logo
vi jp

KHỞI ĐẦU TỪ CHIẾC BẢNG ĐEN BỐ MẸ MUA TẶNG

Cô Lâm Thị Sang – Hiệu trưởng Trung tâm Nhật ngữ Đông Du Hà Nội

 

Vào năm lớp 11, cô Sang đã được nghe một đàn anh khóa trên chia sẻ về cuộc sống du học tại Nhật Bản, điều đó đã khơi dậy trong cô niềm hứng thú với đất nước Nhật Bản cũng như với Trung tâm Nhật ngữ Đông Du. Sau đó, cô đã theo học tiếng Nhật tại Đông Du và sang Nhật du học. Sau đây là những chia sẻ của cô về phương pháp học tiếng Nhật độc đáo, cùng những trải nghiệm khi du học tại Nhật cũng như quá trình gây dựng nên Trung tâm Nhật ngữ Đông Du Hà Nội.

 

 

Niềm hâm mộ đối với đàn anh khóa trên có khả năng tự lập trong cuộc sống

– Cơ duyên nào đã đưa cô đến với tiêng Nhật?

“Khi tôi còn là học sinh lớp 11, có lần có một đàn anh khóa trên là du học sinh tại Nhật đã đến thăm lớp tôi. Anh ấy đã chia sẻ với chúng tôi rất nhiều điều về việc học tập tại trường đại học của Nhật, về cuộc sống sinh hoạt, công việc làm thêm,… Anh ấy đến Nhật Bản du học sau khi theo học tiếng Nhật tại Trung tâm Nhật ngữ Đông Du tại Thành phố Hồ Chí Minh. Lúc bấy giờ, đa số sinh viên tại Việt Nam đều xin tiền học từ bố mẹ, tuy nhiên, bằng tiền học bổng và khoản tiền lương làm thêm, nên dù sang nước ngoài du học anh ấy vẫn có thể tự mình trang trải cuộc sống mà không cần đến sự hỗ trợ của bố mẹ. Tôi cảm thấy vô cùng ngưỡng mộ khả năng tự lập của anh ấy, đồng thời bắt đầu cảm thấy hứng thú với đất nước Nhật Bản. Ước mơ được sang Nhật Bản du học của tôi đã được nhen nhóm từ khi ấy. Sau khi tốt nghiệp cấp ba, tôi lên đường đến thành phố Hồ Chí Minh và theo học tiếng Nhật tại Trung tâm Nhật ngữ Đông Du. Sau nửa năm học tiếng Nhật tại đó, tôi đã đỗ chương trình du học NIFEE của trường Đại học Shizuoka. Tôi tiếp tục học tiếng Nhật trong vòng nửa năm nữa, đến năm 2011, tôi sang Nhật nhập học và chính thức trở thành sinh viên Khoa Kỹ thuật trường Đại học Shizuoka.” NIFEE (viết tắt của National InterFacting Engineers Education) là chương trình hướng tới đối tượng là các du học sinh của Khoa Kỹ thuật công nghiệp trường Đại hoc Shizuoka, sinh viên tham gia chương trình ngoài việc theo học các kiến thức về khoa học kỹ thuật sẽ được trau dồi thêm về ngôn ngữ cũng như văn hóa Nhật Bản. Hiện tại, tên chương trình được đổi thành ABP (Asia Bridge Program), hướng tới mục tiêu góp phần thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa của tỉnh Shizuoka cũng như của ngành công nghiệp tỉnh, trường Đại học Shizuoka đã tiến hành liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh nhằm đào tạo ra những sinh viên ưu tú đến từ các nước châu Á như Việt Nam.

 

Quá trình trở thành sinh viên Khoa Kỹ thuật công nghiệp trường Đại học Shizuoka

– Có phải chuyên ngành mà cô theo học thuộc khối khoa học tự nhiên không?

