Cô Nguyễn Thị Như Ý – Trưởng Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản, Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng
Sau khi tốt nghiệp đại học, cô Như Ý đã chọn theo đuổi sự nghiệp giáo dục và lấy được bằng tiến sĩ tại Nhật Bản, hiện tại cô đang công tác tại trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng với cương vị Trưởng Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản. Sau đây là những chia sẻ của cô về quá trình đi du học, kinh nghiệm phiên dịch, cũng như những nỗ lực trong thiết kế giờ học mới, hay thử nghiệm đào tạo giáo viên trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Cơ duyên đến với tiếng Nhật
– Cô có thể chia sẻ về khoảng thời gian khi mới bắt đầu học tiếng Nhật của mình không?
“Khi bắt đầu học tiếng Nhật tại đại học, tôi đã thực sự được trải nghiệm cảm giác “Có thứ ngoại ngữ khó đến vậy ư!?”. Lúc bấy giờ, nguồn tài liệu bổ trợ kỹ năng nghe và đọc hiểu vô cùng hạn hẹp, trong suốt 1 năm kể từ khi nhập học chúng tôi chủ yếu chỉ học bằng cuốn giáo trình chính trong bộ “Minna no nihongo”. Tốc độ giảng dạy tại trường cũng rất nhanh, một tuần chúng tôi học 4 buổi, mỗi buổi bao gồm 5 tiết học. Tuy vậy, sau 1 năm nỗ lực, tôi đã tìm thấy sự thú vị trong tiếng Nhật. Lên năm 3 đại học, lần đầu biết đến Kỳ thi Năng lực tiếng Nhật, lúc ấy lứa sinh viên chúng tôi đã ôn thi chỉ bằng 1 cuốn tuyển tập luyện đề năm 1999 mượn được từ giáo viên. Nghĩ lại, tôi rất tự hào khi thi đỗ được kỳ thi năm đó.”
– Cô đã từng đến Nhật du học rồi chứ?
“Sau khi tốt nghiệp đại học ở Việt Nam, tôi làm trợ giảng tại trường đại học trong 4 năm, sau đó đi du học trong khoảng 5 năm rưỡi. Tôi may mắn thi đỗ học bổng Chính phủ Nhật Bản và hoàn thành chương trình học thạc sĩ và tiến sĩ tại Khoa Nghiên cứu Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản của trường Đại học Osaka. Để trở thành giảng viên đại học yêu cầu phải có bằng thạc sĩ bởi vậy dù tình huống lúc đó là buộc phải đi du học, nhưng bản thân tôi cũng nhận thấy rằng vốn kiến thức mình học được tại đại học là chưa đủ, bên cạnh đó tôi cũng ý thức rõ hơn về việc cần nghiên cứu sâu hơn về chuyên ngành giáo dục tiếng Nhật. Chính vì thế, tôi đã có động lực để cố gắng nhiều hơn.”
– Cô cảm thấy thế nào sau khi đến Nhật?
“Tôi thấy rất tuyệt. Được thấy tận mắt, nghe tận tai cũng như trực tiếp cảm nhận về đất nước Nhật Bản là trải nghiệm vô cùng tuyệt vời. Như ban đầu có đề cập, do thời chúng tôi đi học nguồn giáo trình vô cùng hạn chế nên những kiến thức mà tôi biết cũng chỉ bó hẹp trong phạm vi sách giáo khoa. Chỉ khi đến Nhật, tôi nhận ra có những điều giống với những gì mình được học, nhưng bên cạnh đó cũng có rất nhiều điều thực tế khác biệt so với mô tả trong sách. Lúc đó, tôi mới hiểu rằng những gì học trong sách vở bấy lâu nay chỉ là tiếng Nhật dành cho người nước ngoài. Thời gian đầu mới sang du học, hầu như tôi chỉ chú tâm vào việc học trên trường. Khi ấy, trong tôi có một sự tự ti, rằng liệu vốn tiếng Nhật mình học được tại trường đại học liệu có đủ để giúp tôi trở thành giáo viên tiếng Nhật hay không. Đó cũng là lúc tôi bắt đầu có ý định đi làm thêm. May mắn thay, tôi đã được nhận vào làm phiên dịch tại một công ty về máy móc. Khoảng thời gian 5 năm sinh sống tại Nhật đã cho tôi rất nhiều trải nghiệm. Có thể nói rằng tiếng Nhật dùng trong sản xuất và tiếng Nhật dùng trong nghiên cứu là hai phạm trù hoàn toàn khác biệt. Đối với tôi, đó đều là những kinh nghiệm hết sức quý báu.”
