logo
vi jp

ĐỘNG LỰC CỦA TÔI LÀ “THỬ THÁCH GIỚI HẠN BẢN THÂN”

– Chị Nguyễn Quỳnh Anh –

 

Chị Nguyễn Quỳnh Anh đã từng đến Nhật Bản sinh sống và học tập, hiện nay chị đang làm việc cho một trường thể thao kiểu Nhật tại Hà Nội dành cho trẻ em. Trong số tạp chí kỳ này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với chị về cơ duyên đưa chị tới với nơi làm việc hiện tại cũng như lắng nghe những chia sẻ chân thành và thú vị của chị về những khó khăn, thử thách và động lực trong công việc.

 

 

 

 

Mỗi ngày là một “thử thách”

– Xin hãy chia sẻ về công việc hiện tại của chị? 

Hiện nay, tôi đang phụ trách công việc liên quan đến kế toán, quản lý nhân sự, đồng thời cũng đảm nhận việc lên ý tưởng, kế hoạch cho những sự kiện, chương trình giao lưu Nhật Việt và đại hội thể thao tại một trường thể thao. Đây là trường dạy nhảy cổ vũ, võ Karate và bóng đá dành cho trẻ em Việt Nam và Nhật Bản. Khi có chương trình hoặc sự kiện diễn ra, tôi tham gia với tư cách hỗ trợ và đảm nhận vai trò phiên dịch.

 

– Vì sao chị chọn làm việc tại ngôi trường này?

Tôi luôn muốn thử thách bản thân với những vai trò, vị trí khác nhau chứ không chỉ đơn thuần lặp đi lặp lại một công việc nhất định. Ban đầu, tôi vào công ty với vai trò là nhân viên hành chính, tuy nhiên bên cạnh đó, tôi còn có cơ hội thử thách bản thân ở đa dạng các nội dung công việc. Ngoài ra, khi làm việc tại trường, tôi được giao lưu và kết nối với rất nhiều người vì không chỉ có các bạn nhỏ Việt Nam mà còn có các bạn nhỏ Nhật Bản theo học. Các bạn thực sự rất dễ thương!

 

– Điều thú vị nhất trong công việc của chị là gì?

Đó là tham gia tổ chức các sự kiện của trường. Từ việc lên ý tưởng một chương trình làm sao cho thật hấp dẫn, mang đến niềm vui cho mọi người cho đến tổ chức thành công một sự kiện, với tôi là một quá trình đầy những cảm xúc thú vị.

 

– Chị có gặp khó khăn gì trong công việc không?

Do có những khác biệt trong văn hóa, cách suy nghĩ và ứng xử giữa người Việt và người Nhật, nên trong quá trình tập luyện cùng huấn luyện viên người Nhật, đôi lúc các em nhỏ Việt Nam sẽ thắc mắc tại sao mình lại phải làm như vậy. Chẳng hạn như khi tham gia sự kiện ngoài trời, người Việt Nam nếu cảm thấy mệt thường tự động ra về mà không báo cáo. Tuy nhiên người Nhật thì sẽ chờ đến khi sự kiện kết thúc, gặp mặt chào hỏi huấn luyện viên, nếu muốn về sớm họ cũng sẽ xin phép. Trong tình huống này, các em học viên sẽ băn khoăn tại sao huấn luyện viên người Nhật lại không hài lòng khi các em tự ý ra về và ngược lại. Chính từ đó sẽ dễ dẫn đến những hiểu lầm không đáng có giữa hai bên. Nhưng khi đôi bên cùng hiểu rằng “Thì ra họ suy nghĩ như vậy” thì việc giao tiếp với nhau sẽ trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn.

 

Tôi nghĩ có rất nhiều điều hay đáng học hỏi trong cách suy nghĩ, văn hóa và lối ứng xử của người Nhật nên khi phiên dịch, tôi không chỉ truyền đạt lại lời nói mà còn cố gắng truyền tải những điều tinh tế ấy đến các em nhỏ Việt Nam. Điều này không dễ dàng, nhưng cũng chính là một “thử thách” đầy thú vị.

 

 

 

 

“Thử thách” tại Nhật Bản

– Chị Anh đã học tập tại Nhật Bản hai năm. Chị có thể chia sẻ thêm về quyết định đi du học Nhật của mình được không?

