logo
vi jp

GIÁO DỤC CÓ SỨC MẠNH THAY ĐỔI CON NGƯỜI

Chia sẻ của cô giáo Hứa Thùy Trang đến từ Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ Bách Khoa Hà Nội (BK Holdings)

 

Trong số tạp chí này, Ban Biên tập xin gửi tới bạn đọc bài phỏng vấn cô Hứa Thùy Trang – tiến sĩ ngành kỹ thuật hiện đang công tác tại vị trí điều phối hoạt động hợp tác giữa các doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu tại BK Holdings (được thành lập bởi Đại học Bách Khoa Hà Nội). Dưới đây là những chia sẻ của cô.

 

 

Giảng dạy về thương mại quốc tế

-Công việc hiện tại của cô là gì?

“Hiện tại tôi đang công tác tại 3 vị trí khác nhau. Thứ nhất, tôi hiện đang giảng dạy phân môn Tiếng Nhật trong Xuất nhập khẩu, chuyên ngành tiếng Nhật tại Trường Đại học Thăng Long. Thứ hai, tôi đang đảm nhiệm vị trí điều phối viên cho dự án Công viên Công nghệ GIGAKU (GIGAKU Techno Park). Đây là dự án được Đại học Bách Khoa Hà Nội và Đại học Công nghệ Nagaoka hợp tác triển khai theo mô hình hợp tác giữa Doanh nghiệp – Trường học – Chính phủ. Công việc thứ ba của tôi mới bắt đầu từ tháng 4 năm nay là vị trí công tác tại BK Holdings.”

– Đầu tiên, Ban Biên tập xin có vài câu hỏi về công việc giảng dạy tại trường Đại học Thăng Long. Hiện tại cô đang giảng dạy Tiếng Nhật trong Xuất Nhập khẩu phải không?

“Đúng vậy, Tiếng Nhật trong Xuất nhập khẩu là chuyên đề tốt nghiệp của chuyên ngành Tiếng Nhật doanh nghiệp. Tại Nhật cũng có kỳ thi đánh giá năng lực Tiếng Nhật trong Xuất nhập khẩu với 3 cấp độ A, B và C. Phần kiến thức cơ bản mà tôi hiện đang giảng dạy tương ứng với cấp độ C của kỳ thi này. Tôi sử dụng những phần câu hỏi mẫu trong đề thi làm tài liệu giảng dạy cũng như biên soạn đề kiểm tra. Ví dụ, khi học về lĩnh vực Xuất nhập khẩu sẽ đề cập đến 3 loại hình lưu thông: lưu thông tiền tệ, lưu thông hàng hóa, và lưu thông chứng từ. Tuy nhiên, nếu chỉ biết đến những kiến thức cơ bản đó thì sẽ không giúp ích được nhiều cho sinh viên sau khi ra trường. Tôi để các em tự mình tìm hiểu về tình hình thực tế của mảng Thương mại quốc tế trên trang web của các tổ chức có liên quan như JETRO (Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản), hướng sinh viên chú ý đến những điểm đang thay đổi như sự khác nhau của dòng lưu thông về mặt lý thuyết với dòng lưu thông trong thực tế, những công nghệ mới được ứng dụng như IoT (Internet Vạn Vật) hay AI (Trí tuệ nhân tạo) đang được sử dụng ra sao,… Đại học Thăng Long hiện có nhiều chương trình thực tập tạo điều kiện cho sinh viên tích lũy kinh nghiệm làm việc tại các doanh nghiệp. Do đó, tôi muốn giúp sinh viên có được hành trang để có thể làm việc tại các công ty của Nhật Bản sau khi tốt nghiệp.”

– Có phải chuyên ngành của cô là kinh tế hay quản trị kinh doanh không?

