logo
vi jp

VÌ SỞ THÍCH VÀ ĐAM MÊ MÀ CỐ GẮNG

Anh Trịnh Duy Thông 

 

 

Trong số tạp chí lần này, ban biên tập đã có buổi trò chuyện với anh Trịnh Duy Thông hiện đang làm đầu bếp kiêm phục vụ tại nhà hàng Nhật Bản Izakaya Yen, Đà Nẵng. Chúng ta hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của anh Thông về kinh nghiệm có được khi du học, làm bán thời gian tại Nhật Bản cũng như kinh nghiệm trong bộ phận bếp của một khách sạn kiểu Nhật đã giúp ích như thế nào cho công việc hiện tại của anh nhé. 

 

 

 

 

Tay nghề không thua kém người Nhật 

 

Công việc chính của anh Thông là chế biến sushi, sashimi (món cá, hải sản tươi sống) bắt đầu từ công đoạn sơ chế cá. Anh đứng ngay tại quầy để chế biến và phục vụ món ăn, vì vậy việc giao tiếp với khách cũng là một phần công việc. Vì 80% khách là người Nhật nên họ chủ yếu nói tiếng Nhật, và anh cũng có cơ hội chuyện trò tán gẫu với khách một cách vui vẻ thoải mái về nhiều chủ đề khác nhau, từ sở thích đến thể thao. 

 

Anh Thông chia sẻ rằng trước đây anh từng làm việc tại một izakaya (quán rượu) ở Nhật và phụ bếp cho một khách sạn Nhật Bản tại Đà Nẵng, nên anh cảm thấy không quá khó khăn khi mới bắt đầu làm ở nhà hàng hiện tại. Hơn thế nữa, anh còn khá tự tin về tài nghệ trình bày món ăn sao cho thật bắt mắt của mình. Nhờ khả năng sử dụng dao thuần thục, cách trang trí cùng thao tác đẹp mắt khi chế biến món ăn, anh luôn được quản lý nhà hàng tin tưởng, đánh giá cao: “Ngay cả khi không có mặt tại nhà hàng, tôi cũng luôn yên tâm giao cho cậu ấy !”  

 

 


 

 

 

 

 

Cách bày trí món ăn đẹp mắt do anh Thông tự hào giới thiệu 

 

 

Con đường đến với tiếng Nhật 

 

Ban đầu anh dự định học đại học tại Việt Nam, nhưng lại thi trượt vì không mấy mặn mà với việc học. Thấy vậy, anh trai Thông lúc đó đang làm việc tại Nhật, cũng tỏ ra sốt ruột nên đã đề nghị em mình sang Nhật du học. Thế là chính việc “bị ép học tiếng Nhật” đã mở ra con đường đến với tiếng Nhật của anh. 

 

Anh Thông quyết định du học tại một trường tiếng Nhật tại thành phố Naha, tỉnh Okinawa. Mặc dù đã quyết tâm du học nhưng ban đầu anh chưa thực sự tập trung vào học hành mà chỉ lo vui chơi. Nhưng khi nhận ra cuộc sống và sinh hoạt tại Nhật sẽ vô cùng khó khăn nếu không biết tiếng Nhật, anh bắt đầu chú tâm vào học tập nghiêm túc. Anh cũng chia sẻ rằng giáo viên và bạn học tại trường tiếng Nhật đều rất dễ gần và hài hước, vì vậy họ đã cùng nhau có những giờ học thật vui và thú vị.   

 

Với châm ngôn “Duy trì sự kiên nhẫn với việc mình yêu thích, không được bỏ cuộc”, không chỉ giờ học trên lớp, anh còn tự rèn luyện thêm ở nhà cộng với sự giúp đỡ của anh trai, sau nửa năm, anh đã đạt kết quả đứng đầu lớp. 

 

Kinh nghiệm làm việc bán thời gian vẫn còn hữu ích cho đến ngày nay 

 

Việc biết tiếng Nhật cũng đã đem đến những chuyển biến trong công việc làm thêm. 

 

Khi mới làm thêm tại một quán izakaya ở tỉnh Okinawa, anh chỉ được làm ở khu vực rửa bát, nơi không cần sử dụng nhiều tiếng Nhật, nhưng khi thiếu nhân viên, anh được đưa lên phụ trách bếp. Tại đây, bếp trưởng đã dạy anh những điều cơ bản về sử dụng dao và trang trí món ăn. Thế là anh đã được chọn để đảm nhận một công việc đòi hỏi phải biết tiếng Nhật. 

 

“Nếu khi đó không giỏi tiếng Nhật, chắc có lẽ bây giờ tôi sẽ không làm đầu bếp.” Anh Thông chia sẻ. 

 

Kinh nghiệm anh có được lúc ấy vẫn rất hữu ích cho công việc hiện tại, chính trong khoảng thời gian đó anh đã học được những từ thường sử dụng ở các quán ăn, như “Irasshaimase” (Kính chào quý khách)” và “Yorokonde” (Rất hân hạnh được phục vụ). 

