logo
vi jp

TỪ BỎ GIẤC MƠ DU HỌC, MÓN QUÀ TẶNG BỐ MẸ LÀ NGÔI NHÀ

~Cuộc đời mưu sinh bằng tiếng Nhật~

Chia sẻ của cô Phạm Thị Phương – giáo viên tại Trung tâm Ngoại Ngữ 3Q

 

Tháng này, Ban Biên tập đã phỏng vấn cô Phạm Thị Phương – giáo viên tham gia Khóa Đào tạo Giáo viên tiếng Nhật mới lần thứ 3 được tổ chức vào năm 2019 và Học phần thực hành của Khóa Đào tạo (tổ chức từ ngày 19/12/2020 đến 24/1/2021) do Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức. Dưới đây là những chia sẻ của cô.

 

Ảnh chụp cô Phương trong tiệc Giáng Sinh tại nơi làm việc (Cung cấp ảnh: cô Phương)

 

Vốn tiếng Nhật học được tại Nhật Bản

– Cô bắt đầu học tiếng Nhật ở đâu và từ khi nào?

“Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi học tiếng Nhật trong vòng 3 tháng rưỡi tại một Công ty phái cử nhân lực, sau đó đến tỉnh Yamaguchi của Nhật Bản và làm việc trong 3 năm với tư cách thực tập sinh. Tôi làm việc trong ngành đúc nhựa, công việc là lắp ráp đường ống cho hệ thống cung cấp nước nóng. Khi vừa đến Nhật, tôi hầu như không hiểu được một chút tiếng Nhật nào nên một năm đầu ở Nhật thực sự rất khó khăn. Mọi người ở xưởng đã dùng cử chỉ hình thể và hình vẽ để giải thích cho tôi. Từng chút một tôi học được tiếng Nhật từ đồng nghiệp của mình, nhưng với mong muốn giao tiếp được với người Nhật, hàng ngày sau khi tan làm và ăn xong tôi đều học thêm bằng việc đọc sách giáo khoa hay xem TV. Hầu hết các ngày nghỉ tôi cũng dành thời gian cho việc học tiếng Nhật. Đặc biệt, tôi rất hay xem TV, tin tức, phim truyền hình cho dù không hiểu đi nữa.” Khi Ban Biên tập thắc mắc rằng cho dù không hiểu vẫn có thể học được sao, cô Phương trả lời: “Vì có phụ đề ở dưới nên tôi đã có thể vừa xem vừa luyện nghe, đồng thời ghi nhớ được chữ Hán.” Khi Ban Biên tập hỏi về chương trình yêu thích của bản thân, cô trả lời: “Thực ra, do không hiểu được hết nên tôi cũng không biết nó có thú vị hay không, tuy nhiên tôi vẫn cứ xem thôi (cười).”

 

May mắn khi có bạn bè người Nhật

– Cô cũng gặp nhiều khó khăn khi sinh sống tại Nhật Bản nhỉ?

“Từ năm thứ 2 trở đi, do vốn tiếng Nhật được cải thiện hơn nên cũng bớt khó khăn hơn phần nào. Mọi người ở công ty cũng như hàng xóm đều rất tốt bụng, họ thậm chí còn mang hoa quả đến cho tôi. Công ty còn tổ chức những chuyến du lịch dành cho nhân viên, chúng tôi được cùng nhau đi tắm biển, đi leo núi ngắm lá đỏ. Tôi đã rất ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của nước biển, màu lá đỏ rực rỡ của mùa thu. Nhật Bản để lại trong tôi rất nhiều ấn tượng tốt, nhưng điều tuyệt vời nhất vẫn là có được những người bạn người Nhật. Đặc biệt là cô gái làm việc cùng tôi tại xưởng, tuy nhỏ hơn tôi 3 tuổi nhưng cô ấy hiểu rõ về con người Việt Nam. Chính cô ấy là người đã hướng dẫn công việc cho tôi, trò chuyện với tôi khi biết tôi gặp rắc rối. Cô ấy còn là người dễ gần, thỉnh thoảng chúng tôi cũng đi ăn cùng nhau.”

 

Từng bước để trở thành người giáo viên tiếng Nhật

– Cô đã làm gì khi trở về Việt Nam?