Vào các kỳ nghỉ của trường, cô Như Ý đã từng đảm nhiệm vai trò phiên dịch dài hạn tại các nhà máy của nhiều công ty như Panasonic hay Kirin Beer tại tỉnh Shiga. Cô chia sẻ rằng tuy thời gian nghỉ ngơi rất quý giá nhưng nếu ngưng làm việc thì bản thân cô cảm thấy như bị mất đi động lực phấn đấu vậy.
Đưa tiếng Nhật chuyên ngành sản xuất vào các giờ học
– Cảm nhận của cô về công việc phiên dịch là gì?
“Đa số tiếng Nhật được giảng dạy tại các trường đại học của Việt Nam cho đến giờ đều là tiếng Nhật nhằm mục đích sử dụng trong đời sống. Gần đây, số lượng người Việt học tiếng Nhật đã tăng lên đáng kể, kèm theo đó là sự đa dạng hóa trong mục đích học tập. Vì vậy, tôi thấy rằng việc giảng dạy tiếng Nhật cũng cần thay đổi để đáp ứng được những mục đích khác nhau đó. Hơn nữa, nếu chỉ học tiếng Nhật để sử dụng trong đời sống thường ngày, người học hoàn toàn có thể học tại các trung tâm tiếng Nhật mà không cần phải mất công thi vào đại học. Tôi nghĩ rằng tiếng Nhật giảng dạy tại cấp độ đại học phải là tiếng nhật theo hướng chuyên môn, nghĩa là cần dạy tiếng Nhật cùng với một chuyên ngành nào đó. Bản thân tôi muốn ứng dụng vốn tiếng Nhật đã học được trong khoảng thời gian làm phiên dịch tại các nhà máy của Nhật vào việc giảng dạy tại trường đại học của Việt Nam. Hiện tại, nhu cầu về nhân lực với tiếng Nhật chuyên ngành như công nghệ thông tin, sản xuất (kiến trúc, xây dựng, điện tử, máy móc, …), hay điều dưỡng đang ngày một tăng lên, vì thế tôi muốn bổ sung thêm các tiết học tiếng Nhật chuyên ngành vào chương trình học. Những giờ học tiếng Nhật chuyên ngành như vậy cũng đã có trong chương trình học từ trước đến nay, tuy nhiên với đội ngũ giảng viên trình độ thạc sĩ nhiều kinh nghiệm nghiên cứu về tiếng Nhật thương mại, tôi nghĩ rằng có thể đi sâu hơn về nội dung kiến thức cần truyền tải.”
Ảnh chụp cô Như Ý tại cánh đồng lúa mì của nhà máy bia Kirin, tỉnh Shiga
Thiết kế các giờ học tập theo dự án
– Cô có thể chia sẻ thêm về quá trình học lên sau đại học không?
