logo
vi jp

TÌM HIỂU VỀ ĐẤT NƯỚC NHẬT BẢN THÔNG QUA NGÀNH QUẢN TRỊ KINH DOANH

Trịnh Thúy Hường – Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng

 

Cô Thúy Hường vừa tham gia công tác đào tạo tiếng Nhật, đồng thời vừa nghiên cứu về ngành quản trị kinh doanh. Cô đã trải qua khoảng thời gian khó khăn trong hai năm đầu học tiếng Nhật. Hôm nay, cô Hường sẽ chia sẻ với chúng ta về bí quyết để đứng thứ nhất trong kỳ thi năng lực tiếng Nhật được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, cũng như về sự khác biệt giữa các quốc gia thông qua lăng kính ngành học quản trị kinh doanh.

 

 

Mỗi ngày đều nghe đài phát thanh
― Cô bắt đầu học tiếng Nhật từ khi nào vậy?
“Tiếng Nga là ngoại ngữ bắt buộc trong chương trình học nên tôi đã phải học trong vòng hơn 10 năm từ thời tiểu học, và tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học bằng chính tiếng Nga. Đúng vào thời điểm đó, Liên Xô cũ sụp đổ, vì vậy ở đại học tôi được tự do lựa chọn một trong năm thứ tiếng bao gồm: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung và tiếng Nhật. Tôi chọn tiếng Nhật một phần bởi vì tôi đã học tiếng Nga trong suốt thời gian dài, còn tiếng Anh thì có thể học ở bất cứ đâu, phần còn lại là vì tò mò. Lúc đó chưa có nhiều người biết tiếng Nhật nên tôi muốn thử chứ không hẳn vì yêu thích anime (phim hoạt hình) hay văn hóa Nhật Bản. Do đó, tôi đã học tiếng Nhật bên cạnh ngành ngoại thương tại Đại học Ngoại thương Hà Nội.”

 

Cô đã có thể nói tiếng Nhật ngay lúc đó chưa?
“Tôi đã học và luyện tập rất nhiều nhưng chỉ học trên trường thôi thì vẫn không sử dụng được tiếng Nhật trong thực tế. Hồi đó, Internet chưa phổ biến, có rất ít giáo viên người bản địa, và tài liệu học tập cũng không có nhiều, do đó môi trường để học hỏi tương đối hạn chế. Tôi mất khoảng hai năm đầu chỉ để học chữ cái và những  ngữ pháp cơ bản, nhưng khi sang tới năm ba, tôi đã có kiến thức ở một mức độ nhất định để có thể nói chuyện, từ đó tôi bắt đầu nhận ra sự thú vị của việc học tiếng Nhật. Cũng trong khoảng thời gian đó, tôi được tặng một chiếc đài, và nó bắt được sóng của kênh NHK WORLD, vì vậy tôi đã nghe đài mỗi ngày, có khi còn nghe suốt cả tám tiếng từ lúc ở trường về cho đến tối lúc đi ngủ cũng cứ mở đài để nghe.

 

Cô đã nghe những chương trình nào ?
“Chương trình mà tôi nghe nhiều nhất là chương trình tin tức lúc 10 giờ tối theo giờ Nhật Bản và 8 giờ tối theo giờ Việt Nam. Sau mỗi một tiếng cũng có những chương trình tin tức dài khoảng 5 phút, nhưng chương trình mà tôi hay nghe thường kéo dài 45 phút nên tôi có thể nghe rất nhiều tin tức và bình luận khác nhau. Tôi thích nghe chương trình đó nhất vì tôi có thể nghe được tiếng Nhật chuẩn, giọng phát âm của phát thanh viên cũng rất hay và rõ ràng.”
“Ngoài ra còn có chương trình ‘Radio shinyabin’ (‘Lá thư phát thanh đêm khuya’), nơi phát thanh viên sẽ hỏi chuyện người dân ở các địa phương về cuộc sống hàng ngày của họ, chẳng hạn như ‘Hôm nay ở đó có điều gì thú vị không?’ hay ‘Bầu trời đầy sao hôm nay thật đẹp’, và khác với tin tức, chương trình này đem đến những câu chuyện rất nhẹ nhàng, tôi học được rất nhiều mẫu câu tiếng Nhật được dùng trong cuộc sống thường ngày. Nghe đài đã trở thành một phần trong cuộc sống của tôi, ngay cả khi đã tốt nghiệp đại học. Thậm chí khi ra ngoài đi ăn uống cùng mọi người sau giờ làm việc, tôi cũng cố gắng về sớm cho kịp nghe bản tin lúc 8 giờ theo giờ Việt Nam. Thỉnh thoảng mọi người cũng giận tôi vì đã bỏ về sớm (cười).”