Thực ra dự định ban đầu của tôi là Mỹ, nhưng tôi cảm thấy có đôi chút lo lắng khi đi đến một quốc gia hoàn toàn xa lạ… Lúc đó, một người bạn đang học tại thành phố Nagoya đã kể cho tôi nghe rất nhiều về đất nước mang tên Nhật Bản, chính từ những câu chuyện đó tôi bắt đầu cảm thấy hứng thú và muốn đến Nhật. Hơn nữa, từ nhỏ tôi đã thích anime (hoạt hình) và văn hóa Nhật, đồng thời sẽ yên tâm hơn khi có người quen đang sinh sống tại đó.

 

– Cuộc sống của chị bên Nhật như thế nào?

Tôi đã gặp gỡ và kết bạn được với rất nhiều người nên dù cho cuộc sống vừa học vừa làm có phần vất vả, tôi vẫn cảm thấy vui vẻ. Tuy nhiên, công việc làm thêm ở tiệm mỳ Udon là một “thử thách” thực sự. (Bật mí: Có vẻ như món ăn ưa thích nhất của chị Anh khi ở Nhật là mỳ Udon). Tại đây nếu không giao tiếp được bằng tiếng Nhật thì hoàn toàn không thể làm việc, điều đó đã tạo động lực to lớn thúc đẩy tôi chăm chỉ học tiếng.

 

– Việc học tiếng Nhật của chị như thế nào?

Tuy rằng lúc mới học tôi gần như không thể nói được bằng tiếng Nhật, nhưng trong tôi luôn sôi sục mong muốn mãnh liệt “Mình muốn nói chuyện bằng tiếng Nhật!”, “Mình muốn truyền đạt suy nghĩ của mình!” nên tôi đã chủ động tích cực bắt chuyện với người bản xứ. Đối với bất kỳ ngoại ngữ nào, nếu không nói thì mình đâu thể tiến bộ. Và khi có thể giao tiếp được, năng lực tiếng Nhật của tôi cũng theo đó mà tốt lên.

 

 

 

 

“Thử thách” trong tương lai

– Chị muốn thử làm việc gì tiếp theo?

Trong tương lai, tôi mong muốn được làm công việc hỗ trợ người Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản. Khi còn du học, tôi nhận được sự giúp đỡ và quan tâm từ bạn bè. Nhưng hiện nay có không ít người Việt đang sinh sống tại Nhật Bản nhưng khi gặp khó khăn lại không có bạn bè hay người quen bên Nhật để tìm kiếm sự trợ giúp. Tôi mong muốn mình có thể hỗ trợ mọi người bằng cách cung cấp các thông tin hữu ích về cuộc sống tại Nhật Bản hay giới thiệu những nơi có thể học tốt tiếng Nhật. Hiện tại tôi làm việc ở Việt Nam với mục tích lũy kinh nghiệm, tuy nhiên một ngày nào đó tôi muốn quay lại Nhật Bản để thử thách mình thêm một lần nữa.

 

Cách nói chuyện đầy vui vẻ, hào hứng của chị thật sự rất truyền cảm hứng. Chúng ta hãy cùng mong chờ những thử thách mới mẻ trong tương lai của chị Quỳnh Anh nhé.

 

**********************

Cuộc phỏng vấn này được thực hiện bằng tiếng Nhật. Bài báo này là phiên bản đã được chỉnh sửa từ tiếng Nhật của người được phỏng vấn. Toàn bộ hình ảnh trong bài đều do người được phỏng vấn cung cấp.

Đơn vị phát hành:           Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam – Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản
Ngày phát hành:             Thứ Tư, ngày 20 tháng 12 năm 2023
Chấp bút:                        FUJII Mai (Chuyên gia tiếng Nhật)
                                       FUJINAGA Kaoru (Chuyên gia tiếng Nhật cấp cao)
Biên tập:                         IKOMA Miho (Giáo viên tiếng Nhật)
                                       FUJIMURA Haruna (Giáo viên tiếng Nhật)
                                       TSUCHIYA Risa (Nhân viên phụ trách mảng Tiếng Nhật)
Biên dịch bài viết :          Lê Thu Trang (Trợ lí chương trình)
                                       Nguyễn Thị Bình (Trợ lí chương trình)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đăng ký email cập nhật

Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam

Văn phòng

Giờ mở cửa: 08:30 - 12:00/13:30-17:30 từ Thứ Hai đến Thứ Sáu
Đóng cửa: Các ngày thứ Bảy, Chủ Nhật và các ngày lễ

Thư Viện

Giờ mở cửa: 09:30 - 12:00/13:00-18:00 từ Thứ Ba đến Thứ Bảy
Đóng cửa: Các ngày Chủ Nhật, thứ Hai và các ngày lễ

Trung tâm Giao Lưu Văn Hóa Nhật Bản tại Việt Nam 2009 - 2024, all rights reserved.