“Không phải vậy, các kiến thức và kinh nghiệm của bản thân tôi được đúc kết từ khoảng thời gian làm việc tại một công ty ngoại thương. Đó là một công ty Nhật Bản tại Việt Nam chuyên kinh doanh các mặt hàng như vải dệt và các sản phẩm chế tác từ gốm Ceramic. Khi ấy, tôi đã có cơ hội đến thăm rất nhiều doanh nghiệp, và vì cần phải có tài liệu thuế quan bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Nhật nên tôi cũng đã học hỏi thêm được về việc biên soạn giấy tờ tài liệu.”

 

Du học tại Viện Công nghệ Kyoto

– Vậy chuyên ngành thực sự của cô là gì?

“Tôi theo học chuyên ngành Công nghệ Dệt tại Khoa Công nghệ Dệt may và Thời trang (hiện là Viện Dệt may – Da giầy và Thời trang) của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Tính đến thời điểm đang học Thạc sĩ thì tôi đã có 5 năm theo đuổi chuyên ngành này. Từ lúc trẻ tôi đã mang trong mình niềm hứng thú với rất nhiều điều, vậy nên khi ấy tôi còn theo học ngành Ngôn ngữ Anh hệ Vừa làm vừa học tại Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội. Sau đó, tôi ứng tuyển và được chọn tham gia chương trình Asian Youth Fellowship (AYF) của Quỹ Giao lưu Quốc tế. Trong khoảng thời gian 1 năm rưỡi tại Malaysia, tôi cùng với các sinh viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau đã cùng nhau học tập tiếng Nhật cũng như Văn hóa Nhật Bản.”

– Như vậy, có thể nói đó chính là cơ duyên đưa cô đến với Nhật Bản nhỉ.

“Đúng vậy, nhờ vào việc tham gia chương trình AYF mà tôi đã có cơ hội được du học tại Trường sau đại học của Viện Công nghệ Kyoto. Với niềm đam mê đối với thời trang, ước mơ của tôi khi đó là có thể thành lập ra một công ty may mặc chuyên sản xuất phục trang. Vì thế, để học thêm về ngành Dệt may, tôi đã quyết định đi du học. Tính đến thời điểm ấy, tôi đã hoàn thành chương trình Thạc sĩ tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, vì vậy tôi đã tiếp tục học lên Nghiên cứu sinh và sau đó là Tiến sĩ. Tuy nhiên, khoảng thời gian làm nghiên cứu sinh thực sự rất vất vả. Vì đã học tiếng Nhật ở Malaysia nên khi ấy tôi không gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống thường ngày, thế nhưng tiếng Nhật dùng trong nghiên cứu thì hoàn toàn khác. Rất nhiều lần tôi đã phải hỏi lại bạn ở phòng thí nghiệm những chỗ không hiểu. Lúc làm thí nghiệm sử dụng nhiều loại dụng cụ để thay đổi cấu trúc của vật liệu tôi cũng đã phải nhờ mọi người giúp đỡ khá nhiều. Tuy mỗi lần báo cáo với giáo viên đều gặp nhiều khó khăn, nhưng nếu không hoàn thành được luận văn thì sẽ không thể về nước nên tôi chỉ còn cách cố gắng hết sức. Bạn bè tại phòng thí nghiệm của tôi khi đó là một nhóm 5 người, đến giờ chúng tôi vẫn thường tổ chức các buổi họp mặt Đồng môn. Ngoài tôi ra thì những người còn lại đều là người Nhật, khi đó, lúc nào chúng tôi cũng cùng nhau thực hiện nghiên cứu tại phòng thí nghiệm từ sáng tới tận tối, vì thế nên mọi người gắn bó với nhau như một gia đình vậy.”

 

Kyoto – Cố đô lãng mạn mang trong mình các giá trị văn hóa truyền thống

– Ấn tượng của cô về đất nước Nhật Bản là gì?

