logo
vi jp

MONG MUỐN TẠO RA MỘT VIỆT NAM AN TOÀN VÀ DỄ SỐNG ĐỐI VỚI PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM

Chị Vũ Thị Phương Hoa – Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á,  Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam 

 

Công việc của chị Hoa là nghiên cứu các vấn đề xã hội của Nhật Bản để từ đó xây dựng tài liệu tham khảo phục vụ cho việc đưa ra các chính sách của Việt Nam. Ban Biên tập đã lắng nghe chia sẻ của chị Hoa về những vấn đề chị đang quan tâm cũng như những dự định trong tương lai. 

 

 

  

 

 Kinh nghiệm chắc chắn sẽ tạo nên những lối đi 

“Dựa vào thành tích của kì thi xét tuyển đại học, tôi đã đỗ vào ngành Nhật Bản học của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn”. Chính kết quả của kì thi đại học đã đưa chị Hoa đến với việc học về Nhật Bản và tiếng Nhật. 

Sau khi tốt nghiệp đại học, được cha – một nhà báo từng làm việc cho báo của Đảng Cộng sản khuyến khích, chị đã vào làm việc tại một tòa soạn với vai trò là biên tập viên. Sau đó chị Hoa lập gia đình, sinh con và trở thành một người mẹ. Cũng từ đó chị bắt đầu quan tâm đến vị trí cũng như chế độ làm việc của những phụ nữ đang nuôi con nhỏ. 

Tiếp đó, nhờ việc học về Nhật Bản và tiếng Nhật khi còn là sinh viên cũng như kinh nghiệm làm việc tại tòa soạn, chị đã chuyển sang Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. 

 

 

 Để nâng cao vai trò, vị trí của người phụ nữ trong xã hội 

 Trung tâm chị Hoa làm việc là nơi nghiên cứu những vấn đề xã hội của Nhật Bản để xây dựng tài liệu tham khảo phục vụ cho việc đưa ra các chính sách của Việt Nam. Chị đã nghiên cứu những chính sách của Nhật Bản đối với các vấn đề như bất bình đẳng giới, nâng cao vai trò – vị trí của phụ nữ trong xã hội, khuyến khích phụ nữ tham gia vào chính trường, 

 

“Ở Việt Nam, các công việc quan trọng và có mức lương cao hầu như đều tuyển dụng nam giới, đồng thời nam giới cũng được ưu tiên hơn cho những vị trí quản lý. Ngay cả trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nữ giới chỉ chiếm 30%”. 

“Tôi hy vọng rằng những điều tốt đẹp trong các chính sách của Nhật Bản sẽ được đưa vào Việt Nam và Việt Nam cũng sẽ trở thành một xã hội công bằng và tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển”. Chị Hoa chia sẻ về nhiệt huyết của mình đối với mong muốn thu hẹp khoảng cách cơ hội giữa nam và nữ. 

  

 

  

 

Nghiên cứu về các chính sách phòng chống bạo lực và ngược đãi trẻ em là sự nghiệp theo đuổi cả đời 

Chị Hoa đã tìm thấy đề tài mà mình muốn dành cả cuộc đời để theo đuổi, đó chính là nghiên cứu các chính sách phòng chống bạo lực và ngược đãi đối với trẻ em. 

“Tôi đã rất sốc khi xem tin tức một bé gái tám tuổi ở Việt Nam bị bạo hành đến tử vong bởi mẹ kế và chính cha ruột của em”. Với tư cách là một người mẹ, trái tim chị vô cùng xót xa, đau đớn. 

“Ở Nhật Bản có rất nhiều cơ sở tư vấn dành cho trẻ em, tuy nhiên ở Việt Nam những cơ sở như vậy không có nhiều và hầu như không hoạt động. Do đó, tôi muốn tiếp tục học lên tiến sĩ tại Nhật Bản để nghiên cứu về các giải pháp phòng chống bạo lực và ngược đãi trẻ em”. 

 

 

 

 

Để làm nghiên cứu ở Nhật Bản 

Chị Hoa đã có một mục tiêu cho chính mình. Tuy nhiên, chị cảm thấy năng lực tiếng Nhật của bản thân vẫn chưa đủ với tư cách là một nhà nghiên cứu. 

