logo
vi jp

HƯỚNG TỚI XÃ HỘI DUNG HÒA NHỮNG ĐIỀU TỐT ĐẸP CỦA VIỆT NAM VÀ NHẬT BẢN

Anh Đặng Bá Khắc Triều đến từ công ty NAL Solutions

 

Anh Đặng Bá Khắc Triều đã từng du học tại Nhật Bản và nhận bằng tiến sĩ chuyên ngành công nghệ thông tin. Sau khi về Việt Nam, thời gian đầu anh công tác với vị trí giảng viên tại trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, tuy nhiên sau đó anh đã chuyển sang công việc phát triển phần mềm để có thể đem những công nghệ mới nhất ứng dụng vào thực tế. Trong quá trình học tập tại Nhật Bản, anh Triều không chỉ tìm được câu trả lời cho câu hỏi tại sao Nhật Bản lại có thể phát triển đến vậy, mà còn phát hiện thêm những điểm mạnh của chính đất nước Việt Nam.

 

 

Chinh phục lòng tin của khách hàng Nhật Bản

– Anh có thể chia sẻ về công việc hiện tại của mình không?

“Hiện tại tôi đang làm việc trong lĩnh vực phát triển phần mềm. Ví dụ, khi khách hàng đưa ra yêu cầu xây dựng một hệ thống matching, mà hệ thống matching có rất nhiều kiểu khác nhau nên công việc của tôi là lắng nghe để hiểu được yêu cầu cụ thể đối với sản phẩm của khách hàng, sau đó thảo luận về cách thức triển khai và xây dựng bản đề xuất cũng như dự toán cho dự án. Có rất nhiều công ty tham gia đấu thầu dự án, khách hàng sẽ xem xét và cân nhắc đề xuất của từng công ty và chọn ra bên thích hợp nhất. Nếu công ty được khách hàng chọn thì chúng tôi sẽ bắt đầu triển khai dự án. Tôi cũng tham gia vào buổi họp hàng tuần của đội ngũ phát triển với khách hàng để quản lý các vấn đề phát sinh. Trong trường hợp có vấn đề phát sinh hay có điểm nào khách hàng chưa hài lòng, tôi sẽ đứng ra giải quyết, còn nếu không thì tôi chỉ đơn giản đóng vai trò thính giả trong cuộc họp (cười).”

– Khách hàng của công ty anh có phải là doanh nghiệp Việt Nam không?

“Toàn bộ khách hàng của công ty tôi đều là doanh nghiệp Nhật Bản. NAL Solutions là công ty con của tập đoàn Mynavi (Nhật Bản), các buổi làm việc với khách hàng mà tôi tham gia đều được lên lịch bởi đội ngũ kinh doanh của Mynavi. Phía Mynavi chủ yếu phụ trách mảng nghiệp vụ, còn tôi phụ trách giải thích và thuyết phục khách hàng về mảng kỹ thuật.”

– Anh có gặp phải khó khăn nào trong công việc không?

“Tôi thấy rất khó để có thể thuyết phục và tạo dựng được niềm tin từ khách hàng người Nhật. Từ trước đến giờ, khách hàng đều làm việc với các công ty IT của Nhật, vì thế họ rất dè chừng khi chuyển sang làm việc với các công ty nước ngoài. Có lẽ nguyên nhân là bởi họ lo lắng về khả năng bị “bỏ rơi” giữa chừng hoặc không nhận được sản phẩm như thời gian đã quy định dù đã trả tiền. Tuy nhiên, hiện giờ tại Việt Nam cũng có rất nhiều công ty IT đang hoạt động với chất lượng và uy tín đảm bảo.”

– Phản hồi của khách hàng sau khi nhận được sản phẩm trên thực tế ra sao?

“Ban đầu, chúng tôi chỉ nhận được những dự án nhỏ, tuy nhiên sau đó được khách hàng tin tưởng và giao những dự án tiếp theo thì đến hiện tại, chúng tôi đã có thể tiếp nhận dự án quy mô lớn lên đến 40 người. Có lẽ qua quá trình làm việc thực tế, chúng tôi đã nhận được sự tin cậy từ khách hàng. Hiện tại, công nghệ thông tin là một ngành có sức hút lớn tại Việt Nam, đất nước ta cũng có không ít những kỹ sư tài năng với khả năng nắm bắt xu hướng công nghệ một cách nhanh chóng. Nhờ vào đó mà quy mô ngành ngày càng được mở rộng thêm.”

