logo
vi jp

HỌC TIẾNG NHẬT ĐỂ HIỂU RÕ HƠN VỀ NGƯỜI NHẬT

Chị Nguyễn Thúy Hà đến từ Công ty Nippon Paint Việt Nam

 

Trong số tạp chí này, Ban Biên tập đã phỏng vấn chị Nguyễn Thúy Hà – trợ lý giám đốc kiêm quản lý nhân sự hiện đang làm việc tại một doanh nghiệp Nhật Bản. Sau đây là những chia sẻ của chị Hà về những quan điểm lối suy nghĩ của người Nhật mà bản thân chị đúc kết được từ quá trình làm việc, cũng như những mong muốn trong tương lai về việc giảng dạy tiếng Nhật.

 

 

Thuở đầu hối hận vì đã chọn tiếng Nhật

– Cơ duyên nào khiến chị đến với tiếng Nhật vậy?

“Trước khi thi đại học, tôi đã xin tư vấn từ người quen cũng như anh chị em họ về việc nên đăng ký trường nào. Lúc ấy tôi rất có hứng thú với tiếng Anh cũng như các môn ngoại ngữ, tuy nhiên mọi người đều khuyên tôi rằng biết tiếng Nhật sẽ có nhiều cơ hội tìm được việc tốt hơn tiếng Anh, và sau này nếu muốn có thể làm việc tại công ty của Nhật. Bản thân tôi cũng mong tìm được việc ngay sau khi tốt nghiệp. Một lý do khác nữa là bởi người Việt vốn có ấn tượng rất tốt đối với Nhật Bản cũng như người Nhật, đồ điện tử của Nhật được đánh giá rất tốt về độ bền và chất lượng, người Nhật cũng mang lại ấn tượng về tính cách nhẹ nhàng. Đối với một người muốn theo đuổi ngành ngoại ngữ như tôi lúc bấy giờ thì quả nhiên tiếng Nhật là lựa chọn lý tưởng, bởi vậy mà tôi đã quyết định chọn nó.”

– Chị cảm thấy thực tế như thế nào sau khi thực sự bắt đầu học tiếng Nhật?

“Lúc mới bắt đầu học quả thật rất khó, tôi thậm chí đã từng có ý định bỏ cuộc (cười). Tiếng Việt hay tiếng Anh đều là ngôn ngữ sử dụng hệ chữ La-tinh, tuy nhiên tiếng Nhật lại không như vậy. Thời gian đầu khi bắt đầu học Hiragana tôi đã gặp rất nhiều khó khăn. Khi ấy tôi đã ít nhiều hối hận vì đã chọn tiếng Nhật. Tuy nhiên, sau đó khoảng 1, 2 tháng, khi đã dần dần nắm được các kiến thức về chữ Hán và ngữ pháp, tôi cảm thấy muốn tiếp tục thử thách thêm bản thân. Hơn nữa tôi cũng đã nghĩ, mình đã cố gắng rất nhiều mới thi đỗ được đại học, bỏ ngang chẳng phải lãng phí với mất thể diện quá sao? Chính vì thế nên hiện tại, tôi nghĩ mình có thể đồng cảm được với những người mới bắt đầu học tiếng Nhật.”

– Ban Biên tập được biết rằng chị đã có thời gian du học tại Nhật Bản. Vậy lý do chị chọn đi du học là gì?

“Vào năm 3 đại học, tôi đã đến Osaka du học trong khoảng nửa năm. Trong khoảng thời gian học tại Việt Nam, tôi hầu như chỉ có thể sử dụng tiếng Nhật trong phạm vi các giờ học. Dù đã học tiếng Nhật được 2 năm nhưng khả năng giao tiếp của tôi vẫn rất kém. Thậm chí dù có gặp được người Nhật tôi cũng không thể nói chuyện được nên tôi đã vô cùng tự ti. Do đó, tôi đã đăng ký và may mắn đỗ chương trình trao đổi tại Nhật của trường đại học mình theo học. Sau khi sang Nhật, tôi được ở chung với một gia đình người Nhật, khi đến trường cũng giao tiếp bằng tiếng Nhật, môi trường bắt buộc phải sử dụng tiếng Nhật đã cho tôi nhiều động lực cố gắng. Khi còn học năm nhất, năm hai, tôi chỉ luôn chú trọng vào việc nói sao cho đúng ngữ pháp, vì thế tốc độ phản ứng rất chậm, còn khi ở Nhật thì tôi chú trọng hơn vào việc nói sao cho thật tự nhiên. Tuy chỉ du học trong khoảng thời gian ngắn nhưng nhờ vào việc thường xuyên giao tiếp với người Nhật mà tôi đã có thể tự tin diễn đạt suy nghĩ của bản thân.”