 

“Tôi và các đồng nghiệp người Nhật cũng rất thân, nhờ đó mà tôi có thể trau dồi kỹ năng tiếng Nhật. Ban đầu tôi không thể phát âm rõ chữ “” (tsu) trong câu “ Otsukare sama desu” (Bạn đã vất vả rồi) nhưng sau giờ làm, đồng nghiệp đã chỉ tôi luyện phát âm vài chục lần, nhờ vậy mà tôi có thể phát âm chuẩn và tự nhiên hơn.” Anh kể thêm về quãng thời gian vui vẻ khi còn làm tại quán. Đây cũng là nơi anh gắn bó suốt 3 năm rưỡi khi còn du học. 

 

 

 


Sau khi trở về Việt Nam, anh làm việc tại nhiều nhà hàng Nhật khác nhau, nhưng với anh, kinh nghiệm làm bếp một năm tại một khách sạn Nhật Bản ở Đà Nẵng, đã để lại nhiều bài học nhất. Anh được học cách chế biến những loại cá mà anh chưa từng được làm tại Nhật, điều này khiến anh càng bị mê hoặc bởi ẩm thực Nhật Bản hơn. “Thật thú vị khi độ cứng và hình dạng của xương khác nhau tùy theo loài cá” anh nói với ánh mắt chứa đầy đam mê. 

 

Những kỹ năng mà anh tâm đắc như cách trang trí món ăn, cắt rau, điều chỉnh độ cao của đĩa thức ăn sao cho thật bắt mắt là do anh tích lũy được trong quá trình làm việc cũng như tự mình mày mò trau dồi. 

 

Yêu thích ẩm thực và nhà hàng Nhật Bản 

 

Ban biên tập cũng được nghe anh Thông kể về mục tiêu tương lai của mình. 

 

Anh hiện đang ấp ủ kế hoạch trồng cây wasabi (cây mù tạt) trên cánh đồng của anh và ông ở tỉnh Quảng Nam. Ước mơ trong tương lai gần của anh là có thể mang wasabi nhà trồng đến các nhà hàng Nhật Bản trên khắp Việt Nam. Có thể thấy được tình yêu của anh đối với ẩm thực Nhật Bản, không chỉ dừng lại ở việc nấu nướng chế biến thức ăn mà anh còn muốn tạo ra những nguyên liệu tươi ngon. 

 

“Mục tiêu hiện tại của tôi là góp phần xây dựng nhà hàng càng phát triển hơn nữa.” – Anh nói. Cuộc phỏng vấn này được thực hiện trong dịp Tết nguyên đán, thế nhưng anh Thông hàng ngày đều chăm chỉ đến nhà hàng làm việc và phụ giúp mọi người. 

 

“Dù là chế biến thức ăn hay tiếp khách, tôi luôn cố gắng làm hết khả năng của mình.” 

 

Anh đã làm việc tại nhà hàng này được gần 2 năm. Do ý chí cầu tiến của bản thân và sự kỳ vọng của quản lý nhà hàng, anh Thông luôn cảm thấy bản thân cần phải nỗ lực học hỏi nhiều hơn để không chỉ trở thành đầu bếp chuyên nghiệp mà còn đem đến cho khách hàng trải nghiệm dịch vụ tốt nhất có thể. 

 

Nhờ niềm vui và đam mê đối với tiếng Nhật và ẩm thực Nhật làm nguồn động lực, anh Thông đã trưởng thành như ngày hôm nay. Ban biên tập chúng tôi mong anh Thông sẽ luôn thành công trên con đường kết nối Việt Nam Nhật Bản bằng tài nghệ và khả năng tiếng Nhật của mình. 

 

**********************

Cuộc phỏng vấn này được thực hiện bằng tiếng Nhật. Bài báo này là phiên bản đã được chỉnh sửa từ tiếng Nhật của người được phỏng vấn. Toàn bộ hình ảnh trong bài đều do người được phỏng vấn cung cấp.

Đơn vị phát hành:           Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam – Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản
Ngày phát hành:             Thứ Bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024
Chấp bút:                        IKOMA Miho (Giáo viên tiếng Nhật)
                                       FUJINAGA Kaoru (Chuyên gia tiếng Nhật cấp cao)
Biên tập:                         IKOMA Miho (Giáo viên tiếng Nhật)
                                       FUJIMURA Haruna (Giáo viên tiếng Nhật)
                                       TSUCHIYA Risa (Nhân viên phụ trách mảng Tiếng Nhật)
Biên dịch bài viết :          Nguyễn Phúc An (Trợ lí chương trình)
                                       Nguyễn Thị Bình (Trợ lí chương trình)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đăng ký email cập nhật

Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam

Văn phòng

Giờ mở cửa: 08:30 - 12:00/13:30-17:30 từ Thứ Hai đến Thứ Sáu
Đóng cửa: Các ngày thứ Bảy, Chủ Nhật và các ngày lễ

Thư Viện

Giờ mở cửa: 09:30 - 12:00/13:00-18:00 từ Thứ Ba đến Thứ Bảy
Đóng cửa: Các ngày Chủ Nhật, thứ Hai và các ngày lễ

Trung tâm Giao Lưu Văn Hóa Nhật Bản tại Việt Nam 2009 - 2024, all rights reserved.