Chia sẻ của thầy NGUYỄN HOÀNG LÂM – giảng viên Khoa Tiếng Nhật trường Đại học FPT
Trong số tạp chí này, Ban Biên tập đã phỏng vấn thầy Nguyễn Hoàng Lâm – giáo viên trường Đại học FPT. Thầy Lâm là giáo viên được trường tiến cử tham gia Khóa đào tạo Giáo viên tiếng Nhật mới Lần thứ 4 (tổ chức từ ngày 22/8/2020 đến 24/1/2021) do Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức.
Thầy Nguyễn Hoàng Lâm tại khuôn viên trường Đại học FPT (Cung cấp ảnh: Thầy Lâm)
May mắn có được nhiều cơ hội trải nghiệm khi còn là sinh viên
– Cơ duyên nào đã đưa thầy đến với tiếng Nhật?
“Tôi bắt đầu học tiếng Nhật sau khi nhập học tại trường Đại học FPT. Ban đầu, với vốn tiếng Anh của mình, tôi từng mong muốn theo đuổi ngành báo chí. Tuy nhiên, sau đó tôi đã thay đổi ý định và chọn vào Đại học FPT theo sự khuyên bảo của gia đình. Bản thân tôi là người rất yêu thích ngôn ngữ, và có lẽ chính vận mệnh đã đưa tôi đến với tiếng Nhật khi Khoa Ngôn ngữ Nhật được Đại học FPT thành lập đúng lúc tôi đang mong muốn học một ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh. Trong khoảng thời gian theo học tại trường, mỗi năm tôi đều có cơ hội được đi Nhật, và đến giờ tôi vẫn thấy bản thân thật may mắn khi đã chọn Đại học FPT.”
– Có phải vốn tiếng Nhật của thầy đã được cải thiện trong thời gian ở Nhật?
“Đúng vậy. Sau khi nhập học nửa năm, tôi đã có cơ hội du học tại Trường Đại học Rissho theo chương trình trao đổi. Trong suốt 11 tháng học tập tại Nhật Bản, nhờ vào việc kết bạn với hai sinh viên người Nhật sống cùng ký túc xá, tôi đã có thể nâng cao vốn tiếng Nhật của mình. Một người là thành viên câu lạc bộ bóng đá, người còn lại là thành viên câu lạc bộ âm nhạc. Do ở cạnh phòng nhau và có chung niềm yêu thích đối với nhạc rap, tôi và bạn sinh viên ở câu lạc bộ âm nhạc đã trở thành bạn tốt và hiện tại vẫn còn giữ liên lạc với nhau. Sau đó tôi quay trở lại Việt Nam. Thời điểm học năm 2, tôi cũng đã có cơ hội được đến Nhật trong vòng 1 tuần theo chương trình Giao lưu Văn hóa hợp tác với trường Đại học Bunkyo. Và khi lên năm 3, điều tác động lớn đến con đường tương lai sau này của tôi chính là khoảng thời gian 4 tháng làm trợ giảng tiếng Anh tại trường THPT thuộc tỉnh Chiba theo chương trình Thực tập sinh Quốc tế được tổ chức bởi AIESEC. Khi đó, tôi đã thực sự cảm nhận được rằng bản thân mình phù hợp với nghề giáo.”
Nghề giáo – nghề cho phép bản thân sống đúng với bản chất vốn có
– Thầy quan niệm như thế nào về nghề giáo?
“Đội ngũ giảng viên Khoa tiếng Nhật của trường Đại học FPT không chỉ nhiệt tình mà còn tạo cho sinh viên chúng tôi nhiều cơ hội để sử dụng tiếng Nhật. Tuy một số yêu cầu có hơi đột ngột như: “Các em hãy phiên dịch câu này sang tiếng Nhật”, nhưng chúng tôi cũng đã được tạo điều kiện để làm những việc đơn giản trong trường. Lúc ấy, tôi chợt nghĩ rằng “A, mình muốn trở thành một người giáo viên như vậy”, và cảm thấy bản thân có vẻ phù hợp với nghề giáo. Sau đó vào khoảng thời gian thực tập vào năm 3 đại học. Tôi đã dành thời gian trao đổi thảo luận với các em học sinh cấp ba về phương pháp học một thứ tiếng, hay về sự thú vị của tiếng Anh. Dường như niềm đam mê đối với ngôn ngữ của tôi đã lan tỏa, khiến cho các em ấy vô cùng hứng thú. Khi đó, tôi vô cùng hạnh phúc khi được đứng trên bục giảng, biết được cảm giác khi người khác đón nhận, hiểu được rằng bằng cách này tôi có thể sống đúng với bản ngã của chính mình. Và tôi đã quyết định chọn lĩnh vực giáo dục làm đích đến nghề nghiệp của bản thân.”