 

 

Tầm nhìn của người Nhật đối với công việc

– Chị đã làm gì sau khi tốt nghiệp đại học?

“Sau khi tốt nghiệp đại học, vì muốn làm công việc có thể sử dụng tiếng Nhật tại doanh nghiệp của Nhật Bản nên ban đầu tôi đã ứng tuyển vào vị trí trợ lí cố vấn tại một văn phòng nhỏ của người Nhật tại Hà Nội. Tuy nhiên, sau khoảng 3 tháng thì tôi chuyển sang làm việc tại Công ty Nippon Paint Việt Nam với vai trò trợ lí giám đốc người Nhật và duy trì công tác tới tận bây giờ. Năm nay là năm thứ 11 tôi làm việc tại công ty.”

– Chị cảm thấy thế nào về công việc mới của mình?

“Tôi thấy vô cùng thú vị cũng như học hỏi được rất nhiều điều. Tôi được làm công việc của thư ký, được làm việc với nhiều phòng ban khác nhau, do đó tôi đã có thể hiểu được cách thức vận hành của công ty. Thời gian đầu vì còn nhiều điều chưa hiểu nên tôi đã phải tự tìm hiểu và trau dồi rất nhiều. Thế nhưng, giám đốc công ty luôn chỉ dạy cho tôi nhiều điều, từ đó tôi đã học hỏi thêm được về cách nghĩ của người Nhật cũng như kiến thức về quản lý. Ví dụ, khi giải quyết vấn đề phát sinh, ta có thể thấy rằng cách nhìn nhận của người Nhật và người Việt không giống nhau. Người Nhật sẽ phân tích từ gốc rễ vấn đề, sau đó tìm hướng giải quyết theo tiêu chí sao cho tránh được vấn đề tương tự xảy ra trong tương lai. Người Nhật lúc nào cũng suy xét đến những điều nhỏ nhặt nhất, vì thế mà dần dần tôi đã có thể hiểu được cách suy nghĩ chu toàn của họ.”

– Chị có gặp khó khăn gì bởi sự khác biệt về cách nhìn nhận đó chưa?

“Giám đốc công ty tôi thường nói như thế này. Người Việt Nam thường lúc nào cũng chỉ nhìn về phía trước. Nhưng người Nhật lại khác, không chỉ phía trước mà cả phía sau, bên phải hay bên trái họ đều cân nhắc đến. Do đó, cách quản lý rủi ro của người Nhật và người Việt cũng có điểm khác biệt. Hiện tại tôi đang đảm nhận công việc về nhân sự tại công ty, một trong những điều khó khăn đối với tôi chính là việc đánh giá con người. Người Việt Nam thường có xu hướng đánh giá dựa trên cảm tính, tuy nhiên người Nhật lại rất công tư phân minh. Đây cũng là sự khác nhau trong quan điểm giữa người Nhật và người Việt. Trợ lí là công việc có vai trò trở thành cầu nối giữa người với người, vì thế đó cũng là điều tôi thường trăn trở. Một điểm khác biệt nữa nằm ở cách làm việc nhóm. Người Nhật làm việc nhóm vô cùng hiệu quả. Còn người Việt cho dù có thể làm việc cá nhân một cách hiệu quả nhưng hiệu suất khi làm việc theo nhóm vẫn chưa được tốt.”

– Hiện tại chị đang đảm nhiệm vị trí nào tại công ty?