“Tôi dạy tiếng Nhật tại Trung tâm ngoại ngữ của một công ty phái cử nhân lực trong khoảng 1 năm rưỡi. Khi mới tham gia giảng dạy, tôi không biết nên dạy như thế nào khi đứng lớp. Tuy nhiên, may mắn là học sinh của tôi rất có hứng thú với đất nước Nhật Bản, và bản thân tôi vừa từ Nhật về nên có rất nhiều điều để kể. Sau đó, tôi lập gia đình và bắt đầu làm việc tại Trung tâm Đào tạo Ngoại Ngữ 3Q hiện giờ. Tính đến nay tôi đã có 9 năm công tác tại Trung tâm, công việc của tôi là giảng dạy tiếng Nhật và phụ trách hành chính tổng hợp.” 

   Trung tâm Đào tạo Ngoại Ngữ 3Q là Trung tâm thuộc Công ty Cổ phần Thương Mại Tam Quy. Tam Quy nghĩa là 3 chữ Q – Quest, Quick, Quality với ý nghĩa nhanh chóng mang lại nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng với nhu cầu của khách hàng.

– Có phải cô đã chính thức được học về phương pháp giảng dạy khi làm giáo viên tại Trung tâm 3Q không?

“Đúng vậy. Trung tâm chúng tôi có khoảng 10 giáo viên, trong đó có 2 giáo viên là người Nhật. Đôi khi Trung tâm sẽ tổ chức những buổi tập huấn để các giáo viên có thể học được cách giảng dạy từ giáo viên người Nhật, hoặc thông qua những buổi dự giờ tiết học của những giáo viên khác. Đội ngũ giáo viên chúng tôi luôn suy nghĩ các cách truyền đạt tốt nhất để làm sao khơi dậy hứng thú học tập của học viên, rồi từ đó triển khai giờ học trên lớp. Đa số các học viên đang theo học tiếng Nhật ở đây đều là người đã đi làm, do đó sự quyết tâm cũng như khả năng tập trung của họ không được cao. Vì thế nên giáo viên phải thiết kế giờ học sao cho thú vị và dễ hiểu. Có thể buổi hôm nay dạy như thế này là ổn rồi, nhưng ngày hôm sau vẫn sẽ tiếp tục suy nghĩ các ý tưởng mới để thử nghiệm các phương pháp dạy tốt hơn.”

– Với 9 năm trong nghề, cũng như thường xuyên nghiên cứu phương pháp giảng dạy thông qua những buổi tập huấn tại công ty của mình, vậy tại sao cô chọn tham gia Khóa Đào tạo Giáo viên tiếng Nhật mới?

“Có 2 lý do, một là tôi muốn biết thêm về bộ giáo trình mới, hai là muốn học hỏi thêm về những phương pháp giảng dạy khác nữa. Tôi tham gia Khóa Đào tạo này không phải do nhận chỉ thị từ phía công ty. Khóa học được tổ chức vào thứ 7 hàng tuần nên khá vất vả, vì tôi vẫn phải làm việc và không hề có thời gian nghỉ, tuy nhiên tôi đã học hỏi được rất nhiều cách giảng dạy khác nhau.”

– Cô đã thu hoạch được những gì về giáo trình và phương pháp giảng dạy?

“Người học ở Việt Nam đa số tập trung vào ngữ pháp và Hán tự nên khả năng nghe hiểu không được tốt. Tôi thấy 2 bộ giáo trình “Marugoto – Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản” và “Irodori – Tiếng Nhật trong đời sống” có các tình huống hội thoại rất thú vị và dễ hiểu. Sách có nhiều bài luyện nghe nên người học có thể học từ vựng và cấu trúc ngữ pháp dựa trên ngữ cảnh, từ đó hứng thú với các bài học luyện nghe cũng đến một cách rất tự nhiên. Những giờ dạy có sử dụng 2 bộ giáo trình trên, hoàn toàn khác so với cách tôi vẫn thường dạy cho đến giờ, giáo viên sẽ để người học tư duy nhiều hơn và tự rút ra cấu trúc ngữ pháp. Nhờ vào việc tự mình tư duy trong quá trình học, người học cũng sẽ có thể giao tiếp một cách tự tin hơn. Tôi thấy đó là một phương pháp dạy rất hay, bản thân tôi cũng đang dần thay đổi sang cách dạy này. Dù đã tham gia Học phần thực hành của khóa đào tạo giáo viên, có một số học viên còn cần nhiều thời gian để quen được với phương pháp học này nên vẫn có chút khó khăn.”

