logo
vi jp

CUỘC ĐỜI LÀ MỘT CHUỖI NHỮNG THỬ THÁCH!

Cô Lương Thị Anh Thư – Giám đốc công ty KOKORO

 

Trong số tạp chí lần này, Ban Biên tập đã phỏng vấn cô Lương Thị Anh Thư – người sáng lập Công ty KOKORO INVESTMENT hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp, biên – phiên dịch và giáo dục tiếng Nhật tại thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là người điều hành Trung tâm Ngoại ngữ Liên Kết (Trung tâm Ngoại ngữ Musubi).

 

 

Thử thách đầu tiên

– Cô bắt đầu học tiếng Nhật từ khi nào?

“Bản thân tôi chưa từng có ý định học tiếng Nhật cho đến khi vào đại học. Tôi sống tại tỉnh Đồng Nai, nhưng vì mẹ tôi không muốn để con gái học đại học xa nhà nên tôi đã chọn thi vào một trường đại học trong tỉnh. Khi đó, tôi phải lựa chọn giữa các chuyên ngành Tiếng Anh, Tiếng Trung và Tiếng Nhật. Khi đó, gần khu nhà tôi có một công ty liên quan đến Nhật Bản, và sau khi suy nghĩ về cơ hội việc làm trong tương lai, tôi đã quyết định lựa chọn học tiếng Nhật, lý do đơn giản là bởi tôi cảm thấy tiếng Nhật là ngôn ngữ có ít người theo học nên tỉ lệ cạnh tranh thấp. Sau đó gia đình tôi đã rất ngạc nhiên, mọi người trong nhà, từ ông bà, bố mẹ đến anh em của tôi đều khuyên rằng: “Tiếng Nhật khó lắm, đừng học”. Nhưng ngược lại, điều đó chỉ làm cho ý muốn thử sức của tôi ngày một dâng cao. Đúng lúc ấy, trường đại học tôi lựa chọn vừa thành lập Khoa Tiếng Nhật, vì thế tôi trở thành lứa sinh viên đầu tiên của khoa. Dù có rất nhiều điều muốn học hỏi nhưng tôi không hề có đàn anh đàn chị đi trước. Đó thực sự là một thử thách. Sau đó, cảm thấy việc học tiếng Nhật tại trường đại học vẫn chưa đủ, tôi tiếp tục theo học tại một trường Nhật ngữ tại thành phố Hồ Chí Minh.”

– Vì sao cô lại có suy nghĩ học thêm tại trường Nhật ngữ trong khi đã học tiếng Nhật tại trường đại học?

“Tiếng Nhật đúng là chuyên ngành đại học của tôi. Tuy nhiên, bởi mọi người ai cũng nói rằng tiếng Nhật rất khó nên tôi muốn học thêm tại nhiều nơi khác. Một lý do nữa là bởi tại trường đại học của tôi không có giáo viên người Nhật, và nơi tôi sinh sống cũng không có trường Nhật ngữ. Khi đó, tôi đã chủ động tìm kiếm trường học thông qua quảng cáo trên báo, liên lạc với nhà trường và lựa chọn khóa học phù hợp cho phép tôi được thực hành giao tiếp với người Nhật. Để đến được thành phố Hồ Chí Minh mất khoảng 1 tiếng đồng hồ bằng xe buýt nên khá vất vả. Sau đó, tôi tiếp tục trau dồi thêm tiếng Nhật, và khi càng hiểu thêm về văn hóa Nhật Bản, tôi càng ao ước cơ hội được học tập tại Nhật. Vì thế nên tôi đã nghỉ học vào năm thứ 3 đại học và lên đường sang Nhật Bản du học.”

 

Du học tại trường Đại học Nữ sinh Kwassui

– Vậy là cô đã nghỉ học đại học và đi du học đúng không?

“Đúng vậy, tôi đã ấp ủ ý định du học từ năm 2 đại học và cũng từng tham gia hội thảo du học được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh. Ngôi trường tôi theo học là trường Đại học Nữ sinh Kwassui tại tỉnh Nagasaki, tôi biết đến trường thông qua các buổi hội thảo du học tham gia trước đó. Dù phải học lại từ năm nhất đại học, nhưng do được miễn giảm 50% học phí, được sống tại ký túc xá nữ của trường, ký túc xá an ninh rất an toàn và được phép nấu ăn nên mẹ tôi đã cho phép tôi đi du học. Phòng ký túc của tôi là phòng đôi nên hàng ngày tôi đều có thể sinh hoạt với bạn cùng phòng người Nhật. Bản thân tôi luôn muốn được luyện tập giao tiếp tiếng Nhật nên tôi đã rất mừng. Và vì là du học sinh người Việt Nam đầu tiên tại trường nên tôi cũng không hề có đàn anh đàn chị đi trước, điều đó lại trở thành một thử thách nữa đối với tôi. Tuy vậy, trong thời gian theo học tại trường, tôi đã có cơ hội được nhận học bổng từ Quỹ Heiwa Nakajima và Quỹ Rotary Yoneyama. Hiện tại tôi đang là thành viên của Hội cựu du học sinh Yoneyama người Việt Nam.”

