logo
vi jp

GIỚI THIỆU NHÂN LỰC, CÔNG VIỆC MANG LẠI NHIỀU CƠ HỘI THÁCH THỨC

Chia sẻ của chị Nguyễn Thị Tình đến từ Công ty cổ phần đầu tư VJC

 

 Lần này, Ban Biên tập đã phỏng vấn chị Nguyễn Thị Tình hiện đang công tác trong ngành giới thiệu nhân lực. Sau đây là những chia sẻ của chị về hành trình đến Nhật với tư cách thực tập sinh cũng như về công việc hiện tại.

 

Ảnh chụp chị Tình tại nơi làm việc hiện tại (Nguồn ảnh: Nhân vật cung cấp)

 

Mối duyên với Nhật Bản bắt đầu từ bộ môn Lịch sử

-Chị bắt đầu có hứng thú với Nhật Bản từ khi nào?

“Khi còn học trung học, tôi là học sinh của lớp chuyên Sử. Lịch sử vốn là môn học không được nhiều người yêu thích, nhưng bởi cảm giác muốn trải nghiệm và thử thách bản thân làm những điều người khác không thích đã thôi thúc tôi đến với môn học này. Chương trình học của tôi bao gồm lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới, càng học tôi càng thấy đây thực sự là một môn rất thú vị. Hơn nữa, tôi đặc biệt có hứng thú với lịch sử Nhật Bản, chẳng hạn như tại sao Nhật Bản lại có thể phát triển thần tốc kể từ sau năm 1945; hay phong cách làm việc cũng như tinh thần của người Nhật là điều mà tôi cũng rất ấn tượng.” Nhận thấy niềm hứng thú với Nhật Bản của chị Tình không bắt nguồn từ anime hay manga, Ban Biên tập bèn đặt câu hỏi về cách thức học tập, chị Tình trả lời: “Tại trường trung học, chúng tôi được chọn ra 1 môn chuyên ngành và tập trung học chuyên ngành ấy. Ngoài sách giáo khoa trên lớp, tôi còn đọc thêm nhiều loại sách để tăng thêm vốn hiểu biết của mình. Thời đó, thành phố Hà Nội có tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi nên tôi đã 2 lần tham gia thi học sinh giỏi môn Lịch sử.” Khi được hỏi về thành tích đạt được trong kỳ thi, chị Tình kể: “Tôi đã một lần đạt được Giải Ba.”

 

Tạm gác lại việc học đại học và đến Nhật Bản

-Chị bắt đầu học tiếng Nhật từ khi nào?

“Tôi bắt đầu học tiếng Nhật từ sau khi vào đại học. Lúc ấy tôi là sinh viên năm nhất chuyên ngành tiếng Nhật. Gần nhà có khu công nghiệp nên tôi đã nghĩ rằng nếu chọn học tiếng Nhật thì sau khi ra trường sẽ có thể dễ dàng ứng tuyển vào các công ty ở đó. Số lượng người học tiếng Anh rất nhiều, vì thế tôi thấy sẽ dễ tìm được việc hơn với những người biết tiếng Nhật.” Khi ấy, Ban Biên tập đã hỏi rằng có phải chị Tình đã dành 4 năm đại học của mình để học tiếng Nhật, thì chị đã lắc đầu: “Tôi đã tạm nghỉ học sau khi kết thúc năm thứ nhất rồi đến Nhật với tư cách thực tập sinh và làm việc tại Nhật 3 năm. Lý do thực sự là do học phí đại học quá cao.” Chúng tôi thắc mắc vậy có phải khi đó chị làm cho công ty phái cử thực tập sinh, chị Tình trả lời: “Không phải vậy. Ban đầu, tôi vào làm tại một công ty thuộc khu công nghiệp gần nhà. Công ty đó đã phái cử nhân viên người Việt Nam sang làm việc tại trụ sở ở Nhật với tư cách thực tập sinh.” Công ty mà chị Tình nhắc tới là Công ty cổ phần Hiroshima Aluminum Industry (HAL) nằm tại thành phố Hiroshima, chi nhánh Việt Nam của công ty có tên HAL Vietnam nằm tại khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội.

 

Cuộc sống tại Nhật Bản vô cùng thú vị!

-Như vậy, thời gian đầu chị làm việc tại công ty ở Việt Nam, sau đó mới sang Nhật làm việc?