“Ví dụ, khi tham gia vào cuộc họp giữa giám đốc và các trưởng phòng người Việt, nếu giữa các trưởng phòng xảy ra bất đồng quan điểm thì tôi sẽ tham vấn họ theo hướng “Nếu tôi là giám đốc thì tôi sẽ nghĩ như thế này”. Các trưởng phòng sẽ tham khảo ý kiến đó và cùng nhau tìm ra hướng giải quyết. Có thể nói đó giống với công việc của một chuyên viên tư vấn. Ban đầu, tôi chỉ đơn thuần truyền đạt lại câu từ như một trợ lí bình thường. Tuy nhiên, sau nhiều năm làm việc với người Nhật, ngoài ngôn ngữ, tôi đã có thể hiểu được cách suy nghĩ của họ, từ đó dần dần trở thành một chuyên viên tư vấn. Bản thân tôi thấy đó là những kinh nghiệm vô cùng quý giá. Hiện tại, Việt Nam vẫn là một nước đang phát triển, còn Nhật Bản từ lâu đã đứng trong hàng ngũ các nước phát triển. Do đó, tôi thấy sẽ tốt hơn nếu người Việt có thể học hỏi được cách thức suy nghĩ của người Nhật.”

– Các cuộc họp tại công ty của chị toàn bộ đều sử dụng tiếng Anh, vậy khi giải thích với các trưởng phòng chị có sử dụng tiếng Việt không?

“Tôi thưởng chỉ sử dụng tiếng Nhật khi nói chuyện với giám đốc và cố vấn người Nhật. Mọi người còn lại vì không biết tiếng nên đều sử dụng tiếng Anh để giao tiếp với người Nhật. Có thể thấy rằng việc sử dụng tiếng Anh sẽ không gây ra nhiều khó khăn, tuy nhiên nếu tôi và giám đốc cũng giao tiếp bằng tiếng Anh với nhau thì có lẽ sẽ khó có thể đạt được sự thấu hiểu đến vậy. Khi giám đốc nói chuyện bằng tiếng Nhật, tôi thấy có thể hiểu rõ hơn sắc thái trong câu từ mà ông ấy truyền tải.”

Tiếng Anh đều là ngoại ngữ đối với chị Hà lẫn giám đốc công ty, tuy nhiên tiếng Nhật lại là ngôn ngữ mẹ đẻ của giám đốc nên dường như chị có thể hiểu được cả những sắc thái nhỏ nhất trong lời nói thông qua cách sử dụng từ ngữ. Thoạt nhìn chúng ta sẽ thấy rằng nếu mọi người đều giao tiếp được bằng tiếng Anh thì sẽ chẳng gặp phải vấn đề gì, tuy nhiên vẫn có những điều mà chỉ khi dùng tiếng Nhật mới có thể hiểu được một cách tốt nhất.

 

 

Hân hoan khi được gặp “tiếng Nhật”

– Hiện tại chị có mong muốn gì trong tương lai không?

“Tôi muốn giới thiệu tiếng Nhật đến với trẻ em Việt Nam. Hiện tại các em đều đang học tiếng Anh ở trường, gần đây cũng có nhiều em chọn học tiếng Nhật như môn ngoại ngữ thứ hai. Hơn nữa, truyện tranh và anime Nhật Bản cũng rất thịnh hành đối với giới trẻ Việt Nam. Vì vậy, tôi muốn làm điều gì đó để các em thấy được sự thú vị của tiếng Nhật, hơn là với người lớn. Hiện tại tôi đang suy nghĩ về việc trở thành một giáo viên dạy tiếng Nhật. Do tính chất công việc nên tôi không thể đi dạy toàn thời gian được, vì thế tôi đang muốn thử dạy với dưới hình thức giáo viên tình nguyện.”

– Theo như thông tin chúng tôi biết được thì chị đã từng tham gia vào Khóa đào tạo mới giáo viên tiếng Nhật do Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức đúng không?

“Đúng vậy, tôi tham gia khóa học đó vào khoảng 3 năm trước. Vì tôi là nhân viên văn phòng nên khóa học này dường như không có liên quan gì đến công việc của tôi. Tuy nhiên, vốn là một người yêu thích ngoại ngữ, cũng như đang làm việc với người Nhật tại công ty Nhật Bản, tôi muốn được chia sẻ kinh nghiệm của bản thân với những người khác. Tôi đã nghĩ rằng, để làm được điều đó quả thật chỉ có thể thông qua phương thức giảng dạy – nghĩa là trở thành giáo viên. Tuy không thể làm giáo viên toàn thời gian, nhưng nếu có cơ hội, tôi vẫn muốn được dạy tiếng Nhật với tư cách giáo viên bán thời gian hoặc tình nguyện viên, vì thế tôi đã tham gia khóa đào tạo này. Các giáo viên hướng dẫn của khóa học đã trao cho tôi cơ hội được thực hiện mong ước ấy, tôi cảm thấy vô cùng biết ơn họ. Việc được tiếp xúc học hỏi nhiều phương thức giảng dạy khác nhau là một trải nghiệm vô cùng quý giá đối với tôi, ngoài ra tôi còn kết bạn được với nhiều học viên cũng là giáo viên tiếng Nhật, từ đó mà tôi cũng học hỏi thêm từ họ nhiều điều. Việc được kết bạn với những người yêu thích tiếng Nhật cũng khiến tôi ngày một yêu ngôn ngữ này hơn.”