“Tôi đến Kyoto vào tháng 4. Khi ấy, tôi đã nghĩ đây là một nơi vô cùng lãng mạn. Tôi đã được ngắm nhìn những thớ vải dệt truyền thống của Nhật, được trải nghiệm một khung cảnh đậm chất văn hóa. Gia đình chủ nhà nơi tôi ở cũng đã giúp đỡ tạo điều kiện rất nhiều để tôi có thể tham gia các hoạt động dành cho du học sinh, vừa vui chơi trải nghiệm vừa học hỏi thêm nhiều điều. Thực ra, trong khoảng thời gian ở Kyoto, tôi còn tham gia khóa học cuối tuần về start-up tên là Trường Khởi nghiệp Kyoto. Bản thân tôi có ước mơ mở một công ty nên tôi đã hoàn thành khóa học sau 8 tháng.”

“Start-up” là thuật ngữ chỉ những “Công ty mới phát triển hoạt động kinh doanh”, và hiện nay, Học viện Công nghệ Kyoto cũng đang  tổ chức  các hội thảo quốc tế nhằm xây dựng được thêm nhiều mô hình kinh doanh trong khoảng thời gian ngắn, điển hình là chương trình đào tạo các nhà khởi nghiệp “Kyoto Startup Summer School (KS3)”.

 

Dự án hợp tác với Trường Đại học Công nghệ Nagaoka

– Sau khi trở về Việt Nam cô đã làm gì?

“Tôi trở về Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và đảm nhiệm chức vụ Trưởng Bộ môn Vật liệu và Công nghệ Hóa dệt, ngoài ra tôi cũng đảm nhiệm chức vụ Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Long Biên thuộc tập đoàn Dệt May Việt Nam. Sau đó, tôi làm việc cho chương trình Twinning Program kết hợp giữa Đại học Bách Khoa Hà Nội và Đại học Công nghệ Nagaoka. Sinh viên tham gia chương trình này sẽ được học tiếng Nhật và những môn chuyên ngành cơ bản trong vòng 2 năm rưỡi tại Việt Nam, 2 năm tiếp theo sẽ tiếp tục học các môn chuyên ngành tại Nhật Bản. Ban đầu, tôi phụ trách môn Tiếng Nhật trong Khoa học – kỹ thuật”, và hiện tại – như đã nói ở đầu buổi phỏng vấn – tôi đang đảm nhiệm vị trí điều phối viên cho dự án Công viên Công nghệ GIGAKU.” Theo những thông tin được đăng tải trên trang web của Trường Đại học Công nghệ Nagaoka, Twinning Program được thành lập với mục đích “đào tạo kỹ sư chất lượng cao biết tiếng Nhật”, là chương trình hợp tác giữa các trường đại học tại Nhật Bản và các trường đại học tại nước ngoài. Chương trình bắt đầu được triển khai từ năm 2003 với trường tiên phong là Đại học Bách Khoa Hà Nội, đến năm 2006 đã mở rộng thêm quy mô tại Trường Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Bách Khoa Đà Nẵng. Công viên Công nghệ GIGAKU (GIGAKU Techno Park) là dự án được triển khai bởi Trường Đại học Công nghệ Nagaoka (cụm từ “GIGAKU”  được lấy từ tên gọi ngắn gọn củatrường trong tiếng Nhật) trong khuôn khổ hợp tác với các trường đại học đối tác chiến lược tại nước ngoài. Dự án được thành lập với mục đích xây dựng khuôn viên tích hợp theo mô hình hợp tác giữa Doanh nghiệp – Trường học – Chính phủ, từ đó thúc đẩy việc triển khai nghiên cứu hợp tác quốc tế cũng như giao lưu trao đổi giữa học sinh – sinh viên, giảng viên hay kỹ sư tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với những thành tích đạt được khi công tác tại vị trí điều phối viên dự án, năm 2018, cô Trang đã được Trường Đại học Công nghệ Nagaoka trao tặng danh hiệu Cán bộ có nhiều đóng góp cho công tác Giáo dục đào tạo.

 

Hợp tác liên kết giữa giáo dục, công nghệ và kinh doanh

– Hiện tại cô cũng đang công tác tại BK Holding phải không?