“Đúng vậy, sau khi vào công ty, mỗi ngày tôi dành một nửa thời gian học tiếng Nhật, một nửa thời gian còn lại tôi làm việc với tư cách thực tập sinh. Do đã học tiếng tại trường đại học nên việc học rất thoải mái, tôi còn có thể bổ túc thêm cho những người khác. Nửa năm sau, tôi đến làm việc tại trụ sở công ty ở Hiroshima. Giờ làm việc của tôi là từ 8 giờ sáng dến 5 giờ chiều, đôi khi có tăng ca nhưng hầu như thứ Bảy và Chủ Nhật nào tôi cũng được nghỉ. Công việc của tôi là kiểm tra phần mặt ngoài của các linh kiện ô tô. Linh kiện được đúc theo dây chuyền, nhân viên chúng tôi sẽ kiểm tra những sản phẩm được sản xuất ra.”

-Cuộc sống tại Nhật của chị như thế nào?

“Công ty tôi có khoảng 100 thực tập sinh người Việt, ngoài ra còn có người Phillipines và người Trung Quốc. Mọi người đều sống ở khu nhà công ty thuê giúp. Ở đó có một người Nhật phụ trách hướng dẫn, hỗ trợ về mảng đời sống sinh hoạt cho thực tập sinh. Người phụ trách đó tuy là nhân viên làm chung công ty nhưng vì lúc nào cũng quan tâm săn sóc cho mọi người, nên chúng tôi đều gọi bà là “Mẹ”. Tôi thường cùng Mẹ và các bạn đồng nghiệp nấu nướng, tổ chức tiệc tùng. Chúng tôi thường làm nem rán, đó là món rất được người Nhật yêu thích. Công ty tôi cũng hay tổ chức các sự kiện như hội thao hay hội thi bóng đá, ngoài ra còn tổ chức du lịch công ty mỗi năm 1 lần. Ngoài các dịp đó, tôi còn thường xuyên đi thăm thú các địa điểm nổi tiếng tại Hiroshima cùng các đồng nghiệp người Nhật. Nơi tôi ấn tượng nhất là đảo Ikutsushima, tôi đã đến đó 3 lần. Sắc đỏ của lá mùa thu với tôi thực sự là điều tuyệt vời nhất. Cuộc sống tại Nhật của tôi luôn ngập tràn niềm vui.”

-Chị có gặp phải khó khăn nào không?

“Có lần, do chân tôi bị đau nên Mẹ đã phải đưa tôi đến bệnh viện. Nguyên nhân là vì tôi đã chạy quá sức khi tập thể dục sau giờ làm việc (cười). Ngoài ra, có năm mùa đông tuyết rơi dày, bình thường tôi đi làm bằng xe đạp nhưng khi ấy chúng tôi đã phải đi bộ đến công ty ở trên núi, thời gian di chuyển mất tới 1 tiếng đồng hồ. Cuộc sống tuy có nhiều khó khăn vất vả, nhưng vì ở Nhật không khí trong lành nên trong suốt 3 năm tôi đã không bị ốm lần nào.”

 

Ảnh chụp chị Tình khi còn là thực tập sinh ở Hiroshima (Nguồn ảnh: Nhân vật cung cấp)

 

Kiếm tiền đóng học phí nhờ vốn tiếng Nhật và tốt nghiệp đại học

-Có phải chị đã tiếp tục việc học đại học sau khi trở về Việt Nam?

“Đúng vậy. Tôi quay trở về Việt Nam và học tiếp năm 2 đại học. Thực ra, hồi ở Nhật, Mẹ – Người phụ trách hỗ trợ mảng đời sống từng hỏi tôi: “Mục tiêu của con ở Nhật là gì?”. Khi ấy, tôi đã trả lời “Sau khi thi đỗ chứng chỉ Năng lực tiếng Nhật N2 con sẽ lập tức trở về Việt Nam”. Thực tế thì, đến tháng 7 năm thứ 3 tại Nhật tôi mới thi đỗ N3 và lấy được chứng chỉ cấp độ N2 vào kỳ thi tháng 12 cùng năm đó. Nhờ vậy, việc học tại trường đại học của tôi diễn ra cũng rất dễ dàng. Tôi chủ yếu tập trung học những môn kỹ năng biên – phiên dịch.”

– Có phải chị đã dành khoản tiền kiếm được trong khoảng thời gian làm thực tập sinh vào việc đóng học phí không?

“Khi đó, tôi vừa học tiếp đại học, vừa đi dạy thêm tiếng Nhật. Khoản tiền kiếm được từ việc làm thêm đã đủ để trang trải học phí của tôi rồi. Tôi dành số tiền kiếm được trong khoảng thời gian đi Nhật mua một chiếc xe máy, khoản còn lại thì đưa cho bố mẹ. Số tiền đó được dùng vào việc sửa sang ngôi nhà gia đình tôi ở.” Vậy là, nhờ vào việc chăm chỉ học tiếng Nhật trong khoảng thời gian làm thực tập sinh mà chị Tình đã có thể kiếm được thu nhập từ vốn tiếng Nhật của bản thân.