 

 

Mặt tính cách gây bất ngờ của sinh viên Nhật Bản

– Vì lý do nào mà anh lựa chọn đến Nhật Bản du học?

“Ngoài Nhật Bản còn có rất nhiều quốc gia khác cũng cấp học bổng du học cho học sinh Việt Nam như Singapore, các nước Đông Âu hay Nga. Tuy nhiên, khi đó tôi có ấn tượng rất tốt với đồ điện tử của Nhật Bản và cảm thấy đây là quốc gia hàng đầu châu Á. Với mong muốn biết được lý do cho sự phát triển vượt bậc của Nhật Bản, tôi quyết định sang Nhật du học với học bổng chính phủ Nhật Bản. Năm đầu tiên sang Nhật tôi học bổ túc tiếng Nhật, 3 năm sau đó thì học tập tại trường kỹ thuật chuyên nghiệp. Sau đó, với mong muốn học lên cao, tôi đã tham gia vào kỳ thi liên thông và đỗ vào trường Đại học Tsukuba.”

– Kỳ thi liên thông này hẳn là rất khó nhỉ.

“Đây là kỳ thi với kiến thức tương đương với người bản xứ nên không hề dễ dàng. Tôi không gặp nhiều khó khăn với kiến thức Toán hay Vật Lý, tuy nhiên việc học các thuật ngữ chuyên ngành lại khá vất vả. Các ký hiệu hay quy ước sử dụng trong môn Toán và Vật Lý tại Nhật Bản được quy định theo kiểu Mỹ, trong khi ở Việt Nam lại sử dụng ký hiệu kiểu Pháp và Nga. Do đó, tuy cùng một khái niệm nhưng ký hiệu lại có chút khác nhau. Tôi cũng gặp phải khó khăn tương tự khi còn học tại trường kỹ thuật chuyên nghiệp, tuy nhiên các thầy cô ở đó rất tốt nên tôi đã phần nào được châm trước. Bản thân tôi đôi lúc cũng lỡ sử dụng ký hiệu kiểu Việt Nam trong bài thi, khi ấy các thầy cô sẽ nhẹ nhàng hỏi lý do và sau khi nghe tôi giải thích thì thầy cô vẫn chấm trọn vẹn điểm của câu hỏi trong bài thi cho tôi.”

– Anh có điều gì ấn tượng trong quá trình học tập cũng như nghiên cứu tại Nhật không?

“Điều khiến tôi ấn tượng nhất là sự chuyên tâm với nghiên cứu của người Nhật. Họ thậm chí còn thức trắng đêm để vùi mình tại phòng nghiên cứu, khi thấy điều đó bản thân tôi cũng có chút bất ngờ. Các bạn cùng khóa của tôi ban đầu không quá chuyên tâm học tập và điểm số trên lớp của họ cũng không quá khả quan, tuy nhiên, theo từng năm học lên, một khi đã bước vào phòng nghiên cứu, họ đều trở nên vô cùng chăm chỉ, sẵn sàng thâu đêm suốt sáng để có thể hoàn thành nghiên cứu. Ngoài ra, kiến thức cũng như tỉ lệ cải thiện thành tích của họ cũng rất tốt, tôi đã phải rất vất vả mới có thể đuổi kịp được họ.”

– Anh thấy sinh viên người Nhật khác với sinh viên Việt Nam ra sao?

“Sau khi trở về Việt Nam, tôi công tác với vị trí giảng viên tại trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, các em sinh viên ở đó đều rất chăm chỉ học tập. Tuy nhiên, các em lại không quá chuyên tâm vào nghiên cứu, mà có xu hướng học để sau này kiếm được việc làm hơn. Đặc biệt, với ngành công nghệ thông tin, từ khi lên năm 3 sinh viên thường tập trung vào việc làm thêm tại công ty mà không để ý nhiều đến việc học hay nghiên cứu. Nếu chỉ chú tâm vào công việc trước mắt mà không suy nghĩ đến chuyện lâu dài chuẩn bị cho mai sau, tôi thấy sẽ có lúc các em sẽ phải hối hận. Về công việc, khi lên năm 4 các em hoàn toàn có thể thỏa sức thử thách bản thân. Tôi thường nói với sinh viên như vậy trong thời gian còn giảng dạy tại trường.”