– Cô có gặp phải khó khăn gì với tiếng Nhật không?

“Toàn bộ chương trình học tại trường đều được giảng dạy bằng tiếng Nhật nên thời gian đầu quả thật khá vất vả, tuy nhiên thầy cô cũng như bạn bè ở trường đều rất tốt bụng, họ đã dạy cho tôi rất nhiều điều. Tại ký túc xá, tôi đã cùng các bạn người Nhật ăn cơm tại nhà ăn, xem ti vi, cùng nhau ngâm mình trong bồn tắm, cùng nhau dọn dẹp nhà cửa,…dần dần tôi đã có thêm rất nhiều bạn. Tuy nhiên, vì sinh viên tại trường đại học này đa số là người đến từ các tỉnh thuộc đảo Kyushu như Fukuoka, Kagoshima hay Oita nên giọng địa phương khá nặng, ban đầu tôi hoàn toàn không hiểu họ nói gì bởi đây không phải tiếng Nhật được dạy trong sách giáo khoa. Tuy từng gặp nhiều khó khăn nhưng đến giờ tôi vẫn có thể nói chuyện với bạn bè tại Kwassui bằng giọng Nagasaki với những câu phương ngữ như “Yokay”, “Tottotto”, “Benkyousenba”,… Tôi cảm thấy rất vui vì điều này.”

(Tạm dịch: Yokayo: được đó; Tottotto: cách nói mang ý nghĩa tương đương thì hiện tại tiếp diễn (tiếng địa phương Nagasaki); Benkyousenba: phải học thôi)

– Cô đã học những gì tại trường đại học?

“Chuyên ngành chính của tôi là Quản lý văn hóa thuộc Khoa Tiếng Nhật đương đại, ngoài ra khi đó tôi còn theo học một chuyên ngành phụ là Sư phạm tiếng Nhật. Trong chuyên ngành Quản lý văn hóa, chúng tôi được học về hoạt động truyền bá văn hóa. Ví dụ, trong một sự kiện Giáng Sinh tại Bảo tàng Mỹ thuật Nagasaki, văn hóa được truyền tải thông qua hoạt động trang trí thiệp Giáng Sinh cho trẻ em, hay trong hoạt động của một đoàn kịch, văn hóa địa phương sẽ được bảo tồn và truyền tải thông qua các vở kịch được xây dựng từ các câu truyện dân gian trong vùng. Chúng tôi đã được học từ những cách như vậy.”

 

Làm việc tại doanh nghiệp Nhật Bản, sau đó tự thành lập công ty

– Cô đã làm gì sau khi tốt nghiệp đại học?

“Tôi từng làm thêm công việc về phiên dịch tại Nagasaki trong khoảng thời gian học đại học, và đã có cơ hội quen biết với bác giám đốc của một công ty. Tôi nhận được lời mời khi công ty chuẩn bị thành lập công ty con tại Việt Nam, và với ý muốn giúp đỡ người dân Nagasaki, tôi đã quyết định đầu quân vào công ty. Công ty đó có trụ sở ở Sasebo, chuyên gia công hàn cho một doanh nghiệp đóng tàu lớn. Công ty cũng tiếp nhận lao động là thực tập sinh đến từ Việt Nam và tuyển những lao động ấy vào làm việc tại chi nhánh ở Việt Nam khi họ trở về nước. Tôi phụ trách mảng hành chính tổng hợp và nhân sự tại công ty đó. Công việc của tôi là phỏng vấn ứng viên, làm bảng lương, làm thủ tục xin tư cách lưu trú, giấy phép lao động cho người Nhật, quả thật công việc nào đối với tôi cũng là một thử thách. Tôi đã học hỏi thêm được rất nhiều điều. Tôi đã làm việc tại công ty trong 3 năm, sau đó, với mong muốn thử sức tại những lĩnh vực khác, tôi quyết định đến Nhật Bản làm việc.”

– Ồ, vậy là cô lại lên đường đến Nhật Bản sao?

