logo
vi jp

MỖI NGÀY ĐỀU MỚI ! CÔNG VIỆC PHIÊN DỊCH Y TẾ

 Chị Nguyễn Phương Chang – Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội

 

 Chị Phương Chang là phiên dịch viên y tế tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội. Phiên dịch y tế là công việc hỗ trợ cho các bệnh nhân nước ngoài khi thăm khám và điều trị tại các cơ sở y tế, chị Chang chủ yếu phiên dịch tiếng Việt và tiếng Nhật. Hôm nay chúng ta sẽ cùng lắng nghe chị Chang chia sẻ những khó khăn khi mới bắt đầu công việc mà chưa có bất kỳ kinh nghiệm hay kiến thức y tế nào cũng như những trải nghiệm và ý nghĩa mà chị nhận được trong quá trình làm việc.

 

 

Gia nhập một công ty Nhật và sang Nhật

― Tại sao chị quyết định học tiếng Nhật?

“Tôi đến từ một vùng nông thôn, không phải Hà Nội, nơi rất khó để có được thông tin mới nhất, và cha mẹ tôi, những người nông dân, đã không thể cho tôi nhiều lời khuyên về việc học gì cho tương lai. Tôi đã phải tự mình tìm hiểu rất nhiều thông tin về các trường đại học. Tôi quyết định học văn học Anh, nhưng giáo viên trung học của tôi nói với tôi rằng sẽ rất khó để tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp nếu tôi chỉ học tiếng Anh. Vì vậy, khi tôi tìm hiểu về các thứ tiếng khác ngoài tiếng Anh, tôi thấy rằng nhiều công ty Nhật Bản mới bắt đầu mở rộng sang Việt Nam, và vẫn chưa có nhiều người học tiếng Nhật. Tôi đã đọc truyện tranh, xem phim ảnh Nhật Bản từ khi còn nhỏ, và tôi luôn quan tâm đến nước Nhật, vì vậy điều đó đã có ảnh hưởng đến tôi khá nhiều. Hơn nữa, để tự đi du lịch Nhật Bản chi phí rất tốn kém nên tôi nghĩ rằng nếu làm việc cho một công ty Nhật thì cơ hội đi Nhật sẽ dễ dàng hơn. Vì vậy, ngoài Khoa Văn học Anh, tôi cũng quyết định học tại khoa tiếng Nhật.” 

 

― Việc học tiếng Nhật của chị như thế nào?

“Việc học tiếng Nhật quả thật rất vất vả, có quá nhiều loại chữ phải nhớ nên tôi rất kém phần chữ Hán và tập làm văn. Bây giờ tôi đã không viết bằng tay trong một thời gian, vì vậy gần như tôi chỉ có thể viết chữ Hán bằng cách đánh máy.”

 

― Chắc hẳn chị đã phải cố gắng rất nhiều trong việc học tiếng Nhật đúng không ạ?

“Tôi đã bắt đầu làm thêm bằng việc dịch website tiếng Nhật vào năm thứ ba đại học, và việc đó không khó lắm. Các bạn học của tôi có người đi du học Nhật, cũng có người trở thành giáo viên dạy tiếng, nhưng tôi không lựa chọn những con đường đó để đi.”

 

Thời đi học đại học có điều gì để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng chị không ạ?

“Các thầy cô trong khoa tiếng Nhật thường khá là nghiêm khắc, tuy nhiên có một thầy người Nhật đã để lại rất nhiều ấn tượng trong tôi. Phương pháp giảng dạy của thầy rất dễ hiểu, và thay vì giải thích ngữ pháp mọi lúc, thầy chia học sinh thành các nhóm để luyện nói và dịch rất nhiều. Thầy cũng đã hướng dẫn chúng tôi rất nhiều về tác phong cũng như cách làm việc của người Nhật. Bên cạnh đó, thầy còn thành lập câu lạc bộ tiếng Nhật, mỗi lần bạn bè thầy đến Hà Nội, thầy đều tạo cơ hội cho chúng tôi làm hướng dẫn giới thiệu về phố cổ bằng tiếng Nhật. Nhờ đó, tôi đã có thể trò chuyện với người Nhật. Đến bây giờ, đám học trò chúng tôi vẫn giữ liên lạc với thầy thường xuyên, mỗi khi có dịp sang Nhật thầy trò lại cùng nhau đi ăn. Thỉnh thoảng thầy cũng quay lại thăm Việt Nam.”