“Chúng tôi chú trọng vào việc học về phương pháp nghiên cứu hơn là nội dung đề tài nghiên cứu. Với những kiến thức về phương pháp nghiên cứu đã học, hiện tại tôi đang phát triển đề tài nghiên cứu về việc áp dụng PBL (project based learning – học tập theo dự án) trong giảng dạy tiếng Nhật. Phân môn tôi đang đảm nhiệm giảng dạy là biên – phiên dịch, tuy nhiên hầu hết các tiết học về biên phiên dịch từ trước đến giờ chủ yếu triển khai theo hướng dẫn một chiều từ giáo viên. Phương pháp dạy học của tôi hiện tại là đưa ra các dự án thực tế để sinh viên có thể trực tiếp trải nghiệm vai trò của một phiên dịch viên. Vào tháng 2 năm nay, tôi đã mời một diễn giả người Nhật về trường và tổ chức một buổi diễn thuyết. Trong buổi diễn thuyết đó, 20 em sinh viên được phân công để lần lượt phiên dịch lời của diễn giả. Sau buổi trải nghiệm làm phiên dịch viên, các em được yêu cầu viết báo cáo nhằm tự đánh giá và nhận xét những điểm cần cải thiện. Khi đọc báo cáo của sinh viên, tôi thấy có rất nhiều chia sẻ như “Em thấy trải nghiệm lần này đã giúp bản thân tự đánh giá được những kiến thức, kỹ năng mình đã được học từ các giờ học biên phiên dịch có thể phát huy đến đâu khi áp dụng vào công việc thực tế”, “Việc học thông qua dự án đã khiến em có thêm tinh thần động lực học tập nhiều hơn”, hay “Em muốn được tham gia vào nhiều dự án khác nữa”. Có em còn nêu ý kiến rằng phần luyện tập phiên dịch được tiến hành theo nhóm nên trải nghiệm lần này giúp các em cải thiện hơn các kỹ năng phân chia công việc cũng như xây dựng kế hoạch nhóm. Tôi thấy vô cùng vui mừng khi đọc những dòng chia sẻ đó.”
– Cô cảm thấy cách tư duy về những giờ học trước và sau khi đi du học của mình có gì thay đổi không?
“Tôi thấy có sự thay đổi rất lớn. Trước khi đi du học, tôi đơn giản chỉ sử dụng những kiến thức mình đã học để dạy học. Khi đó, mong muốn của tôi là truyền tải cho sinh viên toàn bộ kiến thức của mình và trở thành một giáo viên được sinh viên ngưỡng mộ. Hiện tại, điều mà tôi mong muốn không còn là việc cho các em thấy là mình đang có gì, mà là thấy được các em đang có những gì. Nhìn chung, trước khi đi du học, các tiết học của tôi đơn thuần chỉ có giáo viên giảng giải một chiều và chủ yếu là xoay quanh giáo viên, còn hiện tại, tôi coi sinh viên là trung tâm của giờ học, giáo viên chỉ mang vai trò định hướng. Tôi muốn sinh viên có thể tự mình trang bị được kiến thức cho bản thân.”
Tạo cơ hội để luyện nói tiếng Nhật trong thời kỳ đại dịch Covid-19
– Có phải hiện cô đang triển khai các “buổi giao lưu trò chuyện” theo hình thức trực tuyến không?
“Đúng vậy, đó là một phần trong kế hoạch đào tạo giáo viên mới mà tôi đang thực hiện. Hàng năm sẽ có khoảng 3 giáo viên người Nhật đến trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng để giao lưu, trò chuyện và trao đổi với những giáo viên trẻ nhằm mục đích giúp giáo viên của trường nâng cao năng lực cá nhân. Tuy nhiên, thời điểm năm 2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát khiến Việt Nam rơi vào tình trạng phong tỏa, toàn bộ giáo viên người Nhật buộc phải quay trở lại Nhật. Trong hoàn cảnh đó, với mong muốn tạo dựng một môi trường thân thiện nơi giáo viên mới có thể thoải mái nói chuyện bằng tiếng Nhật, cũng như xét trên khía cạnh chăm sóc sức khỏe tinh thần cho đội ngũ giảng viên trẻ, ý tưởng về việc tổ chức các buổi giao lưu trò chuyện dần hình thành. Tôi muốn tạo ra một nơi để người Nhật, người Việt biết tiếng Nhật, và cả những giáo viên tiếng Nhật người nước ngoài như Lào hay Đài Loan có thể tập trung và trò chuyện vui vẻ. Với tần suất mỗi tháng một lần, mỗi một buổi trò chuyện trực tuyến sẽ xoay quanh một chủ đề khác nhau, thành viên tham gia có thể tự do bày tỏ quan điểm cũng như suy nghĩ của bản thân. Ngoài ra, chúng tôi cũng lồng ghép thêm một chút yếu tố học thuật bằng cách để mọi người trình bày một phần trong đề tài nghiên cứu của bản thân hay cùng nhau thảo luận để đưa ra hướng giải quyết cho những vấn đề đang gặp phải trong việc giảng dạy tiếng Nhật hiện thời.”