“Tại thành phố Hồ Chí Minh có Hội Đồng hương Việt Nam – Nagasaki được thành lập bởi các cựu du học sinh Nagasaki và những người từng sinh sống tại Nagasaki. Hiện tại tôi đang đảm nhiệm chức vụ Tổng thư ký của Hội, nhưng ở thời điểm còn làm ở Việt Nam tôi đã tham gia nhiều buổi giao lưu giữa Hội và tỉnh Nagasaki, từ đó có cơ hội làm công việc hỗ trợ các công ty về giáo dục tại tỉnh. Ban đầu, công ty tôi có dự định phát triển tại thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên, sau nhiều lần khảo sát, cuối cùng đã chọn địa điểm là Myanmar, vì thế tôi đã xin nghỉ việc và trở về Việt Nam. Khi đó là năm 2015, sau đó, tôi đã thành lập công ty của riêng mình. Công ty của tôi hoạt động trong lĩnh vực biên – phiên dịch cũng như hỗ trợ doanh nghiệp.”

 

Hoạt động kết nối doanh nghiệp (business matching)

– Việc thành lập công ty quả là một thử thách lớn nhỉ.

“Tôi vốn xuất thân từ một gia đình có truyền thông kinh doanh lâu đời, gia đình tôi đã bắt đầu kinh doanh từ thời ông bà của tôi. Mạng lưới kinh doanh tôi có được không chỉ bao gồm các đối tác mà còn có cả người thân họ hàng. Vì vậy, tôi đã học được từ người thân trong gia đình, từ những người tại công ty tôi quen biết những kiến thức liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp. Hiện tại tôi vẫn thường trao đổi các vấn đề làm ăn, hợp tác với những người tôi quen được từ mạng lưới đó.”

–  Công việc hỗ trợ doanh nghiệp cô có thể chia sẻ kĩ hơn được không?

“Đó chính là việc kết nối doanh nghiệp (business matching). Khi những doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản có ý muốn đầu tư vào Việt Nam, chúng tôi sẽ trở thành cầu nối giới thiệu các doanh nghiệp Việt Nam với họ. Ví dụ, khi doanh nghiệp phía Nhật Bản muốn mở một nhà hàng hoặc muốn phân phối rau củ, chúng tôi sẽ tìm hiểu xem tại Việt Nam có những doanh nghiệp nào có tiềm năng hợp tác, sau đó lên kế hoạch chi tiết và phái cử phiên dịch để doanh nghiệp 2 nước có thể trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với nhau. Vào năm 2019, công ty chúng tôi đã tổ chức một sự kiện kết nối doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh, thu hút khoảng 20 doanh nghiệp đến từ Nhật Bản và hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam. Tuy sự kiện chỉ diễn ra trong 1 ngày nhưng đã có rất nhiều người tham gia.”

 

Trung tâm ngoại ngữ “Musubi”

– Đó quả là một sự kiện không hề nhỏ.

“Tuy mất hơn 6 tháng để chuẩn bị cho một sự kiện như vậy nhưng các doanh nghiệp tại Kansai đã rất hài lòng, họ thậm chí còn đề nghị tổ chức sự kiện tiếp theo tại một hội trường lớn hơn. Vào năm 2018, tôi đã thành lập một trung tâm ngoại ngữ với tên gọi “Musubi”. Tên trung tâm mang ý nghĩa kết nối người với người, văn hóa với văn hóa. Tại trung tâm có những khóa học dành cho đối tượng là học sinh từ tiểu học đến trung học phổ thông, khóa học dành cho sinh viên đại học hoặc cho người đi làm. Tôi đã tuyển 3 giáo viên tiếng Nhật giảng dạy tại trung tâm. Tôi không trực tiếp dạy tiếng Nhật mà chỉ tham gia giảng dạy trong những giờ học đặc biệt giới thiệu về xã hội – văn hóa Nhật Bản dựa trên những trải nghiệm của bản thân tại Nhật. Hiện tại tôi chỉ tổ chức một số khóa học trực tuyến.”

 

 

Thử thách tiếp theo: Đưa văn hóa Nhật Bản về với quê nhà

– Cô có kế hoạch hay điều gì muốn làm trong tương lai không?

“Từ năm 2003 đến nay hầu như ngày nào tôi cũng sử dụng tiếng Nhật, vậy nên tôi thấy tiếng Nhật cũng như tiếng mẹ đẻ của mình. Sau này, tôi muốn sử dụng tiếng Nhật để làm những điều lý thú. Lý do thành lập trung tâm của tôi là bởi khi bản thân bắt đầu học tiếng Nhật, tại thành phố Biên Hòa nơi tôi sống không hề có một trường Nhật ngữ nào, điều đó đã khiến tôi gặp không ít khó khăn. Một lý do nữa là bởi tôi thấy rằng cần có một địa điểm nơi mọi người không chỉ học tiếng Nhật mà còn học về văn hóa Nhật Bản. Trong tương lai tôi muốn xây dựng một nhà văn hóa, trong đó sẽ có một khu vườn mang phong cách Nhật Bản nơi mọi người có thể tổ chức tiệc trà, có một thư viện nơi mọi người có thể học về nghệ thuật cắm hoa hay thư pháp, thậm chí có thể xem anime. Ngoài ra, từ tháng 9 năm nay, tôi đã bắt đầu giảng dạy trong các tiết học về biên – phiên dịch tiếng Nhật hay tác phong doanh nghiệp với tư cách giảng viên tại trường Đại học Lạc Hồng. Bản thân tôi cũng muốn đóng góp thêm vào công cuộc đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp.”