 

Việc nghe đài đã giúp ích như thế nào cho việc học tiếng Nhật của cô ạ?
“Việc nghe nhiều đã khiến tôi vô thức bật ra từ miệng những từ tiếng Nhật mà mình nghe được. Và đến một thời điểm, bất giác tôi chợt nhận ra trật tự từ giữa tiếng Nhật và tiếng Việt khác nhau nên tôi bắt đầu nắm bắt được cảm giác về cấu trúc câu, ví dụ như khi nói tiếng Nhật ta nên bắt đầu từ phía cuối của câu trong tiếng Việt và điều này giúp việc nói tiếng Nhật trở nên dễ dàng. Ở thời khắc đó, tôi cảm thấy như có kỳ tích đã xảy ra.”
“Sau khi đi làm, tôi đã đăng ký tham gia kì thi năng lực tiếng Nhật và đã đỗ JLPT N1, xếp hạng nhất ở địa điểm thi thành phố Hồ Chí Minh tại Việt Nam. Năm sau đó, tôi thi J.TEST (Kỳ thi năng lực tiếng Nhật thực hành), đạt mức độ Chuẩn A và được xếp hạng 35 thế giới trong số những người cùng thi. Từ kinh nghiệm này, tôi tin rằng kỹ năng nghe là rất quan trọng, và nếu bạn có đôi tai tốt, bạn sẽ nói được.”

 

Vậy là khả năng tiếng Nhật của cô cải thiện phần lớn nhờ vào việc nghe đài đúng không ạ?
“Việc nghe đài đóng góp phần lớn vào việc phát triển kỹ năng tiếng Nhật của tôi, tuy nhiên tôi nghĩ một phần cũng quan trọng không kém là những kiến thức, kinh nghiệm tôi tích lũy được trong quá trình làm việc thực tế tại doanh nghiệp Nhật Bản. Sau một, hai năm làm việc, tôi bắt đầu tự tin sử dụng tiếng Nhật trong công việc và tiếng Nhật đã trở thành một phần trong tôi.”

 

 

Trở thành giáo viên dạy tiếng Nhật
― Lý do nào đã khiến cô quay lại trường đại học để giảng dạy?
“Năm năm làm việc trong doanh nghiệp Nhật Bản, tôi nhận thấy có quá nhiều sự khác biệt trong cách làm việc của người Nhật và người Việt, do đó tôi bắt đầu quan tâm đến những vấn đề khác ngoài tiếng Nhật, đến lý do tại sao lại có những khác biệt như vậy và làm sao để nâng cao hiệu suất làm việc. Ngay khi đang nghĩ tới việc tìm một nơi có thể nghiên cứu những vấn đề đó thì tôi nghe nói rằng cơ sở II trong thành phố Hồ Chí Minh của Đại học Ngoại thương Hà Nội, trường cũ của tôi, sẽ bắt đầu đưa tiếng Nhật vào giảng dạy. Để nghiên cứu về quản trị kinh doanh tại trường đại học, tôi phải đảm nhận cả công tác giảng dạy, vì vậy tôi quyết định dạy tiếng Nhật với tư cách là một giảng viên.”