“Tôi vốn là học sinh lớp chuyên Hóa của Trường THPT chuyên Lam Sơn – tỉnh Thanh Hóa. Bài thi đầu vào của Khoa Kỹ thuật bao gồm các phần thi tiếng Nhật, Toán, Vật lý, Hóa học và tiếng Anh nên tôi đã có thể đạt đủ điều kiện tham gia chương trình NIFEE. Tôi đã vượt qua được bài thi môn tiếng Nhật nhờ vào phương pháp học tại Đông Du. Dù chỉ học tiếng Nhật trong vỏn vẹn sáu tháng tuy chưa thể giao tiếp được nhiều nhưng tôi có thể đọc hiểu đề và vận dụng kiến thức được học tại trường cấp ba để làm các phần thi Toán, Lý, Hóa. Ngoài ra, cũng một phần là bởi đa số các câu hỏi trong đề đều là dạng trắc nghiệm và dạng trả lời đáp án bằng chữ số.”

– Cô có thể chia sẻ thêm về phương pháp học tập tại Trung tâm Nhật ngữ Đông Du không?

“Khóa học tôi đã tham gia là khóa học dành cho đối tượng có mong muốn đi du học, được xây dựng với mục tiêu trang bị đầy đủ kiến thức để học viên có thể thi vào đại học, do đó phương pháp dạy học tập trung vào kỹ năng đọc hiểu. Chính vì thế nên chữ Hán là phần kiến thức quan trọng nhất. Tại Đông Du, trong 1 ngày học viên cần học thuộc 100 chữ Hán. Ban đầu, kiến thức được dạy không phải cách đọc của từ tiếng Nhật mà là phiên âm Hán Việt của chữ, bởi khi đọc được âm Hán Việt thì sẽ lập tức suy ra được nghĩa của chữ. Vì yêu cầu chỉ cần hiểu nghĩa của chữ nên trong một ngày hoàn toàn có thể học thuộc được 100 chữ Hán. Với cách học đó, trong 1 tháng học viên sẽ học được 2000 chữ Hán. Khi đó, mỗi buổi sáng tôi đều trong trạng thái tay cầm sách, miệng đọc thuộc âm Hán Việt của 100, 200 chữ Hán, ngày qua ngày lặp đi lặp lại. Khi tích lũy được một lượng chữ Hán nhất định, ta sẽ có thể phán đoán được nghĩa của những từ ta thậm chí chưa từng học. Ví dụ, ta có thể hiểu được nghĩa của những từ có chữ Hán liên quan với nhau như học sinh, sinh hoạt, hoạt động. Từ việc phán đoán được nghĩa của từ, ta cũng có thể suy ra được nghĩa của câu, từ đó có thể đọc và hiểu được nội dung được ghi trong sách.”
Trung tâm Nhật ngữ Đông Du được thành lập vào năm 1991 bởi thầy hiệu trưởng Nguyễn Đức Hòe. “Đông Du” nghĩa là “di chuyển về hướng Đông”, mang hàm ý “đến phương Đông học tập”, ở đây có nghĩa là “đến Nhật Bản học tập”. Trung tâm được thành lập trên tinh thần kế thừa tư tưởng của Phong trào Đông Du khởi xướng vào đầu thế kỷ 20 tại Việt Nam.

 

Nghiên cứu về cắt gọt sắt nguyên chất

– Cô đã học những gì tại trường Đại học Shizuoka?

“Tôi nhập học vào tháng 10, ôn tập lại tiếng Nhật và kiến thức cấp ba trong vòng nửa năm, sau đó bắt đầu học theo lớp chuyên ngành vào tháng 4 năm kế tiếp. Tôi học chung với các bạn sinh viên người Nhật vào 3 năm tiếp theo. Trong nửa năm cuối của 3 năm học chung đó, tôi vừa học để hoàn thành tín chỉ, vừa xin vào phòng nghiên cứu để bắt đầu đề tài nghiên cứu của mình. Nửa năm cuối cùng tại trường đại học tôi tập trung nghiên cứu và viết luận văn tốt nghiệp. Khoảng thời gian đầu, do không nghe hiểu được lời giảng tiếng Nhật trên lớp nên tôi gặp phải khá nhiều khó khăn. Vì thế, tôi đã áp dụng lại phương pháp học tại Đông Du để đọc sách, chuẩn bị bài và ôn lại các bài học. Nhờ đó, dần dần tôi đã có thể nghe hiểu được bài giảng. Đề tài luận văn tốt nghiệp của tôi là về sắt nguyên chất.” Khi Ban Biên tập đặt câu hỏi “Sắt nguyên chất là gì vậy?”, cô giải thích: “Sắt nguyên chất là sắt có độ tinh khiết trong thành phần đạt tới 99.99%.

