logo
vi jp

TỪ NIỀM ĐAM MÊ NHẢY MÚA ĐẾN VIỆC DU HOC NHẬT BẢN!

Chia sẻ của thành viên đội Nakama Yosakoi Team

 

Lần này, Ban Biên tập đã phỏng vấn chị Tạ Thị Mỹ Hạnh – biên đạo nhảy của đội Nakama Yosakoi Team hiện đang hoạt động tại Hà Nội. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã có cơ hội phỏng vấn anh Phan Tiến Dũng – đại diện của đội.

 

Chị Tạ Thị Mỹ Hạnh (bên trái) và anh Phan Tiến Dũng (bên phải)
(Cung cấp ảnh: Chị Hạnh)

 

10 năm học nhảy, 8 năm học tiếng Nhật

– Chị bắt đầu tập nhảy từ bao giờ?

 “Tôi bắt đầu tập nhảy từ khoảng 10 năm trước. Ban đầu, tôi tham gia nhảy cover dance* do yêu thích các nhóm nhạc Hàn Quốc. Lúc đó, tôi đã có dịp đi xem một người quen nhảy Yosakoi. Lần đầu tiên nhìn thấy chiếc naruko, tôi thấy khá thú vị và tự hỏi không biết đó là cái gì. Niềm hứng thú với Yosakoi bén duyên từ lúc ấy và năm 2012 tôi đã tham gia vào đội nhảy.” – Chị Hạnh chia sẻ rất trôi chảy bằng tiếng Nhật. 

  Chúng tôi biết đến Nakama Yosakoi Team qua chị Nga (Trường Đại học Việt Nhật) –nhân vật đã xuất hiện trong số trước, khi biết được các thành viên trong đội nói được tiếng Nhật, chúng tôi đã thực hiện cuộc phỏng vấn này mà không cần phiên dịch. Khi được hỏi về thời điểm bắt đầu và lí do học tiếng Nhật, chị Hạnh chia sẻ: “8 năm trước, tôi mới bắt đầu tập nhảy Yosakoi. Thời đó nhóm nhạc Arashi đang rất nổi, tôi muốn hiểu được những điều họ nói mà không cần phụ đề. Vì thế mà tôi bắt đầu học tiếng Nhật. Yosakoi đã khơi dậy niềm hứng thú đối với tiếng Nhật trong tôi.” Dường như Yosakoi đã biến một fan Hàn Quốc như chị Hạnh trở thành một người yêu thích Nhật Bản.

*Cover dance: hình thức nhảy lại vũ đạo của các idol Hàn Quốc để biểu diễn tại các sự kiện hoặc quay video.

 

Du học Nhật Bản từ những bước nhảy!

– Chị đã học tiếng Nhật như thế nào?

“Tôi tìm một trung tâm tiếng Nhật và bắt đầu học từ bảng chữ cái Hiragana và Katakana, khi học đến kanji tôi thấy tiếng Nhật rất khó. Tôi học khoảng 2 năm rưỡi. Trong khoảng thời gian đó tôi cũng đi làm thêm ở nhà hàng Nhật Bản nên cũng hiểu được những câu tiếng Nhật đơn giản. Và rồi, vì muốn học về Yosakoi nên năm 2014 tôi đã đến Nhật Bản du học.” Vậy là hành trình đến với tiếng Nhật của chị đột ngột đổi hướng. Từ chuyện đến với tiếng Nhật do muốn hiểu được những điều mà thành viên nhóm nhạc Arashi nói, sau 2 năm đã trở thành “Du học Nhật Bản do muốn tìm hiểu về Yosakoi”.

  Khi Ban Biên tập bộc lộ sự ngạc nhiên về việc du học bằng Yosakoi – chị chia sẻ: “2 năm đầu tiên sau khi sang Nhật, tôi học tại Trường Nhật ngữ. Sau đó, tôi theo học tại trường Senmon (Trường chuyên đào tạo nghề của Nhật) chuyên về nhảy tại Tokyo. Dù chưa sử dụng tiếng Nhật một cách thành thạo, nhưng toàn bộ việc học ở trường đều bằng tiếng Nhật, và trong tuần chỉ có một buổi học tiếng Anh. Tuy chuyên ngành của tôi là vũ công phụ họa nhưng chương trình học có rất nhiều thứ. Chủ yếu là Hiphop, sau đó là Ballet, nhảy thiết hài (Tap dance), nhảy hiện đại, nhảy Acro,v..v… Tại đây, lần đầu tiên tôi được học một cách bài bản về nhảy. Yosakoi thì không được giảng dạy tại trường nhưng ngoài trường học, tôi đã tham gia vào đội SHIN thuộc vũ đoàn Yosakoi Tenku Shinatoya tại Tokyo.