 

 

Tại sao Nhật Bản lại có thể phát triển đến vậy

– Anh có cảm nhận gì sau khi đến Nhật?

“Như đã nói ở trên, trước đây tôi từng thắc mắc tại sao Nhật Bản lại có thể phát triển vượt bậc đến vậy, trong thời gian sinh sống và học tập tại Nhật, tôi đã tìm được câu trả lời. Nguyên nhân chủ yếu là bởi họ luôn chăm chỉ và nỗ lực trong mọi hoàn cảnh, dù là công việc hay bất cứ điều gì khác. Tuy nhiên, ngược lại, tôi cũng thấy rất nhiều người không có được hạnh phúc trong cuộc sống. Dù bên ngoài họ vẫn cười nói vui vẻ, nhưng dường như đằng sau đó lại là những nỗi cô đơn. Tôi nghĩ có lẽ một phần là ảnh hưởng bởi khoảng cách giữa con cái và cha mẹ. Mối quan hệ gia đình ở Việt Nam khá gần gũi, các thành viên trong gia đình thường xuyên gặp mặt và tâm sự với nhau, nhưng người Nhật thì khác họ đều có thể tự mình làm mọi việc và rất tự lập trong cuộc sống. Bởi vậy, cho dù có phải tăng ca hay công việc có vất vả đến đâu khi trở về nhà vẫn chỉ có một mình, vô cùng cô đơn. Trái lại, cuộc sống một mình lại vô cùng tự do. Hiện tại tôi đã có gia đình, mỗi khi trở về nhà đều quây quần bên con cái, tuy rất hạnh phúc nhưng đôi khi cũng cảm thấy hơi phiền (cười).”

– Có thể nói mối quan hệ gia đình ở Việt Nam khá khăng khít nhỉ.

“Tôi còn nhận ra một điều rằng, người Nhật luôn rất chỉn chu và nghiêm túc trong mọi việc, cho dù không bị ai quản thúc hay theo dõi. Trong những tình huống khẩn cấp hay nguy hiểm cũng vậy. Năm 2011, khi thảm họa kép động đất – sóng thần xảy ra tại Đông Bắc Nhật Bản, lúc ấy tôi đang ở trường đại học Tsukuba. Trong tình huống đó chắc hẳn mọi người ai cũng lo lắng và muốn nhanh chóng tìm kiếm chỗ trú ẩn an toàn, nhưng các thầy cô và nhân viên của trường đều ở lại để chăm sóc cho du học sinh còn ở tại trường. Mọi người sắp xếp chỗ ở cũng như chuẩn bị nước uống và đồ ăn cho chúng tôi. Rung chấn tại thành phố Tsukuba khá mạnh khiến cho nguồn nước và điện bị cắt đứt, nhưng người dân ở đó không hề hoảng loạn mà rất bình tĩnh xếp hàng để mua đồ ăn, điều đó khiến tôi hết sức ngạc nhiên. Tôi nghĩ đây chính là điểm mạnh lớn nhất của Nhật Bản.”

– Ngoài việc học tập, anh có ấn tượng gì khác với cuộc sống tại Nhật không?

“Bản thân tôi rất có hứng thú với kinh tế cũng như xã hội. Cơ cấu xã hội của Việt Nam và Nhật Bản không hề giống nhau. Tôi có cảm giác rằng khi đời sống vật chất trở nên dư dả thì cuộc sống của con người cũng sẽ thay đổi. Có lẽ khi các nhu cầu về vật chất đã được thỏa mãn, người ta có thể vừa làm việc vừa dành thời gian quan tâm, trò chuyện với nhau, quan hệ giữa người với người cũng sẽ tốt hơn chăng. Nếu kinh tế chưa phát triển thì mối quan hệ giữa người với người cũng khó mà có thể tốt lên, đất nước cũng không thể phát triển lên được. Tuy nhiên, cường độ làm việc của người Nhật vô cùng khắc nghiệt, nếu làm việc như vậy thì rất khó để có thể cảm thấy hạnh phúc, vì thế tôi thấy tốt nhất nên ở mức giữa chừng của Nhật Bản và Việt Nam. Công việc hiện tại cũng vậy, tuy luôn tâm niệm khách hàng là số một nhưng không có nghĩa là ta phải làm việc đến mức thức khuya dậy sớm, thay vào đó nên linh hoạt một chút, việc gì có thể để hôm sau giải quyết thì hôm nay sẽ không làm cố. Đó là tư duy của người Việt. Giới trẻ Việt Nam ngày nay đều khá linh hoạt trong công việc và nỗ lực phấn đấu để có được mức lương cao, tôi thấy đó là điều rất tốt.”