Trung tâm Giao lưu Quốc tế FPT – nơi trau dồi kỹ năng và kiến thức xã hội
– Sau khi tốt nghiệp đại học thầy đã ngay lập tức trở thành giáo viên?
“Đáng tiếc là không phải vậy. Nhận thấy nghề giáo đòi hỏi nhiều kinh nghiệm về mặt xã hội, sau khi tốt nghiệp tôi đã công tác tại Trung tâm Giao lưu Quốc tế FPT thuộc trường Đại học FPT. Đó là Trung tâm Liên kết – Hợp tác với các trường đại học nước ngoài, phụ trách việc lên kế hoạch cũng như thực hiện các chương trình giao lưu cùng các trường đối tác. Công việc của tôi tại Trung tâm là làm việc với các trường đại học tại Nhật Bản. Trong quá trình làm việc, tôi cũng đã có 2 chuyến công tác tới Nhật, chủ yếu là các trường đại học tại khu vực Kanto và Kansai. Sau gần 2 năm làm việc tại Trung tâm, cảm thấy bản thân đã trau dồi được những phẩm chất và kỹ năng cần có của một người giáo viên, tôi quyết định ứng tuyển vào vị trí giáo viên Khoa Ngôn ngữ Nhật Bản của trường Đại học FPT. Tôi chính thức trở thành giáo viên của Khoa từ tháng 9 năm 2020.”- thầy Lâm chia sẻ.
Trường Đại học FPT được thành lập vào năm 2006 bởi Tập đoàn FPT (Corporation for Financing and Promoting Technology) – doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu tại Việt Nam. Trường có 4 cơ sở tại 4 thành phố lớn: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ. Do FPT là doanh nghiệp toàn cầu với lĩnh vực kinh doanh chính là cung cấp các sản phẩm dịch vụ công nghệ thông tin, Đại học FPT cung cấp các chương trình đào tạo bậc cử nhân và thạc sĩ với các nhóm ngành Công nghệ thông tin (IT), Kỹ thuật phần mềm, Kinh tế, Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Nhật… Nhờ vào việc liên kết với các doanh nghiệp, sinh viên của trường có thể được trải nghiệp OJT (On-the-Job Training) tại các công ty con của Tập đoàn FPT ngay trong khoảng thời gian theo học tại trường. Điều đó mang lại kết quả tích cực với tỉ lệ sinh viên có việc làm cao sau khi ra trường.
Niềm yêu thích Nhật Bản của học sinh chính là thành công của người giáo viên
– Thầy phụ trách những môn học nào tại trường?
“Hiện tại tôi phụ trách giảng dạy các em sinh viên theo học chuyên ngành Tiếng Nhật và Kỹ thuật phần mềm. Tuy chuyên ngành nào cũng bắt buộc học tiếng Nhật, nhưng động lực học của sinh viên thì hoàn toàn khác biệt. Động lực học của hầu hết các em sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật không được cao lắm. Tuy nhiên, tôi thấy điều giáo viên tiếng Nhật sơ cấp có thể làm được chính là khơi dậy ở sinh viên niềm yêu thích đối với tiếng Nhật cũng như Nhật Bản. Do đó, tôi liên tục suy nghĩ xem mình nên dạy gì trong mỗi tiết học. Tôi thấy thành công của người giáo viên chính là việc có thể khiến cho sinh viên ban đầu không có hứng thú trở nên yêu thích Nhật Bản và muốn học tiếng Nhật. Vì vậy, tôi muốn sử dụng bộ giáo trình “Irodori – Tiếng Nhật trong đời sống” do Qũy Giao lưu Quốc tế Nhật Bản biên soạn để giảng dạy cho các em sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm. Giáo trình này tập trung phát triển kĩ năng giao tiếp cũng như giúp người học hiểu rõ hơn về khả năng sử dụng tiếng của bản thân. Khi biết được năng lực tiếng Nhật của mình đến đâu, có thể làm gì, người học sẽ có thêm hứng thú với việc học. Tôi thấy đó chính là điều mà các em sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm đang thiếu.”
