logo
vi jp

KHƠI DẬY TÌNH YÊU TIẾNG NHẬT TRONG LÒNG HỌC SINH

~Cô Lê Thúy Nga – Giáo viên THCS~

 

 

Mối duyên giữa cô Thúy Nga và tiếng Nhật bắt đầu vào 20 năm trước khi chồng cô sang Nhật Bản theo đuổi con đường học vấn lấy bằng tiến sĩ. Hiện tại, cô vừa dạy tiếng Nhật và tiếng Anh tại một trường THCS, vừa mở lớp dạy tiếng và điều hành công ty tư vấn du học. Ngoài ra, cô còn đảm nhận vai trò cố vấn mảng giáo dục tiếng Nhật cho một trường THCS khác. Trong tạp chí số lần này, Ban biên tập sẽ trò chuyện để lắng nghe cô chia sẻ về những giờ học tiếng Nhật cùng các em học sinh cấp Hai của cô.

 

Việc yêu thích tiếng Nhật rất quan trọng

– Khi dạy tiếng Nhật, cô chú trọng đến những điều gì?

Một điều tôi luôn tâm niệm trong quá trình giảng dạy tiếng Nhật, đó là bên cạnh kiến thức về ngôn ngữ, mình cần phải truyền đạt đến các em học sinh tác phong, cách ứng xử của người Nhật cũng như văn hóa, tình hình đương thời của nước Nhật.

Đồng thời, tôi thường tổ chức kết hợp bài hát, trò chơi vào giờ học để các em học sinh có thể ghi nhớ từ vựng một cách dễ dàng và vui vẻ. Tôi tin rằng điều quan trọng nhất là giúp các em yêu thích và nuôi dưỡng niềm đam mê với tiếng Nhật.

 

Điều chỉnh phù hợp với học sinh từng khối lớp

– Cô có thể chia sẻ một số phương pháp mà cô thường áp dụng?

Học sinh lớp 6 chỉ mới học bảng chữ cái Hiragana (chữ mềm) và Katakana (chữ cứng), vì vậy tôi thường tổ chức các hoạt động sử dụng thẻ từ vựng, chơi trò chơi, hát những bài hát tiếng Nhật như “Dưới bóng cây hạt dẻ to lớn (Okina kuri no ki no shita de)”, “Heo con, lửng, cáo và mèo (Kobutanukitsuneko)”, “Cùng tạo hình với kéo búa bao (Gu choki pa de nani tsukuro)” để các em vừa chơi vừa học. Nhờ đó, tinh thần học tập của các em đều rất hào hứng, sôi nổi.

Học sinh lớp 7 và lớp 8 đã hiểu được một chút tiếng Nhật nên tôi vừa dạy ngữ pháp trong sách giáo khoa vừa tổ chức các trò chơi liên quan đến giao tiếp. Ngoài ra, tôi cũng áp dụng trò chơi, thẻ từ vựng trong việc dạy Kanji (chữ Hán).

 

– Đối với học sinh lớp 9, bí quyết của cô là gì?

Khó khăn là với các em lớp 9. Các em phải tham gia kỳ thi chuyển cấp nhưng mỗi lớp chỉ có hai đến ba em lựa chọn môn thi tiếng Nhật. Ngoài những học sinh đó ra, các em khác dần mất động lực học. Vì vậy, trong những giờ học, bên cạnh việc truyền tải kiến thức, tôi cũng thường tìm cơ hội để chia sẻ với các em về văn hóa, đất nước cũng như những tin tức về Nhật Bản.

Ví dụ, chúng tôi sẽ vừa học bài vừa trao đổi về cách nước Nhật trải qua mùa đông, chào đón năm mới, giới thiệu về manga (truyện tranh), anime (phim hoạt hình). Có lúc mọi người sẽ cùng nhau xem phim, chương trình truyền hình Nhật Bản và thảo luận về cách suy nghĩ của người Nhật.