 

Hướng tới xã hội hạnh phúc

– Anh có mục tiêu hay mơ ước gì trong tương lai không?

“Hiện tại, nhân sự trong công ty tôi đang ở mức 240 người, chúng tôi muốn trong 5 năm tới con số ấy sẽ tăng lên 1000 người. Trước khi vào làm việc tại công ty, khi trò chuyện với anh giám đốc và được nghe chia sẻ về ước mơ ấy, mong muốn được góp sức hiện thực hóa mục tiêu đó đã khiến tôi quyết định vào công ty. Hiện chúng tôi đang cùng nhau phấn đấu để tìm cách đưa công ty ngày một đi lên. Đó là ước mơ của cá nhân tôi, bản thân tôi còn một ước mơ lớn nữa là được cống hiến cho công cuộc phát triển của đất nước, để Việt Nam ta có thể sánh vai các cường quốc như Nhật Bản hay Mỹ. Khi mức sống được cải thiện, không chỉ con cái của tôi mà mọi người xung quanh đều có thể trở nên hạnh phúc. Tôi muốn tạo dựng một xã hội giống Nhật Bản nhưng vẫn giữ được những điều tuyệt vời của Việt Nam như quan hệ gia đình bạn bè thân thiết hay khả năng làm việc linh hoạt mà không cần phải luôn bám sát theo kế hoạch.”

Anh Triều cũng bày tỏ rằng bản thân vốn thuộc kiểu người luôn lập kế hoạch trước khi bắt tay vào làm việc, nếu mọi việc không đúng theo kế hoạch anh sẽ cảm thấy bứt rứt khó chịu, tuy nhiên hiện tại anh đã có thể linh hoạt và thoải mái hơn trước kia. Ban Biên tập cảm thấy vô cùng khâm phục trước lòng nhiệt huyết đối với ước mơ xây dựng đất nước Việt Nam tốt đẹp hơn từ những trải nghiệm tại Việt Nam cũng như Nhật Bản của anh.

 

**********************

Nội dung bài viết đã được biên tập lại. Toàn bộ bài phỏng vấn đều được thực hiện bằng tiếng Nhật.

Hình ảnh sử dụng trong bài viết được cung cấp bởi anh Đặng Bá Khắc Triều.

Đơn vị phát hành:  Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam – Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản
Ngày phát hành: Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 08 năm 2022
Chấp bút・Biên tập: Kubo Aki (Giáo viên tiếng Nhật)
Biên tập:  FUJINAGA Kaoru (Chuyên gia tiếng Nhật cấp cao)
  YAMAMURA Yoko (Trợ lí Giám đốc Trung tâm)
  TSUCHIYA Risa (Nhân viên phụ trách mảng Tiếng Nhật)
Biên dịch bài viết:    Phạm Thị Thanh Thùy (Trợ lí chương trình)
  Nguyễn Thị Bình (Trợ lí chương trình)

 

Đăng ký email cập nhật

Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam

Văn phòng

Giờ mở cửa: 08:30 - 12:00/13:30-17:30 từ Thứ Hai đến Thứ Sáu
Đóng cửa: Các ngày thứ Bảy, Chủ Nhật và các ngày lễ

Thư Viện

Giờ mở cửa: 09:30 - 12:00/13:00-18:00 từ Thứ Ba đến Thứ Bảy
Đóng cửa: Các ngày Chủ Nhật, thứ Hai và các ngày lễ

Trung tâm Giao Lưu Văn Hóa Nhật Bản tại Việt Nam 2009 - 2024, all rights reserved.