 

Nhanh chóng quay lại Nhật làm việc sau khi tốt nghiệp, nhiều lần luân chuyển công tác

-Chị đã làm gì sau khi tốt nghiệp đại học?

“Khi học năm 3 đại học, tôi đã tham gia kỳ thi tuyển dụng và nhận được lời mời làm việc từ một công ty trong ngành giới thiệu nhân lực. Tôi đi Nhật ngay sau khi tốt nghiệp và làm việc tại trụ sở công ty ở tỉnh Okayama. Công việc của tôi là biên dịch, phiên dịch, hỗ trợ về mảng sinh hoạt cho các thực tập sinh, kỹ sư người Việt Nam hay các nhân viên được phái cử đang sinh sống tại Nhật. Tôi phụ trách hỗ trợ khi họ mới vào công ty, hoặc khi có vấn đề phát sinh. Từ Okayama tôi phải đi công tác đến nhiều nơi như Kumamoto, Hyougo, Osaka, Nara, Kyoto,… Sau 6 tháng làm việc, tôi được luân chuyển công tác đến tỉnh Shiga, và 6 tháng sau đó thì chuyển đến làm việc tại tỉnh Kagawa.”

-Công việc của chị có vẻ yêu cầu di chuyển cũng như luân chuyển công tác rất nhiều nhỉ. Sau khi đến Kagawa chị đã làm gì?

“Tôi đã làm việc khoảng 3 tháng tại Kagawa, rồi sau đó nghỉ việc.” Câu chuyện đột nhiên chuyển sang hướng ít ai ngờ tới, nhưng thật may khi nghe câu trả lời của chị: “Tôi trở về Việt Nam để kết hôn.” Thực ra, trước khi đi Nhật chị Tình đã hứa hôn, chị và chồng chưa cưới quen nhau trong khoảng thời gian học đại học. Chồng chưa cưới của chị cũng có dự định đi Nhật, tuy nhiên do vấn đề trục trặc từ phía công ty nên anh đã không thể đi được, khiến cho hai người phải xa nhau một thời gian. Đó có vẻ là lý do chính khiến chị quyết định nghỉ việc. Tuy nhiên, công ty mà chị đã làm việc tại Nhật đã giới thiệu chị với một công ty liên doanh ở Việt Nam, vì thế chị đã có thể đi làm ngay sau khi về nước. Đó là công ty cổ phần đầu tư VJC mà hiện tại chị đang công tác. Theo như mô tả của website công ty, VJC là công ty kinh doanh trong mảng giới thiệu nhân lực và phái cử thực tập sinh – kỹ sư, trong đó bao gồm công ty phái cử thực tập sinh và trường Nhật ngữ.

 

Giới thiệu nhân lực là công việc đem đến nhiều cơ hội thử sức

– Chị đang làm những công việc gì ở công ty hiện tại?

“Hiện tôi đang công tác tại phòng phát triển thị trường dành cho Nhật Bản, công việc chính là giới thiệu thực tập sinh và lao động theo diện kỹ năng đặc định cho các công ty Nhật Bản. Ngoài ra, tôi còn hỗ trợ các công việc như sắp xếp phỏng vấn, thủ tục hợp đồng, chuẩn bị hồ sơ xin visa gửi sang Nhật. Công việc này tương tự với công việc tôi đã làm trước đó tại Nhật, tuy nhiên khi ấy tôi cùng làm việc với đồng nghiệp người Nhật, còn giờ ở Việt Nam, tôi là người trực tiếp làm việc với khách hàng và các công ty Nhật Bản. Vì thế tôi phải học thêm rất nhiều về chế độ thực tập sinh cũng như visa kỹ năng đặc định. Các chế đổi thay đổi khá nhiều, do đó mỗi ngày tôi đều phải cập nhật thông tin để không bị lạc hậu. Ở công việc này, tri thức là chiếc chìa khóa cơ bản, chính vì vậy mà qua đó tôi cũng dần nâng cao được năng lực của bản thân. Đây thực sự là một công việc thú vị.”

-Chị thấy công việc của mình thú vị ở điểm nào?