Nghiên cứu của tôi xoay quanh những vấn đề về khó khăn gặp phải khi cắt gọt, độ bền dụng cụ cắt hay vụn cắt thải ra. Sắt nguyên chất được sử dụng trong các linh kiện của bộ truyền động trong xe hơi.” Bộ truyền động như cô giải thích, là một loại thiết bị có nhiệm vụ chuyển đổi năng lượng thành chuyển động cơ học giúp xe có thể di chuyển. Khi được Ban Biên tập hỏi rằng “Cô có thấy đề tài đó thú vị không?”, cô Sang trả lời: “Đó là đề tài của một doanh nghiệp ủy thác cho giáo viên hướng dẫn, tuy bản thân chưa thể đưa ra hướng giải quyết triệt để cho vấn đề đó nhưng tôi thấy nếu có thể giải quyết được thì sẽ mang lại nhiều lợi ích thực tế.”

 

Thân thiết với chị cùng làm ở quán nhậu

– Cô cảm thấy thế nào về cuộc sống tại Nhật Bản?

“Tôi thấy rất vui. Tôi ở trong ký túc của trường vào năm đầu tiên, sau đó chuyển ra ngoài từ năm thứ 2. Vì được miễn giảm học phí 4 năm, nửa năm học đầu tiên được nhận học bổng hỗ trợ của JASSO, sau đó còn được nhận thêm học bổng khác nên đời sống kinh tế của tôi không gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, sau khi đến Nhật nửa năm, tôi đã đi làm thêm trong khoảng 2 năm rưỡi. Vì yêu thích nấu nướng nên tôi đã làm phụ bếp tại quán nhậu và cũng từng làm phụ quầy tại quán ramen. Trong thời gian làm thêm tại quán nhậu, tôi phụ trách làm salad, tuy nhiên tôi cũng phụ làm thêm các món khác. Khi đó tôi đã dần kết thân với chị phụ trách chính trong bếp và được chị ấy chỉ bảo rất nhiều điều. Chị ấy lớn hơn tôi khoảng 4 tuổi, vào cuối tuần chúng tôi thường cùng nhau đi mua sắm, nấu các món ăn Việt Nam hoặc Nhật Bản, và đi thăm thú rất nhiều nơi.”

 

 

Buổi hẹn hò đầu tiên cùng đàn anh tại Hakone!

– Chắc hẳn là cô cũng đã đi du lịch nhiều nơi trong thời gian ở Nhật.

“Shizuoka là nơi có khí hậu ôn hòa. Tôi đã nhiều lần đi cắm trại tại khu vực hồ gần núi Phú Sĩ. Ngoài ra, tôi cũng đến nhiều nơi khác du lịch như Nagoya, Kyoto, Osaka, Hakone hay Morioka,…” Khi được hỏi về nơi bản thân ấn tượng nhất, cô Sang ngay lập tức trả lời:
“Là Hakone”. Sau đó, cô chia sẻ thêm: “Tôi đã có buổi hẹn hò đầu tiên tại Hakone, đối phương chính là đàn anh khóa trên đã chia sẻ kinh nghiệm du học tại Nhật với lớp tôi năm nào. Sau lần gặp gỡ vào thời cấp ba ấy, tôi và anh ấy chưa từng liên lạc qua lại với nhau, anh ấy sau đó đã đến Tokyo để học cao học, tôi thì sang Nhật ở đến năm thứ 2 thì chúng tôi bắt đầu hẹn hò. Chúng tôi đã có nhiều kỷ niệm đẹp trong chuyến đi tới suối nước nóng tại Hakone. Người đàn anh khóa trên đó hiện giờ đã là chồng của tôi.” Nghe cô kể, Ban Biên tập cũng trầm trồ về kỷ niệm tuyệt vời khó quên của cô.