Dường như thông qua Khóa Đào tạo Giáo viên tiếng Nhật mới, thầy Lâm đã nhận thấy những ưu điểm của giáo trình “Irodori – Tiếng Nhật trong đời sống”. Do không có nhiều cơ sở đào tạo về phương pháp giảng dạy tiếng Nhật, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam đã hợp tác với Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQG Hà Nội và Trường Đại học Hà Nội tổ chức Khóa Đào tạo Giáo viên tiếng Nhật mới. Khóa học có tổng 200 giờ, được tổ chức vào thứ Bảy và Chủ nhật. Năm 2020, khóa Đào tạo lần thứ 4 đã được tổ chức, và thầy Lâm đã được Đại học FPT tiến cử tham gia khóa học này. Nhờ vậy, Ban biên tập đã có cơ hội phỏng vấn thầy.
Có thêm những người bạn từ khóa học
– Lý do thầy tham gia Khóa Đào tạo Giáo viên tiếng Nhật mới là gì?
“Tôi nhận được liên lạc từ nhà trường. Thực chất, khi học tại Khoa Tiếng Nhật, tôi chỉ học những kiến thức liên quan đến tiếng Nhật, kinh tế, IT, và biên phiên dịch chứ chưa từng học về phương pháp giảng dạy. Đó là lý do tôi tham gia khóa bồi dưỡng này, và cũng nhờ vậy mà tôi có thêm được 2 điều tuyệt vời. Điều đầu tiên là tôi học hỏi được rất nhiều kiến thức liên quan đến phương pháp giảng dạy như Can-do, phát âm, ứng dụng ICT… Điều khiến tôi ấn tượng nhất chính là những giờ học về phát âm. Bản thân tôi thích phát âm và yêu cách phát âm của tiếng Nhật, nên trong những giờ học đó tôi đã được dạy về khẩu hình, cách đặt lưỡi, cách bật hơi…khi phát âm. Đó thật sự là những kiến thức tôi mong muốn được học. Một điều nữa là tôi đã có thêm được những người bạn. Thông qua khóa học, tôi đã có cơ hội quen biết và cùng học tập với những giáo viên nhiệt huyết đến từ những đơn vị khác, nhờ đó mở rộng thêm mạng lưới quan hệ của bản thân.”
Thầy Nguyễn Hoàng Lâm tại khuôn viên trường Đại học FPT (Cung cấp ảnh: Thầy Lâm)
Vai trò của người giáo viên là tạo dựng niềm đam mê với ngôn ngữ
– Kế hoạch và ước mơ trong tương lai của thầy là gì?