 

― Khi bắt đầu giảng dạy tiếng Nhật, cô cảm thấy như thế nào?
“Tôi đã cố gắng chỉ cho học sinh của mình những điều tôi cho là thực sự tốt trong khi học tiếng Nhật, nhưng không học sinh nào đã có thể làm theo được. Giống như khi tôi còn là sinh viên, các em cũng phải trải qua giai đoạn khó khăn của năm thứ nhất và thứ hai. Tuy nhiên, hiện nay Internet rất phổ biến, có giáo viên tình nguyện người Nhật và rất nhiều các tổ chức khác hỗ trợ cho việc học tiếng Nhật. Mặc dù vậy, cho đến lúc tốt nghiệp thì sinh viên lớp tiếng Nhật có khi chỉ còn lại khoảng một phần ba. Vậy nên, tôi nghĩ năm thứ nhất, năm thứ hai là thời điểm vô cùng quan trọng.

 

Nghe nói rằng cô đã tham gia vào việc xuất bản bản tiếng Việt của Từ điển mẫu câu tiếng Nhật dành cho giáo viên và học viên  (Nhóm Jammassy biên soạn). Quá trình dịch thuật đã diễn ra như thế nào?
“Việc xuất bản từ điển này nằm trong chuỗi dự án xuất bản tại 6 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Các thành viên trong nhóm dịch đến từ các trường đại học tại thành phố Hồ Chí Minh có khoa tiếng Nhật và một thành viên còn lại thuộc Đại học Tsukuba. Vào thời điểm đó, tôi đang phụ trách quản lý khoa tiếng Nhật, vì vậy tôi tham gia với tư cách là đại diện cho trường đại học mà mình đang giảng dạy. Cuốn từ điển khá dày, vì vậy trước hết, chúng tôi tách thành từng phần rồi chia cho các thành viên dịch. Sau đó, mỗi tháng một lần, chúng tôi gặp nhau để trao đổi về bản dịch, nhưng việc thảo luận gặp khá nhiều khó khăn, một phần vì cùng một từ tiếng Nhật nhưng mỗi người lại có cách hiểu khác nhau, rất khó để thống nhất về việc nên dùng theo ý nghĩa nào. Sau đó, tôi sang Nhật Bản học lên cao học, nhưng vẫn tiếp tục tham gia cùng mọi người thông qua hình thức online. Tiếp theo, tôi cùng thầy Murakami Yutaro của Đại học Tsukuba hoàn thành công tác biên tập, và cuối cùng cuốn từ điển đã được xuất bản. Tôi rất vui nếu cuốn từ điển có thể giúp ích phần nào cho những người học tiếng Nhật tại Việt Nam.”

 

 

Tôi muốn lan tỏa hoạt động nghiên cứu về lĩnh vực quản trị kinh doanh kiểu Nhật Bản
― Mục tiêu trong tương lai của cô là gì, cô có thể chia sẻ cho chúng tôi cùng độc giả được biết không?
“Sau khi lấy bằng tiến sĩ, tôi nhận được lời mời của Đại học Kinh tế Đà Nẵng và đã giảng dạy môn Kinh doanh quốc tế tại khoa Kinh doanh quốc tế. Do ảnh hưởng của dịch Covid 19 nên các tiết học được dạy online, bây giờ tôi đã rời Đà Nẵng, nhưng sắp tới tôi muốn quay trở lại. Ngoài ra, nếu tôi tiếp tục dạy tiếng Nhật, tôi muốn dạy theo một phương pháp phù hợp hơn. Từ khi còn là sinh viên, tôi đã không chỉ học tiếng Nhật, mà thông qua việc học tiếng Nhật tôi muốn tìm hiểu về đất nước Nhật Bản. Trong tương lai tôi vẫn muốn tiếp tục hành trình đó của mình.”