 

Chiếc bảng đen bố mẹ mua tặng

– Vậy là cô đã trở về Việt Nam sau khi tốt nghiệp đại học Shizuoka. Cô đã làm gì trong khoảng thời gian sau đó?

“Tuy tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ thuật nhưng bản thân tôi lại rất thích công việc giảng dạy, từ khi học lớp 1 tôi đã hay dạy bảng chữ cái cũng như các phép tính cộng trừ cho đám trẻ gần nhà. Khi ấy, bố mẹ tôi đã mua cho tôi một chiếc bảng đen. Kể từ đó, tôi ấp ủ trong đầu một ngày sẽ trở thành giáo viên đứng trên bục giảng. Tuy nhiên, gia đình tôi lại phản đối việc đó, vì lí do học sư phạm ra trường rất khó xin được việc, bởi vậy nên tôi đã chọn theo học ngành kỹ thuật để trở thành kỹ sư. Sau khi tốt nghiệp, tôi đã từng nghĩ đến chuyện tìm việc tại một doanh nghiệp Nhật Bản, nhưng cuối cùng tôi nhận thấy điều bản thân mong muốn nhất vẫn là trở thành một giáo viên. Ngay sau khi về nước, tôi ứng tuyển vào một trường đại học tư nhân tại Hà Nội đang đăng tin tuyển dụng và trở thành giáo viên tiếng Nhật tại đó.”

 

Ý nghĩa của việc quyết tâm theo đuổi đến cùng

– Tuy tốt nghiệp từ Khoa Kỹ thuật của một trường đại học tại Nhật nhưng cô lại không lựa chọn làm kỹ sư, liệu cô đã từng nghĩ rằng đó là một điều lãng phí chưa?

“Bản thân tôi cũng từng được hỏi câu hỏi đó khá nhiều lần. Tuy nhiên, ngay từ ban đầu chính tôi cũng không có ý định theo nghề kỹ sư, nên tôi không thấy đó là điều đáng để hối tiếc. Những gì tôi học được tại trường đại học vẫn luôn có giá trị dù sau này tôi không trở thành kỹ sư. Trong khoảng thời gian học đại học, tôi từng thấy có những người bỏ cuộc giữa chừng vì cảm thấy chuyên ngành không phù hợp với mình. Thế nhưng trong lòng tôi lại dấy lên quyết tâm phải đi đến cùng. Tôi nghĩ điều này hẳn có ý nghĩa của nó. Một khi đã quyết thì dù không thích ta cũng phải theo hoàn thành đến cùng. Chẳng phải trong công việc hiện tại, đôi lúc ta cũng sẽ gặp phải những điều mình không thích hay sao? Ý nghĩa đó chính là bất kể là việc không thích ta cũng sẽ không bỏ cuộc và tìm ra hướng giải quyết.”

 

Thành lập Trung tâm Nhật ngữ Đông Du Hà Nội

– Có phải cô đã xây dựng nên Trung tâm Nhật ngữ Đông Du Hà Nội – nơi cô đang đảm nhiệm vị trí hiệu trưởng hiện tại?