– Chị đã học hỏi được gì từ các bạn bè giáo viên tiếng Nhật?

“Mọi người đều vô cùng nhiệt huyết. Những thầy cô giáo học cùng lớp mà tôi thân thiết luôn trăn trở và không ngừng cố gắng để cải thiện chất lượng giờ học của mình. Nhìn sự tâm huyết của họ đối với nghề giáo, tôi cảm thấy chính bản thân mình cũng nên có trách nhiệm hơn với công việc hiện tại.”

– Ngoài những điều đã chia sẻ ra thì chị còn sử dụng tiếng Nhật vào những công việc nào nữa không?

“Có thể nói tôi hầu như chỉ sử dụng tiếng Nhật trong các dịp nêu trên. So với tiếng Anh vốn đã trở thành một ngôn ngữ quốc tế, số lượng người biết tiếng Nhật vẫn còn rất khiêm tốn. Nếu bản thân không có nhiều cơ hội sử dụng tiếng Nhật thì chỉ có cách tự mình tạo ra cơ hội, bằng cách xem phim truyền hình hay xem các bản tin thời sự trên mạng chẳng hạn. Nếu ta không thể gặp được người ta yêu hàng ngày, thì khi gặp được họ ta sẽ thấy vô cùng vui sướng. Đối với tôi, tiếng Nhật cũng như vậy, nó như một điều luôn hiện hữu trong trái tim tôi. Tôi thấy tự hào vì đã được thử sức với một ngoại ngữ khó như tiếng Nhật.”

Khi mới bắt đầu phỏng vấn, chị Hà đã phì cười khi nói rằng có lẽ bản thân sẽ lỡ bật ra tiếng Anh theo phản xạ, bởi đó là ngôn ngữ chị sử dụng trong công việc hàng ngày. Tuy vậy, sau khi nghe những chia sẻ vô cùng nghiêm túc của chị đối với tiếng Nhật – điều khiến chị hiểu được sắc thái trong lời nói khi giao tiếp với người Nhật, Ban Biên tập chúng tôi dường như đã có cách nhìn khác về ý nghĩa của việc học ngoại ngữ.

 

**********************

Nội dung bài viết đã được biên tập lại. Toàn bộ bài phỏng vấn đều được thực hiện bằng tiếng Nhật.

Hình ảnh trong bài viết được cung cấp bởi chị Nguyễn Thúy Hà.

 

Đơn vị phát hành:  Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam – Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản
Ngày phát hành: Thứ Ba, Ngày 17 tháng 05 năm 2022
Chỉ đạo:  ANDO Toshiki (Giám đốc)
Chấp bút・Biên tập: Kubo Aki (Giáo viên tiếng Nhật)
Biên tập:  TSUCHIYA Risa (Điều phối viên)
Biên dịch bài viết: Phạm Thị Thanh Thùy (Trợ lí chương trình)
  Nguyễn Thị Thùy Linh (Trợ lí chương trình)

 

Đăng ký email cập nhật

Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam

Văn phòng

Giờ mở cửa: 08:30 - 12:00/13:30-17:30 từ Thứ Hai đến Thứ Sáu
Đóng cửa: Các ngày thứ Bảy, Chủ Nhật và các ngày lễ

Thư Viện

Giờ mở cửa: 09:30 - 12:00/13:00-18:00 từ Thứ Ba đến Thứ Bảy
Đóng cửa: Các ngày Chủ Nhật, thứ Hai và các ngày lễ

Trung tâm Giao Lưu Văn Hóa Nhật Bản tại Việt Nam 2009 - 2024, all rights reserved.