 

Học về Yosakoi và trở thành biên đạo nhảy

Theo như thông tin đăng trên website, Tenku Shinatoya là nhóm nhảy thành lập vào năm 2009, với ý nghĩa đem văn hoá truyền đến thế hệ mai sau thông qua những điệu nhảy, là nơi tụ hội của những Odoriko (tên gọi chỉ những người nhảy Yosakoi) đến từ mọi miền Nhật Bản cũng như khắp thế giới”.

Theo như lời kể của chị Hạnh, Tenku Shinatoya là một vũ đoàn Yosakoi chuyên nghiệp. Không chỉ đem đến những màn trình diễn trên các phương tiện truyền thông hay những bài nhảy có sự góp mặt của những nghệ sĩ nổi tiếng, đội còn dạy nhảy và dựng bài. Ngoài ra, đội còn biểu diễn tại nước ngoài, mở các buổi workshop hướng dẫn tại Việt Nam, lập các đội nhảy kết hợp và biểu diễn. Tenku Shinatoya là một đội lớn bao gồm nhiều nhóm nhỏ khác nhau, và SHIN là một trong số đó.

SHIN là nhóm nhảy được thành lập vào năm 2010, hoạt động chủ yếu tại khu vực Harajuku – Omotesando ở Tokyo. Theo lời chia sẻ của chị Hạnh, việc tập luyện của các đội bên Nhật rất khắc nghiệt, riêng màn khởi động trước khi tập đã kéo dài hơn 30 phút. Tuy phương thức luyện tập có chút khác biệt nhưng địa điểm tập là hội trường rất đẹp và rộng, naruko (dụng cụ sử dụng khi nhảy Yosakoi) của mỗi đội sẽ có một thiết kế riêng, bản thân chị cảm thấy rất may mắn khi được tham gia vào đội.

Trong thời gian theo học tại trường Senmon chuyên ngành nhảy, chị Hạnh đã có cơ hội tham gia diễn mở màn tại concert của nhóm nhạc Hàn Quốc 2PM (THE 2PM in TOKYO DOME) được tổ chức tại Tokyo Dome, và chị cũng có dự định sau khi tốt nghiệp sẽ tiếp tục sự nghiệp nhảy tại Nhật Bản. Tuy nhiên, do làm việc quá sức khi chuẩn bị tác phẩm tốt nghiệp, chị đã bị chấn thương hông và phải về nước, gác lại sự nghiệp tại Nhật Bản.

Yosakoi là điệu nhảy luôn được làm mới qua các tác phẩm, có thể lấy danh sách được đăng tải trên website chính thức của đội nhảy SHIN mà chị Hạnh đã tham gia làm ví dụ. Trở về Việt Nam sau khi du học, chị quay trở lại Nakama Yosakoi Team và đảm nhiệm vị trí dạy và biên đạo nhảy.

 

Chị Hạnh đang biên đạo nhảy (Ảnh cung cấp bởi tác giả)

 

Phan Tiến Dũng – thành viên đại diện sáng lập đội nhảy Yosakoi

– Chúng tôi xin phép hỏi anh 1 số câu hỏi. Anh trở thành đại diện cho đội từ khi nào?

“Tôi cùng một vài người bạn khác đã thành lập Nakama Yosakoi Team vào năm 2012. Bản thân tôi trước đây từng là đội trưởng của đội Hanoi Sennen Yosakoi. Cường độ luyện tập trong năm của đội khá dày nên vì lí do công việc mà dần có nhiều người trong đội đã không thể tiếp tục. Chính tôi ngày thường cũng là người đi làm. Do đó, tôi và 1 vài người bạn thân thiết đã cùng thành lập 1 đội Yosakoi khác. Để chuẩn bị cho màn trình diễn tại Lễ hội Hoa anh đào tổ chức thường niên, Nakama Yosakoi Team sẽ bắt đầu luyện tập từ khoảng nửa năm trước thời gian lễ hội với tần suất 1 buổi 1 tuần. Đương nhiên vào thời gian gần đến lễ hội số buổi tập sẽ tăng dần lên.”