“Đúng vậy. Tôi đã có khoảng 1 năm giảng dạy tại trường đại học tư nhân, tuy nhiên, vì trước đó từng theo học tại Đông Du cũng như nhận thức rõ được điểm mạnh của phương pháp dạy tại đó, bởi vậy tôi cảm thấy có nhiều bất cập trong phương pháp giảng dạy tại ngôi trường bản thân đang công tác. Vì thế, tôi muốn tự mình thành lập nên một trung tâm tiếng Nhật. Sau khi xin phép thầy hiệu trưởng và các thầy cô giáo tại Trung tâm Nhật ngữ Đông Du tại Thành phố Hồ Chí Minh, tôi đã chính thức thành lập nên Trung tâm Nhật ngữ Đông Du Hà Nội vào năm 2018. Tôi đảm nhiệm rất nhiều công việc như nghiên cứu giáo trình cũng như phương pháp dạy và học, làm công tác truyền thông, quảng bá, liên kết với các doanh nghiệp,… Hiện tại, Trung tâm tôi có rất nhiều khóa học như khóa cơ bản dành cho học sinh cấp ba, sinh viên đại học và người đi làm, khóa học dành cho đối tượng muốn đi du học, ngoài ra, Trung tâm cũng tổ chức các lớp dạy tiếng Nhật theo sự ủy thác của các doanh nghiệp.”

 

Kế thừa và phát triển phương pháp dạy học tại Đông Du

– Hiện tại cô có kế hoạch gì cho tương lai không?

“Khác với trước đây, hiện tại tôi muốn chú trọng vào việc giáo dục năng lực giao tiếp. Vì vậy, tôi đang tiến hành cải thiện giờ học để học viên có thể trau dồi thêm kỹ năng giao tiếp và nghe hiểu. Hiện tôi cũng đang trong quá trình đưa 2 bộ giáo trình “Irodori” và “Marugoto” của Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản vào giảng dạy tại Trung tâm. Nếu kết quả đạt được khả quan, người học có thể tăng cường khả năng giao tiếp thì tôi cũng sẽ báo cáo kết quả giảng dạy với trường chính trong thành phố Hồ Chí Minh. Hiện tôi đang thử nghiệm áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy mới trên tinh thần tiếp thu và phát huy phương pháp dạy học truyền thống của Đông Du. Hiện tại, con gái của tôi đang là học sinh lớp 1, sau này tôi cũng muốn cho con theo học tại Đông Du và sang Nhật du học. Tuy nhiên, bản thân tôi cũng đã không nghe theo lời của bố mẹ mà đi theo nghề giáo, nên tôi cũng không muốn bắt ép con phải phát triển theo định hướng bố mẹ vạch sẵn. Nếu con bé tìm được đam mê của riêng mình thì tôi sẵn sàng ủng hộ con.”

 

**********************

Nội dung bài viết đã được biên tập lại. Toàn bộ bài phỏng vấn đều được thực hiện bằng tiếng Nhật. Hình ảnh trong bài viết được cung cấp bởi cô Lâm Thị Sang.
Nguồn tin tham khảo:

ABP(Asia Bridge Program)             https://www.abp.icsu.shizuoka.ac.jp/eng/
Trung tâm Nhật ngữ Đông Du Hà Nội https://www.dongduhanoi.edu.vn/
Trung tâm Nhật ngữ Đông Du             http://www.dongdu.edu.vn/

Đơn vị phát hành:  Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam – Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản
Ngày phát hành:  Thứ hai, ngày 28 tháng 2 năm 2022
Chỉ đạo:    ANDO Toshiki (Giám đốc)
Chấp bút・Biên tập: KATAGIRI Junji (Chuyên gia tiếng Nhật Cấp cao)
Biên tập:      YAMADA Kiyomi (Điều phối viên)
  Kubo Aki (Giáo viên tiếng Nhật)
Biên dịch bài viết: Phạm Thị Thanh Thùy (Trợ lí chương trình)
  Nguyễn Thị Thùy Linh (Trợ lí chương trình)
   

 

Đăng ký email cập nhật

Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam

Văn phòng

Giờ mở cửa: 08:30 - 12:00/13:30-17:30 từ Thứ Hai đến Thứ Sáu
Đóng cửa: Các ngày thứ Bảy, Chủ Nhật và các ngày lễ

Thư Viện

Giờ mở cửa: 09:30 - 12:00/13:00-18:00 từ Thứ Ba đến Thứ Bảy
Đóng cửa: Các ngày Chủ Nhật, thứ Hai và các ngày lễ

Trung tâm Giao Lưu Văn Hóa Nhật Bản tại Việt Nam 2009 - 2024, all rights reserved.