– Cảm nhận của cô khi tổ chức các buổi trò chuyện nêu trên như thế nào?
“Tôi rất mừng khi các thành viên tham gia không chỉ bày tỏ quan điểm về những vấn đề thông thường mà còn có thể cùng nhau suy nghĩ, trao đổi về những đề tài học thuật hay những vấn đề phát sinh trong công việc, từ đó tìm ra được nhiều ý tưởng hay ho. Không chỉ vậy, những giáo viên trẻ sau khi được tiếp xúc với các đàn anh đàn chị đi trước, sẽ được tiếp thêm động lực phấn đấu để cố gắng hoàn thiện bản thân mình nhiều hơn.”
– Cô có ước mơ gì trong tương lai không?
“Có thể nói đây là ước mơ lớn, tôi muốn mình có thể góp phần vào công cuộc đào tạo đội ngũ nghiên cứu trẻ tuổi tại Việt Nam, dù hiện tại tôi cũng đang là một phần trong đội ngũ đó. Mong muốn của tôi là tạo ra một cộng đồng nơi các nhà nghiên cứu trẻ tuổi có thể tự tin phát biểu luận văn của mình cũng như có thể tự do bày tỏ quan điểm của bản thân.”
– Cuối cùng, cô có điều gì muốn gửi gắm không?
“Tôi muốn nhắn nhủ đến mọi người rằng: “Đừng ngại ngần, hãy mạnh dạn phát huy khả năng của mình mỗi khi có cơ hội”. May mắn luôn hiện hữu xung quanh chúng ta. Điều quan trọng là ta có đủ can đảm để nắm lấy những cơ hội đó hay không.”
Cho đến hiện tại, cô Như Ý vẫn không ngừng cống hiến và phát huy những kinh nghiệm của bản thân. Trong khuôn khổ buổi phỏng vấn lần này không thể giới thiệu được hết mọi điều về cô Như Ý, nhưng chúng tôi biết rằng hiện tại cô cũng đang thực hiện rất nhiều dự án khác nhau. Đúng như lời nhắn nhủ cuối cùng mà cô đã chia sẻ, cô Như Ý là một nhà giáo luôn biết cách nắm lấy cơ hội cũng như vận may xung quanh mình.
**********************
Nội dung bài viết đã được biên tập lại. Toàn bộ bài phỏng vấn đều được thực hiện bằng tiếng Nhật.
Hình ảnh trong bài viết được cung cấp bởi cô Nguyễn Thị Như Ý.
Đơn vị phát hành: | Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam – Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản |
Ngày phát hành: | Thứ Hai, ngày 20 tháng 06 năm 2022 |
Chấp bút・Biên tập: | Kubo Aki (Giáo viên tiếng Nhật) |
Biên tập: | FUJINAGA Kaoru (Chuyên gia tiếng Nhật cấp cao) |
YAMAMURA Yoko (Trợ lí Giám đốc Trung tâm) | |
TSUCHIYA Risa (Nhân viên phụ trách mảng Tiếng Nhật) | |
Biên dịch bài viết | Phạm Thị Thanh Thùy (Trợ lí chương trình) |
Nguyễn Thị Thùy Linh (Trợ lí chương trình) | |
Trung tâm Giao Lưu Văn Hóa Nhật Bản tại Việt Nam 2009 - 2024, all rights reserved.