Tổ chức giờ học nấu ăn cũng là một hoạt động thường xuyên. Đây là giờ học rất được các em học sinh háo hức mong chờ. Trong khi học cách chế biến các món ăn của Nhật như Yakisoba (mì xào), Okonomiyaki (bánh xèo), các em cũng sẽ học được những từ vựng liên quan. Cuối cùng sau mỗi giờ học, các em sẽ viết đoạn văn trình bày về cảm nhận của mình. Đối với mỗi khối lớp tôi cố gắng tìm ra những hoạt động phù hợp để tăng sự hứng thú và niềm yêu thích của các em với việc học tiếng Nhật.

 

 

 

Để học sinh có thể tự mình học lại tiếng Nhật bất cứ khi nào các em cần

– Theo cô, tại sao việc nuôi dưỡng tình yêu với tiếng Nhật lại là điều quan trọng đối với các em học sinh THCS?

Trong số các học sinh học tiếng Nhật ở THCS, có nhiều em sẽ không tiếp tục học tiếng Nhật khi lên THPT. Do đó, khó tránh khỏi các em sẽ quên kiến thức. Tuy nhiên, nếu những giờ học tiếng Nhật để lại ấn tượng tốt đẹp và trong lòng có sẵn một tình yêu thì các em có thể tự bắt đầu học lại bất cứ khi nào muốn. Đó là lý do tại sao, đặc biệt là giai đoạn cấp Hai, bên cạnh kiến thức thuần túy, chúng ta còn cần ươm mầm và vun đắp niềm yêu thích của các em. Yêu đất nước, yêu con người Nhật Bản, yêu tiếng Nhật mới là điều thực sự quan trọng.

 

– Và cuối cùng hy vọng cô có thể gửi gắm đến các thầy cô đang dạy tiếng Nhật đôi lời.

Tôi nghĩ việc dạy tiếng Nhật cho học sinh cấp Hai, cấp Ba không phải là một điều dễ dàng. Nhưng nếu chúng ta dụng tâm một chút, kết hợp các bài hát tiếng Nhật, những nét văn hóa đặc sắc và xu hướng đang thịnh hành vào lớp học của mình. Đồng thời vừa tương tác vừa giảng dạy, tôi chắc rằng đó sẽ là một giờ học vô cùng thú vị. Mong rằng các thầy cô sẽ luôn cố gắng để giúp các em nhỏ cảm nhận được niềm vui học tiếng Nhật.

 

********************** 

Toàn bộ bài phỏng vấn được thực hiện bằng tiếng Nhật. Nội dung bài viết đã được biên tập lại.
Hình ảnh sử dụng trong bài viết được cung cấp bởi nhân vật.

Đơn vị phát hành:  

Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam – Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản  

Ngày phát hành:   

Thứ Ba, ngày 20 tháng 2 năm 2024

Chấp bút:  

TSUZAKI Chihiro (Chuyên gia tiếng Nhật)  

Biên tập:  

   

FUJINAGA Kaoru (Chuyên gia tiếng Nhật cấp cao)  
IKOMA Miho (Giáo viên tiếng Nhật)  
FUJIMURA Haruna (Giáo viên tiếng Nhật)  
TSUCHIYA Risa (Nhân viên phụ trách mảng Tiếng Nhật)  

Biên dịch bài viết :  

Nguyễn Phúc An (Trợ lí chương trình)  
Nguyễn Thị Bình (Trợ lí chương trình) 

Đăng ký email cập nhật

Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam

Văn phòng

Giờ mở cửa: 08:30 - 12:00/13:30-17:30 từ Thứ Hai đến Thứ Sáu
Đóng cửa: Các ngày thứ Bảy, Chủ Nhật và các ngày lễ

Thư Viện

Giờ mở cửa: 09:30 - 12:00/13:00-18:00 từ Thứ Ba đến Thứ Bảy
Đóng cửa: Các ngày Chủ Nhật, thứ Hai và các ngày lễ

Trung tâm Giao Lưu Văn Hóa Nhật Bản tại Việt Nam 2009 - 2024, all rights reserved.