“Tôi muốn trau dồi thêm kiến thức về tiếng Nhật cũng như ngôn ngữ học và áp dụng những điều đó vào công việc giảng dạy. Nếu bản thân người giáo viên không đam mê ngôn ngữ thì sẽ không thể truyền đạt được cảm xúc ấy đến học sinh. Tôi thấy vai trò của người giáo viên chính là có niềm đam mê đối với ngôn ngữ, qua đó tôi muốn tiếp tục cố gắng hơn nữa vì niềm đam mê. Tôi cũng đã học được một điều từ những thầy cô đã dạy tôi tiếng Nhật: làm được những gì khi sử dụng một ngôn ngữ cũng là một điều quan trọng. Những sinh viên tôi đang dạy sắp đạt đến trình độ trung cấp, do đó tôi dự định sẽ áp dụng mô hình Project Based Learning vào giảng dạy. Trong một lớp học, trình độ tiếng Nhật của mỗi sinh viên sẽ khác nhau, và ngay cả những sinh viên với trình độ tiếng chưa tốt cũng có những năng khiếu riêng, tôi thấy việc những sinh viên đó chưa tập trung được vào việc học chỉ là do các em ấy chưa khám phá ra khả năng của mình. Vì vậy, bằng cách làm việc theo nhóm để chuẩn bị cho những dự án, tôi hi vọng sinh viên có thể phát huy được khả năng của bản thân. Mong muốn của tôi là cùng sinh viên lập ra một Trung tâm văn hóa Nhật Bản trong trường học. Đó sẽ là nơi giúp sinh viên sử dụng tiếng Nhật như một công cụ để phát huy được tiềm năng của mình thông qua nhiều dự án khác nhau. Tôi cũng đang suy tính về việc để sinh viên liên lạc với người Nhật và tổ chức những chương trình giao lưu văn hóa.” Với những định hướng về một chương trình quy mô khá lớn như vậy, khi Ban Biên tập hỏi rằng thời gian dự kiến cho kế hoạch, thầy Lâm trả lời: “Tôi muốn thực hiện sau khi khóa sinh viên mình đang phụ trách tốt nghiệp.” Tuy thầy Lâm đã có kinh nghiệm làm việc tại Trung tâm Giao lưu Quốc tế nhưng chúng tôi vẫn ngạc nhiên trước ước mơ to lớn của người giáo viên mới bắt đầu sự nghiệp giảng dạy 5 tháng đó.
Câu chuyện về cụm từ “Komorebi”
– Động lực với niềm đam mê ngôn ngữ của thầy là gì?
“Đó là chuyện xảy ra khi tôi đi dạo cùng bạn là người Nhật trong thời gian du học tại trường Đại học Rissho. Khi ấy, ánh nắng xuyên qua kẽ lá của những tán cây tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp. Khi tôi đang thầm cảm thán trước vẻ đẹp ấy thì bạn tôi đã nói: “Komorebi”. Vì đó là một cụm từ không có trong tiếng Việt nên tôi đã có ấn tượng sâu về nó. Khi học một ngôn ngữ nào đó, ta sẽ gặp phải rất nhiều câu chuyện như vậy. Thông qua việc học một ngôn ngữ, ta có thể hiểu được cách nghĩ, văn hóa của con người ở đất nước đó. Và mỗi ngày tôi đều cảm nhận được niềm vui ấy.”
Xuất phát là một người đam mê ngôn ngữ, theo học tiếng Nhật tại trường đại học do gia đình đề xuất, sau đó đến Nhật Bản học tập cũng như trải nghiệm thực tập, cuối cùng tìm được và theo đuổi nghề nghiệp phù hợp nhất – giáo viên tiếng Nhật, đó là câu chuyện vô cùng nhiệt huyết và đầy đam mê của thầy Lâm. Chúng ta hãy cùng chờ đón những hoạt động sắp tới của thầy nhé.
*****************************
Nội dung phỏng vấn trong bài viết đã được biên tập. Toàn bộ buổi phỏng vấn đều được thực hiện bằng tiếng Nhật.
Nguồn tin tham khảo:
FPT Corporation https://fpt.com.vn/en
FPT Education Global https://daihoc.fpt.edu.vn/en/
Đơn vị phát hành: | Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam – Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản |
Ngày phát hành: | Thứ Bảy, ngày 20 tháng 2 năm 2021 |
Chỉ đạo: | ANDO Toshiki (Giám đốc) |
Chấp bút・Biên tập | KATAGIRI Junji (Chuyên gia tiếng Nhật Cấp cao) |
Biên tập: | MORICHIKA Mina (Trợ giảng tiếng Nhật) |
OSADA Asami (Điều phối viên) | |
Biên dịch bài viết: | Phạm Thị Thanh Thùy (Trợ lí chương trình) |
Lê Kim Thanh (Trợ lí chương trình) | |
Nguyễn Thị Thùy Linh (Trợ lí chương trình) |
Trung tâm Giao Lưu Văn Hóa Nhật Bản tại Việt Nam 2009 - 2025, all rights reserved.