“Tùy vào từng đối tượng mà cách ứng đối cũng sẽ khác nhau, không có một cách thức chung cho tất cả mọi đối tượng. Vừa nói chuyện với đối phương, ta vừa suy nghĩ xem nên đối đáp thế nào với họ. Cách thức đối ứng cũng sẽ khác nhau tùy vào hoàn cảnh, do đó cần phải quan sát tình huống và nắm bắt được không khí xung quanh. Làm trong ngành giới thiệu nhân lực, tôi cũng hay gặp nhiều tình huống rắc rối, ví dụ có trường hợp có người hủy lịch ngay sát thời gian phỏng vấn, hay có người lại xin rút dù đã nhận được lời mời làm việc. Tìm cách thuyết phục những người kể trên cũng là một trong những công việc của tôi. Việc có người xin rút đơn sẽ làm mất uy tín của công ty đối với khách hàng, đồng thời gây nhiều ảnh hưởng đến những người khác. Thậm chí có người muốn xin nghỉ việc hoặc muốn chuyển việc ngay khi vừa mới bắt đầu làm việc tại Nhật Bản. Có thể nói đây là một trong những vấn đề tồn đọng trong thời gian gần đây của chế độ visa kỹ năng đặc định. Trường hợp muốn xin hủy visa cũng đã từng xảy ra, khi đó chúng tôi phải gọi điện và làm việc với người của Cục Xuất Nhập Cảnh Nhật Bản. Ngoài ra, khi phát sinh vấn đề trong thời gian lưu trú tại Nhật, có lúc chúng tôi phải trực tiếp liên lạc và làm việc với người ở bệnh viện, tòa thị chính, đôi khi còn là cán bộ văn phòng bảo hiểm lao động ở Nhật.”

– Ngành giới thiệu nhân lực không ngờ lại phải xử lý cả những việc như trên.

“Tôi cũng đã từng nghĩ rằng công việc này chỉ đơn thuần là giới thiệu người lao động tới các doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực chất “giới thiệu nhân lực” lại là nghề có khối lượng công việc lớn như vậy. Để làm được việc, bạn cần nắm rõ các kiến thức liên quan đến cơ chế và pháp luật, do vậy có rất nhiều điều cần phải tự mình tìm hiểu. Những kiến thức đó sẽ được sử dụng để trao đổi, làm việc với nhiều người. Tôi cảm thấy đây là công việc mang lại rất nhiều cơ hội để thử sức.”

 

Ước mơ mở một thư viện sách

– Mơ ước, nguyện vọng trong tương lai của chị là gì?

“Hiện tại, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 mà tôi không thể đến Nhật, vì thế khi tình hình dịch được khống chế tôi muốn được sang Nhật công tác và làm việc với khách hàng. Tôi cũng mong rằng công ty sẽ ngày một phát triển lớn mạnh hơn nữa. Trong tương lai, tôi cũng muốn mở một thư viện có khu đồ uống và cả quầy bán hoa. Bản thân tôi có niềm đam mê với hoa và sách. Tôi muốn tạo ra một không gian có thể vừa lặng lẽ nhâm nhi thức uống, vừa từ từ lật giở một cuốn sách hay.” Có lẽ nhờ vào niềm yêu thích với môn Lịch sử từ thời trung học mà chị Tình cũng rất yêu sách, trong quá trình làm việc chị cũng đã tiếp xúc và đọc rất nhiều tài liệu. Mong rằng chị sẽ dễ dàng vượt qua được những khó khăn gặp phải và tiếp tục tích cực hoạt động trong ngành “Giới thiệu nhân lực”.

 

**********************

Nội dung bài viết đã được biên tập. Toàn bộ buổi phỏng vấn đều được thực hiện bằng tiếng Nhật.
Nguồn tin tham khảo:

Công ty cổ phần đầu tư VJC: https://vjcgroup.vn/

 

Đơn vị phát hành:  Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam – Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản
Ngày phát hành:  Thứ năm, ngày 20 tháng 5 năm 2021
Chỉ đạo:  ANDO Toshiki (Giám đốc)
Chấp bút・Biên tập: KATAGIRI Junji (Chuyên gia tiếng Nhật Cấp cao)
Biên tập:  YAMADA Kiyomi (Điều phối viên)
Biên dịch bài viết: Phạm Thị Thanh Thùy (Trợ lí chương trình)
  Nguyễn Thị Thùy Linh (Trợ lí chương trình)

 

Đăng ký email cập nhật

Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam

Văn phòng

Giờ mở cửa: 08:30 - 12:00/13:30-17:30 từ Thứ Hai đến Thứ Sáu
Đóng cửa: Các ngày thứ Bảy, Chủ Nhật và các ngày lễ

Thư Viện

Giờ mở cửa: 09:30 - 12:00/13:00-18:00 từ Thứ Ba đến Thứ Bảy
Đóng cửa: Các ngày Chủ Nhật, thứ Hai và các ngày lễ

Trung tâm Giao Lưu Văn Hóa Nhật Bản tại Việt Nam 2009 - 2024, all rights reserved.