần thiết. Cái khó trong công việc là ở chỗ tôi cần nâng cao khả năng tiếng Nhật của học viên lên N3 chỉ trong vòng 6 tháng và đồng thời phải dạy từ vựng chuyên môn cho các bạn. Hiện tại, chỉ có duy nhất một giáo viên tại công ty đây cũng là một thách thức rất lớn đối với tôi. Tuy nhiên, nhờ công việc này, tôi thấy mình nâng cao được kĩ năng giảng dạy và ngày càng trưởng thành hơn. Khi những học viên lúc đầu học còn kém nay đã tiến bộ hơn và nói “Em cảm ơn cô”, “Em đã đỗ rồi cô ơi” với nụ cười trên môi, tôi hạnh phúc khi nhận thấy rằng mình có ích cho người khác. Gần đây, tôi rất vui khi biết tin một học viên đã đến Nhật Bản vượt qua Kỳ thi quốc gia dành cho kỹ sư ô tô cấp độ 3 và Kỳ thi năng lực tiếng Nhật N2. Khi có những niềm vui như thế này thì dù công việc khó khăn đến đâu tôi cũng có thể vượt qua được. Tôi cũng cảm thấy rằng mình phải làm việc chăm chỉ và nỗ lực thách thức bản thân với nhiều thử thách khác nhau.  

 

― Sự nỗ lực quả đúng là điều cần thiết trong công việc của một giáo viên. Cô có thể chia sẻ thêm về những nỗ lực hiện tại của cô được không?

Đây chỉ là quan điểm cá nhân nhưng tôi nhận thấy có rất nhiều giáo viên một khi đã thành công họ thường không cập nhật kiến thức mới và luôn áp dụng một phương pháp giảng dạy. Tuy nhiên nếu vậy rất khó để chúng ta có thể thích nghi được với sự vận động của xã hội cũng như sự thay đổi của môi trường giáo dục, kiến thức của ngày hôm nay ngày sau sẽ trở nên lỗi thời. Chính vì vậy, mỗi ngày tôi đều kiếm những thông tin liên quan đến việc giảng dạy tiếng Nhật qua Internet hoặc Youtube, đọc thêm sách hoặc tham gia các khóa tập huấn dành cho giáo viên tiếng Nhật khi có thời gian.    

 

 

 

 

Không lơ là những nỗ lực hàng ngày

― Ngoài công việc giảng dạy, cô còn sử dụng tiếng Nhật trong những hoạt động nào khác không?

Tôi đã từng tham gia các hoạt động tình nguyện đi đến thăm trại trẻ mồ côi cùng với người Nhật. Chúng tôi làm bánh kẹo Nhật, mặc yukata, hát các bài hát và giới thiệu văn hoá Nhật Bản. Điều tôi ấn tượng là mặc dù không hiểu tiếng nhưng các em tỏ ra rất thích thú với tiếng Nhật. Tuy nhiên, hiện tại tôi không thể tham gia nhiều nhưng tôi vẫn muốn mình có thể hoạt động tích cực hơn nữa. 

 

― Mục tiêu trong tương lai của cô là gì?

Tôi đặt ra mục tiêu ngắn hạn và dài hạn cho bản thân. Mục tiêu ngắn hạn đầu tiên là tiếp tục rèn luyện và nâng cao năng lực của bản thân. Mục tiêu thứ hai là lấy bằng thạc sĩ, tôi đã đi học khoảng gần 1 năm tuy nhiên do không sắp xếp được thời gian nên đã phải tạm thời dừng lại, vì vậy tôi muốn hoàn thành nó càng sớm càng tốt. Thứ ba là tiếp tục công việc của mình đóng góp cho ngành bảo dưỡng ô tô. 

 

― Mục tiêu dài hạn của cô là gì?

Đầu tiên là trở thành một giáo viên giàu kinh nghiệm. Với tôi, một giáo viên giàu kinh nghiệm là một giáo viên chuyên nghiệp với vốn kiến thức phong phú không bao giờ hài lòng với hiện tại mà luôn nỗ lực trau dồi kỹ năng của bản thân. Tôi mong muốn trở thành một giáo viên như thế. Thứ hai, tôi thích các bài hát tiếng Nhật, vì vậy tôi muốn mở một kênh YouTube về các bài hát tiếng Nhật. Các bài hát tiếng Nhật thực sự thú vị nhưng không được giới trẻ biết đến nhiều và bài hát mới liên tục ra mắt và bị trôi đi mất. Tôi muốn giới thiệu các bài hát hay và đẹp đến người nghe Việt Nam. 

 

― Cô có lời nhắn nhủ nào dành cho những giáo viên dạy tiếng Nhật như cô không?

Một lần nữa, tôi nghĩ rằng một khi bạn đã trở thành giáo viên, bạn phải luôn rèn luyện bản thân mỗi ngày và cố gắng mọi thứ bằng một trái tim chân thành. Tôi tin rằng điều quan trọng là nỗ lực hết mình để có thể giúp ích cho những học viên mà chúng ta đang giảng dạy. Mặc dù sẽ có những lúc khó khăn nhưng tôi muốn nhắn nhủ với họ rằng chúng ta hãy cùng nhau cố gắng. Cô Dung là một người có tinh thần cầu tiến rất cao, những cụm từ như “nỗ lực mỗi ngày”, “rèn luyện bản thân” liên tục xuất hiện, với tư cách là một giáo viên tiếng Nhật tôi như được tiếp thêm động lực và cảm nhận được tầm quan trọng của việc luôn ý thức rèn luyện bản thân.

 

**********************

 

Nội dung bài viết đã được biên tập lại. Toàn bộ bài phỏng vấn đều được thực hiện bằng tiếng Nhật.
Hình ảnh sử dụng trong bài viết được cung cấp bởi nhân vật.

Đơn vị phát hành: Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam – Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản
Ngày phát hành:  Thứ Ba, ngày 20 tháng 06 năm 2023
Chấp bút・Biên tập: IKOMA Miho (Giáo viên tiếng Nhật)
Biên tập: FUJINAGA Kaoru (Chuyên gia tiếng Nhật cấp cao)

 

YAMAMURA Yoko (Trợ lí Giám đốc Trung tâm)
TSUCHIYA Risa (Nhân viên phụ trách mảng Tiếng Nhật)

KUBO Aki (Giáo viên tiếng Nhật)

Biên dịch bài viết :

Phạm Thị Thanh Thùy (Trợ lí chương trình)
Nguyễn Thị Bình (Trợ lí chương trình)

 

Đăng ký email cập nhật

Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam

Văn phòng

Giờ mở cửa: 08:30 - 12:00/13:30-17:30 từ Thứ Hai đến Thứ Sáu
Đóng cửa: Các ngày thứ Bảy, Chủ Nhật và các ngày lễ

Thư Viện

Giờ mở cửa: 09:30 - 12:00/13:00-18:00 từ Thứ Ba đến Thứ Bảy
Đóng cửa: Các ngày Chủ Nhật, thứ Hai và các ngày lễ

Trung tâm Giao Lưu Văn Hóa Nhật Bản tại Việt Nam 2009 - 2024, all rights reserved.