“Đúng vậy. Như đã nhắc đến trước đó, từ năm 2015 tôi bắt đầu giảng dạy tại Trường Đại học Thăng Long, và từ tháng 4 năm nay tôi cũng đã bắt đầu công tác tại BK Holdings. Việt Nam hiện tại cũng đang trong thời đại đổi mới. Tại BK Holdings, tôi thực hiện các công việc điều phối như liên kết giữa 3 lĩnh vực giáo dục, công nghệ và kinh doanh, từ đó phát triển và đưa ra thị trường những sản phẩm mới. Nhìn chung, khi thực hiện hợp tác đồ án nghiên cứu của sinh viên hay giảng viên của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội với các doanh nghiệp, phía doanh nghiệp sẽ không biết được viện nào, khoa nào đang phát triển những công nghệ nào, vì vậy rất cần đến sự điều phối, kết hợp phù hợp. Theo như thông tin được đăng tải trên trang web, Công ty BK Holdings được thành lập vào năm 2008  theo sự phê duyệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mục tiêu thành lập của Công ty là nhằm huy động các nguồn lực của nhà nước, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào quá trình nghiên cứu, hỗ trợ thương mại hoá các sản phẩm Khoa học – Công nghệ của nhà trường, các nhà nghiên cứu khi ấy sẽ trở thành chủ thể xây dựng doanh nghiệp.  

 

Giáo dục có sức mạnh thay đổi con người

– Có thể thấy cô Trang đang hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực, trở thành kỹ sư, có nhiều kiến thức về ngoại thương cũng như khởi nghiệp, thậm chí còn quản lý một công ty. Tuy nhiên, dường như hiện tại cô đang tập trung hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Lý do cô chọn hướng đi này là gì?

“Có thể nói đó là do chịu ảnh hưởng của nền giáo dục Nhật Bản. Tại Viện Công nghệ Kyoto có một người thầy mà tôi vô cùng kính trọng, đó là thầy Itoh Takashi. Thầy là một nhà giáo tuyệt vời, tôi đã học hỏi được ở thầy không chỉ kiến thức, kỹ thuật, mà còn là văn hóa với cách nghĩ, cách ứng xử tùy theo từng bối cảnh. Vì thế, tôi cũng muốn truyền tải cách dạy đó đến với Việt Nam. Thực ra bản thân tôi đã từng rất sợ đi Nhật. Tôi từng lo lắng rằng liệu mình có thể thực hiện được việc nghiên cứu tại Nhật hay không. Thế nhưng thầy đã dạy cho chúng tôi biết về tinh thần của Nhật Bản, điều đó đã khiến tôi rất đỗi ngạc nhiên và vô cùng cảm động. Những học viên mà tôi đã dạy cho đến giờ có thể chia làm 3 kiểu. Đầu tiên là kiểu học sinh ưu tú. Nói ngắn gọn thì đó là kiểu học sinh có thể tự giác học tập ngay cả khi vắng mặt giáo viên, nhưng năng lực giao tiếp không được tốt. Tuy nhiên khi được nói rằng ngôn ngữ cũng là thứ cần thiết thì họ sẽ dần tự trau dồi vốn tiếng Nhật hoặc tiếng Anh. Thứ 2 là kiểu học sinh không có mục tiêu học tập rõ ràng. Hầu hết họ đều không biết được nên học thế nào, do đó khi dạy tôi phải hướng dẫn chi tiết từng bước một. Thứ 3 là kiểu người lao động phổ thông vừa đi làm vừa học tiếng Nhật. Cách duy nhất để cải thiện khả năng của những học viên này là dạy họ các kỹ năng mềm, đặc biệt là xây dựng động lực học tập. Nhìn chung, giáo dục có một sức mạnh giúp cho  bất kì ai cũng có thể thay đổi. Hơn nữa, bản thân tôi cũng rất hạnh phúc khi nhìn thấy năng lực học sinh của mình được cải thiện.”