“Nếu nghiên cứu tại Nhật, tôi sẽ phải thực hiện phỏng vấn và khảo sát bằng tiếng Nhật. Đồng thời, khi trao đổi với các nhà nghiên cứu đến từ các quốc gia khác, tôi cũng phải hoàn toàn sử dụng tiếng Nhật”. 

Vì vậy để thực hiện được mục tiêu, vào năm 2022 chị đã tham gia “Khóa bồi dưỡng tiếng Nhật chuyên sâu (dành cho Chuyên gia về Văn hóa – Học thuật)” trong vòng 5 tháng tại Trung tâm Quốc tế Kansai, Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản. 

“Trong khóa bồi dưỡng này, tôi đã học được rất nhiều về cách sử dụng PowerPoint, cách viết email, cách diễn đạt khi thuyết trình, v.v. và đã có cơ hội sử dụng tiếng Nhật để thực hiện phỏng vấn”. Cho đến bây giờ khi đã trở về Việt Nam, chị vẫn thường xuyên nghe tin tức để không quên tiếng Nhật. 

“Trong tương lai, tôi muốn mang những gì tôi đã nghiên cứu ở Nhật Bản về Việt Nam và đóng góp cho xã hội Việt Nam”. Chị Hoa nói về quyết tâm mạnh mẽ của mình. 

 

 

           

 

Trung tâm Quốc tế Kansai, Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản có rất nhiều các chương trình tập huấn phù hợp với đa dạng các mục đích khác nhau, một trong số đó là “Khóa bồi dưỡng tiếng Nhật chuyên sâu (dành cho Chuyên gia về Văn hóa – Học thuật)” mà chị Hoa đã tham gia. Khóa bồi dưỡng này được tổ chức một năm hai lần (khóa học 2 tháng và khóa học 5 tháng) dành cho đối tượng là các nhà nghiên cứu và sinh viên sau đại học để hỗ trợ phát triển các kỹ năng tiếng Nhật cần thiết để thực hiện công việc chuyên môn và các hoạt động nghiên cứu.  

 

Vui lòng truy cập liên kết dưới đây để xem bản đầy đủ 

Tiếng Nhật: https://www.jpf.go.jp/j/kansai/training/ 

 Tiếng Anh:  https://www.jpf.go.jp/e/kansai/training/index.html

  

*********************************************************************************** 

Toàn bộ bài phỏng vấn được thực hiện bằng tiếng Nhật. Nội dung bài viết đã được biên tập lại.  

Hình ảnh sử dụng trong bài viết được cung cấp bởi nhân vật. 

Đơn vị phát hành:  Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam – Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản
Ngày phát hành: Thứ Hai, ngày 21 tháng 08 năm 2023 
Chấp bút・Biên tập: SEKIYAMA Satoshi (Chuyên gia tiếng Nhật) 
Biên tập:  FUJINAGA Kaoru (Chuyên gia tiếng Nhật cấp cao)
  IKOMA Miho (Giáo viên tiếng Nhật) 
  FUJIMURA Haruna (Giáo viên tiếng Nhật) 
  YAMAMURA Yoko (Trợ lí Giám đốc Trung tâm)
  TSUCHIYA Risa (Nhân viên phụ trách mảng Tiếng Nhật)
Biên dịch bài viết:  Phạm Thị Thanh Thùy (Trợ lí chương trình)
  Nguyễn Thị Bình (Trợ lí chương trình)

 

 

 

 

 

 

 

 

Đăng ký email cập nhật

Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam

Văn phòng

Giờ mở cửa: 08:30 - 12:00/13:30-17:30 từ Thứ Hai đến Thứ Sáu
Đóng cửa: Các ngày thứ Bảy, Chủ Nhật và các ngày lễ

Thư Viện

Giờ mở cửa: 09:30 - 12:00/13:00-18:00 từ Thứ Ba đến Thứ Bảy
Đóng cửa: Các ngày Chủ Nhật, thứ Hai và các ngày lễ

Trung tâm Giao Lưu Văn Hóa Nhật Bản tại Việt Nam 2009 - 2024, all rights reserved.