 

Còn những mục tiêu khác ngoài tiếng Nhật thì sao ạ?
“Tôi muốn đưa phương thức quản trị kinh doanh của Nhật Bản trở thành một ngành học thuật tại Việt Nam. Trong quản trị kinh doanh, có 2 trường phái chính là: quản trị kiểu Mỹ và quản trị kiểu Đức, nhưng kể từ những năm 1980, quản trị kinh doanh kiểu Nhật Bản đã trở thành một xu hướng chủ đạo mới. Có thể giải thích ngắn gọn về sự khác biệt giữa 3 phương thức này bằng việc đặt ra câu hỏi “Ai là chủ của doanh nghiệp?”. Người Mỹ sẽ trả lời rằng doanh nghiệp là của các cổ đông, người Đức sẽ nói nó thuộc về nhân viên, còn với người Nhật, tôi nghĩ nhiều người sẽ trả lời rằng chủ doanh nghiệp là các đối tác kinh doanh. Nói cách khác, trong quản lý của Mỹ, ưu tiên hàng đầu là lợi nhuận, trong quản lý của Đức, người ta quan tâm tới phúc lợi của nhân viên và ý kiến của công đoàn luôn được lắng nghe. Mặt khác, tại Nhật Bản, các doanh nghiệp sẽ thường nắm giữ cổ phần lẫn nhau, do đó, có sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và tiếng nói của hiệp hội các doanh nghiệp có một sức ảnh hưởng nhất định lên chính phủ. Trong khi đó, ở Việt Nam chưa có sự liên kết giữa các doanh nghiệp, và các doanh nghiệp thường hoạt động một cách rời rạc, riêng rẽ. Phương thức quản trị kinh doanh kiểu Nhật chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam nên ước mơ của tôi là vừa giảng dạy về lý thuyết tại trường đại học, vừa thực hiện các hội thảo khoa học để khuyến khích nghiên cứu về đề tài này tại Việt Nam. Tôi muốn tìm hiểu sâu hơn về không chỉ tiếng Nhật mà còn về đất nước Nhật Bản và đưa nó đến gần hơn với Việt Nam.”

Từ bí quyết nghe radio mỗi ngày để nâng cao tiếng Nhật cho đến việc nghiên cứu về phương thức quản trị kinh doanh Nhật Bản, các câu chuyện của cô Hường vô cùng thú vị khiến chúng ta có cảm giác như đang dự thính một giờ học. Rất mong các bạn độc giả có quan tâm hãy tìm hiểu về phương thức quản trị kinh doanh kiểu Nhật nhé.

 

**********************

 

Nội dung bài viết đã được biên tập lại. Toàn bộ bài phỏng vấn đều được thực hiện bằng tiếng Nhật.
Hình ảnh sử dụng trong bài viết được cung cấp bởi nhân vật.

Đơn vị phát hành: Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam – Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản
Ngày phát hành:  Thứ Hai, ngày 20 tháng 02 năm 2023
Chấp bút・Biên tập: KUBO Aki (Giáo viên tiếng Nhật)
Biên tập: FUJINAGA Kaoru (Chuyên gia tiếng Nhật cấp cao)

 

YAMAMURA Yoko (Trợ lí Giám đốc Trung tâm)
TSUCHIYA Risa (Nhân viên phụ trách mảng Tiếng Nhật)

Biên dịch bài viết :

Nguyễn Thanh Phương Thảo (Trợ lí chương trình)
Nguyễn Thị Bình (Trợ lí chương trình)

Đăng ký email cập nhật

Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam

Văn phòng

Giờ mở cửa: 08:30 - 12:00/13:30-17:30 từ Thứ Hai đến Thứ Sáu
Đóng cửa: Các ngày thứ Bảy, Chủ Nhật và các ngày lễ

Thư Viện

Giờ mở cửa: 09:30 - 12:00/13:00-18:00 từ Thứ Ba đến Thứ Bảy
Đóng cửa: Các ngày Chủ Nhật, thứ Hai và các ngày lễ

Trung tâm Giao Lưu Văn Hóa Nhật Bản tại Việt Nam 2009 - 2024, all rights reserved.