– Cô muốn truyền tải những nét đặc sắc nào của Nhật Bản.

“Tôi đã có một khoảng thời gian dài theo học Ikebana (nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản) khi còn là sinh viên tại Đại học Nữ sinh Kwassui. Ban đầu, tôi không hề biết gì về Ikebana, lý do tham gia học của tôi chỉ là để giải tỏa căng thẳng và được học với các bạn người Nhật. Giáo viên của chúng tôi tuy đã có tuổi và nói chuyện khá khó hiểu nhưng lại là một người rất diu dàng, mỗi tuần đều đều đặn lên lớp. Sau một thời gian dài theo học, không biết tự lúc nào tôi đã lý giải được những điều mà trong suốt 1, 2 năm đầu bản thân không hề hiểu, tôi cũng đã có thể tự mình nghĩ ra cách bài trí và thực hiện cắm hoa. Sau này, đôi khi tôi vẫn đến Nagasaki và tham gia lớp học của cô giáo cũ. Quả thật cần rất nhiều thời gian để có thể sâu sắc lĩnh hội được nghệ thuật cắm hoa Ikebana. Văn hóa là thứ dù có nghiên cứu trong sách vở cũng khó có thể hiểu hết được. Ngoài ra, tôi còn muốn truyền bá thêm về cách suy nghĩ của người Nhật cũng như tinh thần trách nhiệm của họ. Bản thân tôi cũng rất chú trọng những điều đó trong công việc kinh doanh hiện tại. Khi làm việc, tôi sẽ chỉ tiếp nhận những công việc mình có thể làm được, và sẽ từ chối những việc quá sức với mình. Với những việc tôi đã tiếp nhận, tôi luôn cố gắng hết sức để có thể hoàn thành tốt nhất công việc đó.”

Theo thông tin chính thức được đăng tải trên trang chủ, đại học Nữ Sinh Kwassui được thành lập vào năm 1879, tiền thân là Trường Nữ sinh Kwassui. Châm ngôn giáo dục của trường dựa trên tinh thần “Chia sẻ với mọi người xung quanh” của Thiên Chúa Giáo, hướng tới mục tiêu đào tạo ra thế hệ phụ nữ tự chủ và độc lập. Kwassui có nghĩa là “mạch nước” chứa đựng sự sống vĩnh cửu. Với “mạch nước” được ban tặng đó, sinh viên tại Kwassui sau khi tốt nghiệp sẽ có thể đem dòng chảy tốt lành đó loan tỏa đến những người xung quanh. Tuy không phải là người theo đạo Thiên Chúa nhưng cô Thư vẫn đã và đang hoạt động hết mình để truyền tải những điều bản thân đã học được tại trường.

 

**********************

Nội dung bài viết đã được biên tập lại, Toàn bộ bài phỏng vấn đều được thực hiện bằng tiếng Nhật.

Hình ảnh sử dụng trong bài viết được cung cấp bởi cô Lương Thị Anh Thư.

Nguồn tin tham khảo:
Đại học Nữ sinh Kwassui: https://www.kwassui.ac.jp/university/

 

Đơn vị phát hành:  Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam – Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản
Ngày phát hành: Thứ hai, ngày 20 tháng 12 năm 2021
Chỉ đạo:  ANDO Toshiki (Giám đốc)
Chấp bút・Biên tập: KATAGIRI Junji (Chuyên gia tiếng Nhật Cấp cao)
Biên tập:  YAMADA Kiyomi (Điều phối viên)
  Kubo Aki (Trợ giảng tiếng Nhật)
Biên dịch bài viết: Phạm Thị Thanh Thùy (Trợ lí chương trình)
  Nguyễn Thị Thùy Linh (Trợ lí chương trình)

 

Đăng ký email cập nhật

Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam

Văn phòng

Giờ mở cửa: 08:30 - 12:00/13:30-17:30 từ Thứ Hai đến Thứ Sáu
Đóng cửa: Các ngày thứ Bảy, Chủ Nhật và các ngày lễ

Thư Viện

Giờ mở cửa: 09:30 - 12:00/13:00-18:00 từ Thứ Ba đến Thứ Bảy
Đóng cửa: Các ngày Chủ Nhật, thứ Hai và các ngày lễ

Trung tâm Giao Lưu Văn Hóa Nhật Bản tại Việt Nam 2009 - 2024, all rights reserved.