– Vậy là khi hoạt động tại đội Hanoi Sennen Yosakoi anh cũng đã đảm nhiệm vị trí dẫn dắt đội. Anh bắt đầu nhảy Yosakoi từ bao giờ vậy?

  “Từ ấn tượng về những bộ truyện tranh đã đọc hồi bé, và cũng để tăng cường sức khỏe mà tôi đã tham gia vào câu lạc bộ kiếm đạo Hanoi Kendo Club. Khi đó tôi đang là sinh viên đại học. Trong câu lạc bộ có thành viên yêu thích Yosakoi, nên chúng tôi rủ nhau đi xem Lễ hội Hoa anh đào. Từ đó, tôi bị thu hút bởi Yosakoi – điệu nhảy với sự kết hợp chuyển động của 1 nhóm đông người. Ngay lập tức, với suy nghĩ muốn trải nghiệm điệu nhảy ấy, tôi đã cùng bạn lập ra đội Hanoi Sennen Yosakoi.” “Ồ, thì ra anh Dũng cũng là người thành lập ra Hanoi Sennen sao?”, chúng tôi buột miệng hỏi ngay sau khi anh Dũng vừa dứt lời.   

 

Đạt giải thưởng Đội mới xuất sắc nhất của Lễ hội tại Nhật Bản!

   Sau khi xem xong những tiết mục Yosakoi tại Lễ hội Hoa anh đào, anh Dũng đã tham gia vào đội Núi Trúc Sakura Yosakoi. So với số lượng 17 đội tham gia tại “Lễ hội Hoa anh đào Hà Nội – Nhật Bản” năm 2019, tại thời điểm năm 2007 Hà Nội chỉ có duy nhất 1 đội Yosakoi. Với nhóm Yosakoi quy mô nhỏ lúc ấy, anh Dũng đã chủ động trao đổi với các tổ chức tài trợ của Lễ hội Hoa anh đào rằng khi có thêm nhiều đội Yosakoi hơn nữa thì lễ hội sẽ trở nên náo nhiệt hơn. Dưới sự tài trợ của các tổ chức đó, Hanoi Sennen Yosakoi đã ra đời vào năm 2008.

   “Hanoi Sennen Yosakoi” tiền thân có tên là “Hanoi Super Yosakoi”. Vào năm 2010, với sự kiện Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, đội đã thay đổi tên gọi. Năm 2011, với sự dẫn dắt của anh Dũng, Hanoi Sennen Yosakoi đã tham gia lễ hội “Harajuku Omotesando Super Yosakoi” được tổ chức tại Tokyo. Sau đó, như đã chia sẻ ở trên, anh thành lập Nakama Yosakoi Team. Đến năm 2015, đội một lần nữa tham gia lễ hội và vinh dự đạt giải Đội mới xuất sắc nhất. Lúc ấy, không hề nghĩ rằng đội mình sẽ đạt được giải, sau khi diễn xong anh đã tranh thủ đi loanh quanh thăm thú lễ hội. Và chính chị Hạnh, khi đó đang trong thời gian du học – là người gọi điện bảo anh quay trở lại lễ trao giải.

 

Nakama Yosakoi Team biểu diễn tại lễ hội ở Tokyo, năm 2015
(Ảnh được cung cấp bởi: Nakama Yosakoi Team)

 

Ước mơ nhảy Yosakoi cùng con gái

– Một lần nữa chúng tôi xin được lắng nghe những chia sẻ từ chị Hạnh. Liệu ở Việt Nam có thể tìm được những công việc như dạy nhảy không?