 

Từ bỏ giấc mơ du học, xây nhà tặng bố mẹ

– Tuy đã có khoảng thời gian dài học tiếng Nhật tại Nhật Bản, tuy nhiên sau khi trở thành giáo viên cô vẫn tham gia vào Khóa bồi dưỡng Giáo viên. Cô thật sự yêu thích việc học vậy sao?

“Thực ra thì cũng không hẳn là như vậy. Tôi học chủ yếu là vì mục đích công việc. Kể từ năm ngoái, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số lượng người đến Nhật Bản đã giảm đi. Hiện tại các công ty phái cử nhân lực đều đang gặp rất nhiều khó khăn. Chính tôi cũng không biết công việc của mình trong tương lai sẽ đi đến đâu. Tuy nhiên dù cho có làm gì đi nữa thì năng lực tiếng Nhật vẫn là điều quan trọng nhất. Bản thân tôi sau khi tốt nghiệp cấp ba đã đi Nhật theo dạng thực tập sinh, sau khi trở về Việt Nam cũng đi làm luôn nên không có cơ hội học đại học. Tôi cũng nghĩ rằng nếu học đại học thì mình đã có thể học được thêm nhiều thứ. Thực ra thì tôi đã có ý định theo học đại học tại Nhật Bản bằng số tiền tích góp được trong khoảng thời gian làm việc tại Nhật. Tuy nhiên, khi ở Nhật, do công việc không mấy bận rộn nên tôi cũng không kiếm được nhiều tiền như tôi nghĩ. Khi về nước, tôi đã dùng toàn bộ số tiền dành dụm được để xây cho bố mẹ tôi một căn nhà, bởi vậy ngoài khoản đó ra tôi cũng không còn dư tiền nữa. Mặc dù chỉ là một căn nhà nhỏ, tôi vẫn thấy rất vui vì đã có thể báo đáp được công sinh thành của bố mẹ.”

-Bố mẹ của cô chắc hẳn cảm thấy rất vui đúng không?

“Quê tôi ở gần biển nên mỗi khi bão đến đều rất nguy hiểm. Trước đây, mỗi khi có bão chúng tôi đều phải di dời đến những nơi cao, những ngôi nhà kiên cố hay các khu lánh nạn. Vì thế tôi vẫn luôn mong muốn có được một ngôi nhà chắc chắn. Ban đầu, bố mẹ tôi phản đối việc xây nhà, nói rằng họ muốn tôi dùng những đồng tiền mình đã kiếm được cho chính bản thân mình. Khi đó, tôi nói rằng con sẽ tìm được việc nhanh thôi, bố mẹ đừng lo, và 1 tuần sau đó tôi đã tìm được công việc giáo viên tiếng Nhật tại Trung tâm ngoại ngữ. Nhờ đó mà bố mẹ tôi đã yên tâm và đồng ý việc xây nhà. Kể từ đó nhà tôi không cần lo lắng mỗi khi bão đến nữa, bố mẹ tôi cũng rất vui.”

 

Ảnh chụp bố mẹ của cô Phương tại căn nhà do cô xây tặng
(Cung cấp ảnh: cô Phương)

 

Sự trưởng thành của con cái – Mong ước của người mẹ

– Cô cảm thấy niềm vui khi học tiếng Nhật là gì?

“Đó là mình có thể truyền tải được những điều mình muốn nói. Tôi thấy rất vui khi được trao đổi, giao tiếp với người Nhật. Khi tham gia vào Học phần thực hành lần này, tôi hết sức ngạc nhiên trước mức độ thành thạo tiếng Nhật của các giáo viên trẻ. Điều đó khiến cho tôi thấy mình cần phải học tập nhiều hơn nữa.”

-Cô đã có kế hoạch gì trong tương lai chưa?