 

Ảnh chụp cô Trang cùng sinh viên tại Đại học Thăng Long

 

Phát triển ứng dụng kết nối trong tương lai

– Cô có điều gì muốn thực hiện trong tương lai không?

“Vì đang trong thời đại công nghệ số nên tôi rất có hứng thú với EdTech (Education × Technology hay Ứng dụng công nghệ trong giảng dạy) hay FabLab (Fabrication Laboratory hay Phòng thí nghiệm chế tạo). Tôi nghĩ sẽ rất tốt nếu có thể ứng dụng EdTech tại Việt Nam ngay từ cấp Tiểu học. Học sinh sẽ có thể tự do thí nghiệm tại FabLab, từ đó nhiều công ty start-up có thể ra đời. Tôi muốn được tham gia vào những môi trường như vậy. Bên cạnh đó, một điều liên quan trực tiếp đến công việc hiện tại của tôi là việc phát triển ứng dụng kết nối. Đó là ứng dụng thu thập và tạo ra một cơ sở dữ liệu chứa các thông tin như ở đâu đang có những trường học nào, nghiên cứu nào, doanh nghiệp nào, từ đó thực hiện kết nối trên nhiều lĩnh vực như giáo dục, ngôn ngữ, công nghệ – kỹ thuật, nhân lực, kinh doanh. Hiện tại có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản sẵn sàng trả một khoản tiền không nhỏ để thu thập thông tin tại Việt Nam, do đó tôi cảm thấy ứng dụng này sẽ rất hữu ích.”

Quả nhiên những suy nghĩ của cô đều mang ý nghĩa hướng tới thời đại mới. Đây cũng là lần đầu Ban Biên tập nghe đến FabLab, do đó chúng tôi đã tìm hiểu thêm về khái niệm này trên Internet. Mong rằng trong tương lai, chúng ta có thể vừa sống vừa cảm nhận được xã hội đang dần trở nên ngày một tiện nghi và đầy đủ hơn, nhờ những hoạt động kết nối mà cô Trang đang làm.

 

**********************

Nội dung bài viết đã được biên tập. Toàn bộ buổi phỏng vấn đều được thực hiện bằng tiếng Nhật. Hình ảnh sử dụng trong bài viết được cung cấp bởi cô Hứa Thùy Trang.

Nguồn tin tham khảo
Kyoto Startup Summer School (KS3) http://www.kyotostartupschool.org/

Twinning Program – Trường Đại học Công nghệ Nagaoka  https://www.nagaokaut.ac.jp/kokusai/kokusai_tenkai/twinning_program.html

GIGAKU Techno Park  https://www.nagaokaut.ac.jp/project/sgweb/techno.html

BK Holding http://www.bkholdings.com.vn/en/

Đơn vị phát hành:  Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam – Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản
Ngày phát hành:  Chủ nhật, ngày 20 tháng 6 năm 2021
Chỉ đạo:    ANDO Toshiki (Giám đốc)
Chấp bút・Biên tập KATAGIRI Junji (Chuyên gia tiếng Nhật Cấp cao)
Biên tập:    YAMADA Kiyomi (Điều phối viên)
  OSADA Asami (Điều phối viên)
Biên dịch bài viết:  Phạm Thị Thanh Thùy (Trợ lí chương trình)
  Nguyễn Thị Thùy Linh (Trợ lí chương trình)

 

Đăng ký email cập nhật

Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam

Văn phòng

Giờ mở cửa: 08:30 - 12:00/13:30-17:30 từ Thứ Hai đến Thứ Sáu
Đóng cửa: Các ngày thứ Bảy, Chủ Nhật và các ngày lễ

Thư Viện

Giờ mở cửa: 09:30 - 12:00/13:00-18:00 từ Thứ Ba đến Thứ Bảy
Đóng cửa: Các ngày Chủ Nhật, thứ Hai và các ngày lễ

Trung tâm Giao Lưu Văn Hóa Nhật Bản tại Việt Nam 2009 - 2024, all rights reserved.