 

 

Hành trình gặp gỡ và kết duyên cùng nghề phiên dịch y tế

―  Chị đã làm gì sau khi tốt nghiệp?

“Tôi làm việc cho một công ty công nghệ thông tin của Nhật được khoảng 1 năm thì được công ty cử sang Kanagawa làm biên phiên dịch cho các kỹ sư trong vòng 2 năm. Nếu khi đó kết hôn với một người Nhật có lẽ tôi đã không trở về Việt Nam mà sẽ sinh sống tại Nhật Bản. Tuy nhiên là điều đó đã không xảy ra. (Cười).”

“Khi con gái được khoảng 8 tháng tuổi, tôi muốn quay trở lại làm nên đã tìm kiếm những cơ hội công việc mới. Lúc đó, tôi đã tìm được 2 công việc, một là sử dụng tiếng Nhật làm trong ngân hàng và hai là phiên dịch tiếng Nhật cho bệnh viện Việt Pháp. Tôi chọn làm việc tại bệnh viện Việt Pháp vì khi đó tôi đã có gia đình. Bệnh viện Việt Pháp là một bệnh viện rất nổi tiếng và có chất lượng dịch vụ y tế rất tốt. Vì vậy, tôi nghĩ nếu mình làm việc tại đây thì nếu các con có bị ốm cũng sẽ yên tâm hơn.”

 

― Chị có thể chia sẻ về những công việc mà một phiên dịch viên y tế phải làm là gì được không ạ?

“Tôi phụ trách công việc chăm sóc khách hàng người Nhật. Đầu tiên tôi tiếp nhận liên lạc từ các bệnh nhân có nhu cầu đăng ký khám và xác nhận các triệu chứng mà họ gặp phải. Sau đó sẽ chọn và đặt lịch với khoa khám phù hợp. Đến ngày hẹn khám, tôi sẽ đón và hướng dẫn bệnh nhân làm thủ tục bảo hiểm. Bây giờ, nhiều người Nhật sử dụng dịch vụ không dùng tiền mặt, vì vậy cần chuẩn bị các biểu mẫu và giấy chứng nhận y tế để yêu cầu bên bảo hiểm thanh toán.

Khi các bác sĩ khám bệnh thì chúng tôi sẽ đảm nhận vai trò phiên dịch, giải thích hướng dẫn bệnh nhân cách uống thuốc theo đơn. Nếu bệnh nhân nói với tôi rằng họ không cảm thấy đỡ hơn sau khi dùng thuốc thì tôi sẽ hỏi lại các bác sĩ và trả lời bệnh nhân.”

 

― Công việc có vẻ như giống với một y tá đúng không ạ?

“Nghe giống như một y tá, nhưng tôi không thể tiêm (cười). Tôi làm việc tính đến nay đã 10 năm nên đôi khi chưa cần bác sĩ nói tôi đã biết mình phải làm gì, khi nào bệnh nhân cần làm xét nghiệm,….”

 

―Cảm giác như thế nào khi Chị bắt đầu công việc?

“Lúc đầu tôi nghĩ công việc này thực sự rất khó khăn. Các bác sĩ không chỉ đến từ Việt Nam hay Pháp mà còn đến từ rất nhiều nước khác nhau trên thế giới, do đó đôi khi tôi phải sử dụng cả tiếng Anh và các thuật ngữ chuyên ngành y khoa thì khó vô cùng. Trong bệnh viện chỉ có duy nhất một mình tôi đảm nhận vai trò phiên dịch tiếng Nhật nên tôi phải phụ trách dịch ở tất cả các mảng ngoại khoa, nội khoa, khoa thần kinh,…  Vì vậy, một hai năm đầu tôi đã rất vất vả. Hai tháng làm việc đầu tiên, tôi được người đi trước hướng dẫn và được bệnh viện cho tham gia đào tạo, tuy nhiên tôi vẫn luôn phải vừa dịch vừa học và ghi chép. Bây giờ tôi đã quen với việc đó, nhưng đôi khi tôi vẫn cảm thấy ngại khi phải dịch các giải thích chi tiết về bệnh tật và triệu chứng. Hơn nữa, mỗi bác sĩ lại có một phong cách làm việc khác nhau nên tôi cũng đã gặp nhiều khó khăn.”