“Để xây một trường học thì rất khó, tuy nhiên tôi muốn dành ra một lớp học tại nhà và dạy cho các em học sinh tiểu học những điều về Nhật bản như văn hóa, cách chào hỏi, cách nói lời cảm ơn, xin lỗi. Con người khi trưởng thành rất khó để thay đổi, vì thế việc giáo dục từ khi còn nhỏ rất quan trọng. Hiện tại tôi đang có 2 con, cháu lớn 8 tuổi, cháu nhỏ 6 tuổi, và gia đình cũng sắp đón thêm em bé thứ 3. Cháu lớn 8 tuổi đã có thể nhớ được toàn bộ bảng chữ cái Hiragana và Katakana từ khi lên 4. Đó là nhờ vào việc tôi thường xuyên cho con chơi bằng các thẻ viết chữ Hiragana. Ngoài ra, do xem Doraemon nên cháu cũng dần dần nhớ được các từ tiếng Nhật. Hôm trước, khi tôi đang nghe phần luyện tập phát âm ở bộ giáo trình “Irodori” để chuẩn bị cho buổi Học phần thực hành, các cháu đã ngay lập tức bắt chước phát âm của những từ trong bài nghe. Trẻ em có một đôi tai rất nhạy. Tương lai, tôi muốn cho các con tôi đi du học tại Nhật Bản. Cho dù khả năng tài chính không đủ, tôi mong rằng chúng sẽ có thể du học bằng học bổng. Tôi thấy đó cũng là ước mơ của nhiều bậc làm mẹ.”

 Đến Nhật với tư cách thực tập sinh, sau khi về nước dùng số tiền tiết kiệm được xây nhà tặng bố mẹ, sử dụng vốn tiếng Nhật học được tại Nhật Bản làm giáo viên giảng dạy tiếng Nhật, lập gia đình, nuôi nấng con cái và truyền cho con giấc mơ du học Nhật Bản của bản thân, đó chính là câu chuyện của cô Phương. Mong rằng cô vẫn sẽ tiếp tục phát triển tiếng Nhật của mình trong công việc.

  Cuối cùng, dưới đây là thông điệp mà cô Phương muốn gửi gắm đến các thực tập sinh.

“Tôi muốn nhắn nhủ đôi lời đến các bạn thực tập sinh. Có phải mọi người đến Nhật với mục đích là để kiếm tiền? Tuy nhiên, cho dù có tiết kiệm được bao nhiêu đi chăng nữa thì sau khi về nước, lúc bạn muốn làm cái này, lúc lại thích làm cái kia, vì thế chỗ tiền đó rồi cũng sẽ dần bị tiêu hết. Các bạn hãy suy nghĩ kỹ lại một lần nữa mục đích của bản thân trước đi đến Nhật, rằng liệu có phải là vì tiền không, hay là vì tương lai của chính mình. Hơn nữa, hãy suy nghĩ trước rằng 3 năm sau, thậm chí 5 năm nữa, khi trở về Việt Nam, mình sẽ làm gì, ở đâu. Sau khi đến Nhật, hãy trau dồi kiến thức tiếng Nhật cũng như tác phong của người Nhật. Điều đó sẽ tăng khả năng tìm được công việc phát huy được những kinh nghiệm của bản thân sau khi về nước.”

 

*************************

Nội dung phỏng vấn trong bài viết đã được biên tập. Toàn bộ buổi phỏng vấn đều được thực hiện bằng tiếng Nhật. Ngoài ra, vào thời điểm bản thảo bài viết này được hoàn thành, Ban Biên tập nhận được tin cô Phương đã sinh hạ đứa con thứ 3 của mình. Xin chúc mừng cô và gia đình!

Đơn vị phát hành:  Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam – Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản
Ngày phát hành:  Thứ ba, ngày 20 tháng 4 năm 2021
Chỉ đạo:    ANDO Toshiki (Giám đốc)
Chấp bút・Biên tập KATAGIRI Junji (Chuyên gia tiếng Nhật Cấp cao)
Biên tập:    YAMADA Kiyomi (Điều phối viên)
  OSADA Asami (Điều phối viên)
Biên dịch bài viết:  Phạm Thị Thanh Thùy (Trợ lí chương trình)
  Nguyễn Thị Thùy Linh (Trợ lí chương trình)

 

Đăng ký email cập nhật

Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam

Văn phòng

Giờ mở cửa: 08:30 - 12:00/13:30-17:30 từ Thứ Hai đến Thứ Sáu
Đóng cửa: Các ngày thứ Bảy, Chủ Nhật và các ngày lễ

Thư Viện

Giờ mở cửa: 09:30 - 12:00/13:00-18:00 từ Thứ Ba đến Thứ Bảy
Đóng cửa: Các ngày Chủ Nhật, thứ Hai và các ngày lễ

Trung tâm Giao Lưu Văn Hóa Nhật Bản tại Việt Nam 2009 - 2025, all rights reserved.