 “Tại Việt Nam không có những trường chuyên dạy nhảy như trường Senmon tại Nhật, do đó rất khó để tìm việc. Sau khi về nước, với vốn tiếng Nhật của bản thân, tôi xin vào làm tại công ty phái cử thực tập sinh. Ban đầu tôi là giáo viên tiếng Nhật và hiện nay tôi đang phụ trách quản lí phòng đào tạo. Công việc của tôi là quản lý học viên và giáo viên, lập báo cáo giảng dạy, đôi khi tham gia phiên dịch tại những buổi làm việc với nghiệp đoàn Nhật Bản.” Hiện tại, chị Hạnh đang đảm nhiệm nhiều công việc tại một cơ quan với hơn 100 học viên theo học tiếng Nhật. Khi được hỏi liệu bản thân có đang gặp khó khăn nào với tiếng Nhật không, chị cho rằng mình đôi khi vẫn không nghe hiểu được điều người Nhật nói, đặc biệt rất dễ nhầm lẫn khi gặp những từ đồng âm khác nghĩa.

– Mong muốn hay ước mơ trong tương lai của chị là gì?

 “Thực ra, tôi vừa mới sinh em bé. Để nuôi con, tôi sẽ tiếp tục công việc tại công ty hiện tại và cả Yosakoi nữa. Điểm thu hút ở Yosakoi chính là sự kết hợp hài hòa giữa chuyển động của các thành viên trong đội. Hiện tại, tính cả tôi thì có 3 người trong đội có khả năng biên đạo, và một trong số đó là em gái của tôi. Tuy ban đầu tôi đến với Yosakoi đơn thuần do hứng thú, nhưng giờ nó đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi. Dù hông có đau đến đâu tôi vẫn muốn được nhảy. Ước mơ của tôi chính là một ngày có thể nhảy Yosakoi cùng con gái.”

  Bắt nguồn khởi đầu là niềm hứng thú với Nhật Bản có được từ Yosakoi, tiếp đó là quá trình học tiếng và đến Nhật Bản học nhảy, sau khi về nước vừa làm việc vừa tiếp tục nhảy Yosakoi – Đó chính là câu chuyện mà chị Hạnh đã chia sẻ. Hiện tại chị cũng đang dựng bài mới để chuẩn bị cho Lễ hội Hoa anh đào. Hãy cùng đón chờ màn trình diễn sắp tới của chị trên sân khấu lễ hội nhé.

 

**********************

Nội dung phỏng vấn trong bài viết đã được biên tập. Toàn bộ buổi phỏng vấn đều được thực hiện bằng tiếng Nhật. Phần phỏng vấn của anh Dũng đã được chị Hạnh phiên dịch lại. Lễ hội Hoa anh đào được nhắc tới trong buổi phỏng vấn hiện có tên “Lễ hội Hoa anh đào Hà Nội – Nhật Bản”

 Nguồn tin tham khảo:

 Lễ hội Hoa anh đào Hà Nội – Nhật Bản:  https://jsf.vn/

Tenku Shinatoya:  https://www.shinatoya.com/index.html

Tenku Shinatoya “SHIN”: https://edgeofshin.com/

Đơn vị phát hành:  Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam – Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản
Ngày phát hành: Thứ Tư, ngày 20 tháng 1 năm 2021
Chỉ đạo:  ANDO Toshiki (Giám đốc)
Chấp bút・Biên tập: KATAGIRI Junji (Chuyên gia tiếng Nhật Cấp cao)
Biên tập:  MORICHIKA Mina (Trợ giảng tiếng Nhật)
  OSADA Asami (Điều phối viên)
Biên dịch bài viết: Phạm Thị Thanh Thùy (Trợ lí chương trình)
  Lê Kim Thanh (Trợ lí chương trình)
  Nguyễn Thị Thùy Linh (Trợ lí chương trình)

 

Đăng ký email cập nhật

Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam

Văn phòng

Giờ mở cửa: 08:30 - 12:00/13:30-17:30 từ Thứ Hai đến Thứ Sáu
Đóng cửa: Các ngày thứ Bảy, Chủ Nhật và các ngày lễ

Thư Viện

Giờ mở cửa: 09:30 - 12:00/13:00-18:00 từ Thứ Ba đến Thứ Bảy
Đóng cửa: Các ngày Chủ Nhật, thứ Hai và các ngày lễ

Trung tâm Giao Lưu Văn Hóa Nhật Bản tại Việt Nam 2009 - 2025, all rights reserved.