 

― Vậy chị thấy đâu là điểm thú vị của công việc này?

“Mỗi ngày bạn được gặp rất nhiều người khác nhau cũng như có rất nhiều điều mới mẻ để học hỏi. Tuy quy trình công việc là giống nhau nhưng mỗi bệnh nhân lại là một người khác nhau, các loại bệnh cũng nhiều vô số kể. Có những bệnh nhân chẳng may gặp tai nạn khi đang đi du lịch và được đưa tới bệnh viện, mỗi lần như vậy khi chứng kiến họ hồi phục và khỏe mạnh trở về Nhật Bản tôi cảm thấy trong lòng rất hạnh phúc.”

 

― Vì vậy, chị cảm thấy những điều mình làm thật xứng đáng và có ý nghĩa đúng không ạ?

“Tôi phải giải quyết công việc một mình, vì vậy đôi khi tôi bị gọi quá nhiều, nhưng bây giờ hầu như không có vấn đề gì. Tôi đang làm việc với khoảng 400 nhân viên trong bệnh viện này, và bây giờ mọi việc đều ổn.”

 

Mục tiêu của chị trong tương lai là gì ạ?

“Tôi mong muốn có thể làm cho tên tuổi của bệnh viện Việt Pháp Hà Nội trở nên phổ biến với tất cả người Nhật. Mỗi khi bị ốm hay bị thương, mọi người đều có thể liên hệ với chúng tôi. Nếu như bệnh viện có thêm cả các bác sĩ là người Nhật, thì tôi tin chắc rằng dịch vụ của chúng tôi sẽ được mở rộng hơn rất nhiều chẳng hạn như cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh đối với nhân viên của các doanh nghiệp Nhật Bản.”

Chắc hẳn chúng ta đều rất lo lắng khi bị ốm hoặc bị thương ở nước ngoài mà bạn không thể giao tiếp được bằng ngôn ngữ ở đó, nhưng tôi nghĩ bạn sẽ thấy rất yên tâm khi gặp một phiên dịch viên y tế như chị Chang. Tôi cảm thấy rằng đây là công việc hoàn hảo đối với chị Chang, người luôn thích được gặp gỡ nhiều người.

 

**********************

Nội dung bài viết đã được biên tập lại. Toàn bộ bài phỏng vấn đều được thực hiện bằng tiếng Nhật.

Hình ảnh trong bài viết được cung cấp bởi chị Nguyễn Phương Chang.

 

Đơn vị phát hành:  Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam  Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản
Ngày phát hành:    Thứ Ba, ngày 20 tháng 12 năm 2022
Chấp bút. Biên tập: KUBO Aki (Giáo viên tiếng Nhật)
Biên tập:                FUJINAGA Kaoru (Chuyên gia tiếng Nhật cấp cao)
                              YAMAMURA Yoko (Trợ lí Giám đốc Trung tâm)
                             TSUCHIYA Risa (Nhân viên phụ trách mảng Tiếng Nhật)
Biên dịch bài viết:  Nguyễn Thanh Phương Thảo (Trợ lí chương trình)
                              Nguyễn Thị Bình (Trợ lí chương trình)

 

Đăng ký email cập nhật

Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam

Văn phòng

Giờ mở cửa: 08:30 - 12:00/13:30-17:30 từ Thứ Hai đến Thứ Sáu
Đóng cửa: Các ngày thứ Bảy, Chủ Nhật và các ngày lễ

Thư Viện

Giờ mở cửa: 09:30 - 12:00/13:00-18:00 từ Thứ Ba đến Thứ Bảy
Đóng cửa: Các ngày Chủ Nhật, thứ Hai và các ngày lễ

Trung tâm Giao Lưu Văn Hóa Nhật Bản tại Việt Nam 2009 - 2024, all rights reserved.